"Kể từ khi Trung Quốc-Việt Nam thiết lập Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước không ngừng đi vào chiều sâu và được củng cố."
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ dẫn đầu Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn Cấp cao Hợp tác Quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba tại Bắc Kinh, Trung Quốc, từ ngày 17-20/10/2023.
Nhân dịp này, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba đã gặp gỡ báo chí thông tin, trao đổi về các nội dung liên quan đến quan hệ hai nước.
Theo Đại sứ Hùng Ba, Trung Quốc và Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Kể từ sau khi Trung Quốc và Việt Nam thiết lập Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện (năm 2008), 15 năm qua, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước duy trì xu thế không ngừng phát triển theo hướng lành mạnh, ổn định.
"Sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam không ngừng đi vào chiều sâu và được củng cố," Đại sứ cho biết.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, ngay sau bế mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã chúc mừng Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức thành công.
Trong khi đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam chúc mừng Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc thành công, đồng thời chúc mừng Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921-2021).
Với một loạt chương trình nghị sự chính trị quan trọng này, hai bên đã dành sự ủng hộ kiên định và nhiệt tình cho nhau, qua đó thể hiện mức độ rất cao đối với sự phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước.
Trong quá trình này, Lãnh đạo Cấp cao hai Đảng, hai nước Việt Nam, Trung Quốc đã duy trì tiếp xúc mật thiết. Trong đó, ấn tượng sâu sắc nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2022 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chuyến thăm diễn ra ngay sau Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa mới bế mạc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được lãnh đạo Trung Quốc mời thăm và tiếp đón chính thức ngay sau Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử và thành công tốt đẹp.
Trong chuyến thăm này, Đại sứ Hùng Ba nhấn mạnh thành phần Đoàn hai bên đã ở cấp rất cao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì Lễ trao Huân chương Hữu nghị của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tối 31/10/2022, tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã giới thiệu với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, tức là tập thể lãnh đạo mới ngay sau Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đây là sự tiếp nối rất quan trọng và toàn diện giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước.
Trung Quốc dành sự tiếp đón nhiệt tình, chu đáo với nghi thức cao nhất đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao Huân chương Hữu nghị của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại Hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi ý kiến sâu sắc, thẳng thắn về một loạt chủ đề rộng rãi, trong đó có nội dung liên quan đến quan hệ hai Đảng, hai nước, tình hình quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm; đạt được một loạt nhận thức chung mới và quan trọng.
Điều này có ảnh hưởng rất quan trọng đối với sự phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian tới.
Hai bên đã ra Tuyên bố chung với nội dung rất phong phú và quan trọng. Đây cũng là thành quả quan trọng trong chuyến thăm.
Kể từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước tiếp tục duy trì trao đổi và tiếp xúc thường xuyên.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã hai lần sang thăm Trung Quốc và dự hội nghị đa phương quan trọng; đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã sang thăm Trung Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chiều 27/6/2023, tại Bắc Kinh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Khi tình hình được khôi phục trở lại sau đại dịch COVID-19, cơ chế gặp gỡ người đứng đầu Bộ Chính trị hai Đảng cũng khôi phục trở lại và dự kiến sang năm 2024, hai bên sẽ tiếp tục tổ chức Hội thảo lý luận và nối lại những cơ chế trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, quản lý đất nước.
Điểm nhấn thứ hai trong quan hệ hai nước 15 năm qua, theo Đại sứ Hùng Ba, đó là sự hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế-thương mại, giao lưu nhân dân giữa hai nước đã đạt được đến mức cao nhất trong lịch sử.
“Tôi cho rằng điểm nhấn đối với quan hệ hai nước không chỉ là tạo sự tin cậy chính trị giữa hai bên, mà còn ở sự hợp tác đầu tư và kinh tế thương mại. Điều này cũng rất là quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nước," Đại sứ phát biểu.
Theo Đại sứ, trong nhiều năm, Trung Quốc đã duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN của Trung Quốc.
Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam duy trì xu thế tăng trưởng nhanh chóng và bền vững. Năm ngoái, vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam xếp hàng thứ ba, thì đến 9 tháng qua của năm nay, vốn đầu tư vào Việt Nam của Trung Quốc đã đứng vị trí thứ hai.
Giao lưu nhân dân hai nước cũng duy trì xu thế khôi phục nhanh chóng. Đến nay, số lượng du khách Trung Quốc sang du lịch Việt Nam tiếp tục tăng. Đại sứ Hùng Ba cho rằng trong lĩnh vực này hai bên còn tiềm năng rất lớn.
“Năm 2019, số lượng du khách Trung Quốc sang Việt Nam đạt khoảng 5,8 triệu lượt khách. Với sự khôi phục vụ của các chuyến bay giữa hai nước, tiềm năng phát triển trong lĩnh vực này còn rất là lớn," Đại sứ nhấn mạnh.
Gặp mặt giao lưu giữa cư dân biên giới trên cầu Hồ Kiều II sau gần 3 năm đóng cửa biên giới chống dịch COVID-19. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Điểm nhấn thứ ba trong quan hệ hợp tác hai nước, theo Đại sứ Hùng Ba đó là sự phối hợp trao đổi và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong các công việc chung của khu vực và quốc tế không ngừng được tăng cường.
“Trung Quốc rất coi trọng Việt Nam phát huy vai trò quan trọng trong các công việc chung của khu vực và quốc tế cũng như ủng hộ Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò quan trọng và mang tính xây dựng trong giải quyết các vấn đề ở khu vực và quốc tế," Đại sứ Hùng Ba cho biết.
Theo Đại sứ, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước xã hội chủ nghĩa, đồng thời là những quốc gia đang phát triển, nền kinh tế mới nổi, do đó hai nước cùng chia sẻ lợi lợi ích chung quan trọng và rộng rãi với các công việc chung quốc tế.
Đề cập đến những những cơ hội và thách thức, Đại sứ Hùng Ba cho rằng nhìn từ bối cảnh quốc tế, quan hệ Trung Quốc và Việt Nam thời gian tới về tổng thể thì cơ hội lớn hơn thách thức.
Mặc dù tại một số khu vực trên thế giới vẫn còn xung đột, song về cơ bản, thế giới đang trong xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, trong đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành một cực động lực đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế thế giới.
Đại sứ Hùng Ba cho rằng đây chính là cơ sở quan trọng để Trung Quốc, Việt Nam với tư cách là các quốc gia đang phát triển, các nền kinh tế mới nổi, có những tiếng nói, đóng góp và sức ảnh hưởng ngày càng nâng cao trên trường quốc tế.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Bên cạnh các yếu tố quốc tế, khu vực bên ngoài thì sự ổn định trong hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng cho xu thế phát triển quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Đại sứ Hùng Ba một lần nữa khẳng định, sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đang ngày càng được củng cố và tình cảm giữa nhân dân hai nước cũng không ngừng được gắn kết và thắt chặt.
Đại sứ Hùng Ba cho rằng, với việc Lãnh đạo Cấp cao hai nước đã đạt được nhận thức chung, quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước sẽ tiếp tục giữ mạch chủ đạo./.
Theo TTXVN