Các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran trong những lĩnh vực năng lượng, đóng tàu, vận tải và ngân hàng chính thức được Mỹ áp đặt trở lại vào ngày hôm nay (5/11), tạo thêm sóng gió trong mối quan hệ vốn đang rất căng thẳng giữa Tehran và Washington.
Đây là gói trừng phạt thứ hai được áp dụng đối với quốc gia Hồi giáo này
kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân
Iran….
Hôm qua (4/11) là hạn chót Mỹ đưa ra để các nhà nhập khẩu dầu thế giới
chấm dứt hoàn toàn các hoạt động mua bán với Iran nhằm giảm lượng nhập
khẩu dầu mỏ từ nước này về con số 0. Hôm nay, Washington dự kiến sẽ liệt
hơn 700 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt liên quan đến
Iran.
Phản ứng trước động thái trên của Mỹ, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad
Zarif cho rằng, Mỹ đang đối mặt với “sự phản đối thực sự” ở khắp nơi
trên thế giới khi Washington quyết định tái áp đặt các biện pháp trừng
phạt Tehran nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ và tài chính. Ông
Mohammad Javad Zarif đã điện đàm với Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu
(EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini và
những người đồng cấp của Đức, Thụy Điển, Đan Mạch nhằm tìm kiếm sự ủng
hộ của châu Âu trong bối cảnh Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối
với Tehran. Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram
Qasemi khẳng định, Mỹ sẽ không thể thực hiện bất cứ biện pháp nào chống
lại Iran. Ông nhấn mạnh, Tehran có sự hiểu biết và khả năng để quản lý
các vấn đề kinh tế của nước này. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ chủ
yếu gây "tác động tâm lý".
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã phát đi cảnh báo tới mạng kết nối ngân
hàng toàn cầu SWIFT về nguy cơ đối mặt với các biện pháp trừng phạt của
Mỹ nếu cung cấp dịch vụ cho các thực thể Iran có tên trong "danh sách
đen" của Washington. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng xác
nhận, nước này đã chấp thuận để 8 nước tiếp tục mua dầu mỏ của Iran sau
khi lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào các hoạt động xuất khẩu dầu
mỏ của Tehran chính thức có hiệu lực từ thời điểm trên. Dù không nêu chi
tiết tên từng quốc gia cụ thể, nhưng ông Mike Pompeo khẳng định, EU sẽ
không nằm trong danh sách được miễn trừ này.
Ngày 2/11, theo RT, Washington thông báo sẽ áp đặt trở lại tất cả lệnh
trừng phạt Iran, vốn đã dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015,
được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc
và Đức), được biết với tên gọi đầy đủ là Kế hoạch hành động chung toàn
diện (JCPOA). Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5, hồi
tháng 8 vừa qua, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào hoạt
động xuất nhập khẩu kim loại than, ngành sản xuất ôtô... của Iran.
Trong khi đó, Pháp, Đức, Anh và EU đã ra tuyên bố chung lên án quyết
định của Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với nền kinh tế quốc
gia Hồi giáo này. Tuyên bố khẳng định: "Mục tiêu của chúng tôi là bảo
vệ các doanh nghiệp của châu Âu đang có các thỏa thuận thương mại hợp
pháp với Iran". Châu Âu sẽ tìm cách duy trì các kênh tài chính hoạt động
với Iran cũng như bảo đảm việc tiếp tục xuất khẩu khí đốt của Iran.
Việc khôi phục các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran là một phần trong
các biện pháp của Washington nhằm gây áp lực buộc Iran hạn chế chương
trình hạt nhân và tên lửa, cũng như các hoạt động mà Washington gọi là
"tài trợ cho khủng bố". Về phần mình, Iran luôn khẳng định chương trình
hạt nhân và tên lửa của quốc gia này đều vì mục đích dân sự và bác bỏ
mọi cáo buộc tài trợ cho khủng bố.
Trong bối cảnh gói biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu
mỏ-ngành kinh tế mũi nhọn của Iran bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm nay,
các chuyên gia nhận định, những biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các
nước nhập khẩu dầu của Iran có nguy cơ đe dọa sự cân bằng của thị
trường dầu mỏ thế giới vốn bất ổn, bởi Iran là nước sản xuất dầu mỏ lớn
thứ ba trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Hầu hết các nhà
quan sát tin rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ
của Iran trong một thời gian dài sẽ làm tăng giá dầu và làm suy yếu đồng
USD trên thị trường quốc tế./.
Lâm Anh (qdnd.vn)