Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 13/6/2009 15:21'(GMT+7)

Quản lý đất đai, công sản còn lỏng lẻo

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đăng đàn sáng 13/6.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đăng đàn sáng 13/6.

Sáng nay (13/6), Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng báo cáo trước Quốc hội