Thứ Bảy, 30/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 27/11/2013 17:54'(GMT+7)

Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải thủy nội địa

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển giao thông đường thủy

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa, các đại biểu đều đồng tình với việc sửa đổi Luật hiện hành nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển giao thông đường thủy theo hướng ngày càng hiện đại, đáp ứng các điều kiện mới của quá trình phát triển kinh tế, xã hội nói chung, xây dựng kết cấu hạ tầng và bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nói riêng.

Tuy nhiên, các đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long), Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị dự thảo Luật cần tính kỹ đến điều kiện vùng miền, bởi mỗi vùng miền giao thông đường thủy nội địa có đặc thù khác nhau, hành lang giao thông đường thủy khác nhau, không thể áp dụng chung các quy định, thậm chí cần có những quy định mang tính nguyên tắc đối với các vùng miền và nên giao Chính phủ quy định cụ thể nguyên tắc này.

Đại biểu Trương Minh Hoàng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu kỹ về tập quán hoạt động đường thủy nội địa cho sát thực tế hơn, một số điều khoản nếu không tiếp tục chỉnh sửa hoàn thiện sẽ khó khả thi. Dự thảo Luật chưa bảo đảm được quan điểm đặt ra là sửa đổi Luật để tạo thuận lợi cho cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động đường thủy nội địa.

Đánh giá việc phân cấp quản lý giao thông đường thủy nội địa trên một địa bàn có quá nhiều cơ quan quản lý, gây chồng chéo và khó khăn trong quản lý và xử lý các hành vi vi phạm an toàn giao thông đường thủy nội địa, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (Thành phố Hồ Chí Minh) dẫn giải tại địa phương này, Cục Hàng hải quản lý 7 tuyến sông cho tàu biển ra vào dài 176 km, Cục Đường thủy nội địa quản lý 16 tuyến đường thủy nội địa, dài 252 km, Sở Giao thông vận tải quản lý 87 tuyến đường thủy nội địa với chiều dài 574km.

Như vậy, trên cùng một địa bàn, việc phân cấp rất manh mún, trách nhiệm quản lý lại chồng chéo. Đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật sửa đổi lần này, vấn đề quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa cần quy định rõ nội dung quản lý nào thuộc bộ, ngành, nội dung quản lý nào thuộc địa phương và cần giao công tác quản lý vận tải thủy nội địa trên địa bàn sông rạch một địa phương cho chính quyền địa phương đó quản lý.

Liên quan đến vấn đề quy hoạch quản lý khai thác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thủy nội địa, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng nội dung này cần cụ thể hóa yêu cầu của Nghị quyết số 13 Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nhằm chia sẻ áp lực giao thông với đường bộ. Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa có liên quan mật thiết đến các quy hoạch khác như quy hoạch đê điều, quy hoạch thoát lũ, quy hoạch thủy lợi, thủy điện, xây dựng... trong khi cách làm quy hoạch hiện nay không có sự thống nhất với quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch tổng thể kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa rất manh mún.

Đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật các quy định quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa phải căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch lưu vực sông, phù hợp với các quy định khác có liên quan và bảo đảm an ninh quốc phòng; cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa có trách nhiệm công bố quy hoạch và quyết định việc điều hành quy hoạch, quy hoạch được công bố công khai đến cấp xã.

Cho rằng việc tổ chức đăng ký đăng kiểm các phương tiện thủy nội địa là yêu cầu cần thiết nhằm bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ ra các quy định trong Luật chưa tách bạch và rõ ràng về phương tiện chở hành khách và chở hàng hóa, chưa tách bạch giữa yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu quản lý an toàn trong vận tải của phương tiện. Quy định như dự thảo luật chưa hạn chế được tình trạng các phương tiện không bảo đảm an toàn tham gia chuyên chở người, khó tăng cường được công tác quản lý phương tiện trong khi nhu cầu vận tải đường thủy nội địa ngày càng lớn, nguy cơ mất an toàn giao thông, đe dọa tính mạng con người vẫn còn đó.

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện đề nghị ban soạn thảo cần phân loại phương tiện theo chức năng nhiệm vụ sau đó gắn với yêu cầu kỹ thuật của phương tiện, trên cơ sở đó, quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện đường thủy nội địa; bổ sung quy định đối với phương tiện chở hành khách trên 12 người cần phải có điều kiện là: đủ thiết bị an toàn, thiết bị định vị hành trình, thông tin định vị trên đường. Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) khẳng định dự thảo Luật đang phân cấp quản lý chủ yếu theo đặc tính kỹ thuật của phương tiện như trọng tải, số hành khách được phép chở, có động cơ hay không có động cơ.
 
 Để nâng cao hiệu quả quản lý cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động dân sinh bình thường của người dân vùng sông nước, đại biểu cho rằng cần quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải thủy nội địa – một hình thức kinh doanh có điều kiện, phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, trang thiết bị an toàn và trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba. Trong thực tế, Bộ Giao thông - Vận tải đã có quy định về giới hạn vùng hoạt động của các phương tiện thủy nội địa trên cơ sở tiêu chuẩn, kích cỡ, mục đích sử dụng nhưng vấn đề này chưa được đề cập trong dự thảo Luật, do đó cần phải bổ sung vấn đề này vào Luật.

Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), các phương tiện chưa được đăng ký chủ yếu là phương tiện thô sơ, giá trị tài sản không lớn, hoạt động trong phạm hẹp trong khi đó thủ tục đăng ký rườm rà, mất thời gian nên người dân không đăng ký, mặt khác, khi tham gia giao thông, phương tiện này ít gây nguy hiểm, do vậy nên miễn đăng ký phương tiện, chỉ thực hiện đăng ký với phương tiện này khi thực hiện mục đích chở người.

Trước tình trạng gần đây xảy ra một số vụ việc chìm tàu, gây thiệt hại lớn về người và vật chất, bộc lộ những bất cập trong công tác cứu nạn, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan cứu nạn, công an, quốc phòng, các đại biểu nhất trí bổ sung quy định về cứu nạn vào Dự thảo Luật. Song, theo đại biểu Huỳnh Minh Thiện (Thành phố Hồ Chí Minh), dự thảo luật mới đề cập đến khái niệm và tình huống cứu nạn là chưa đầy đủ và bảo đảm việc hoạt động cứu nạn, đặc biệt là cứu người trong bối cảnh tình trạng tai nạn giao thông đường thủy diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Đại biểu đề nghị bổ sung một số nội dung như nguyên tắc tham gia hoạt động cứu nạn; lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ; cơ quan thường trực cứu nạn, cứu hộ.
 

Thông tin về tai nạn, sự cố, yêu cầu về cứu nạn, cứu hộ cần thông báo kịp thời cho cơ quan thường trực cứu nạn, cứu hộ theo số điện thoại thống nhất trong cả nước. Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề xuất cân nhắc bổ sung chức năng nhiệm vụ, phát triển lực lượng cảnh sát đường thủy đa chức năng, trong đó có chức năng cứu hộ, cứu nạn đường thủy nội địa. Trường hợp chưa xây dựng được lực lượng cảnh sát đường thủy đa chức năng, cần quy định cụ thể chức năng chính trong việc chủ trì hoạt động cứu hộ, cứu nạn theo từng khu vực và quy định tất cả lực lượng, phương tiện phải có trách nhiệm tham gia cứu người khi xảy ra tai nạn. Đại biểu đề nghị cần quy định số điện thoại cứu nạn trong trường hợp cần thiết.

Tăng cường quản lý quy hoạch, xây dựng, khai thác công trình thủy điện

Trước đó, với 88,96% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Quốc hội ghi nhận Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thủy điện; đánh giá cao sự đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc tại các địa phương có dự án thủy điện đã khắc phục khó khăn thực hiện di dân, tái định cư để xây dựng các công trình thủy điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các công trình thủy điện đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Việc rà soát tổng thể quy hoạch thủy điện theo Nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ triển khai nghiêm túc. Để tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện đúng quy định của pháp luật, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện bảo đảm sử dụng tài nguyên nước hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học; kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, có ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân.

Trong năm 2014 tổ chức đánh giá tổng thể các đập, hồ chứa trong cả nước; có kế hoạch, giải pháp và bố trí đủ kinh phí sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa có nguy cơ gây mất an toàn; quy định cụ thể trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa và vùng hạ du./.

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất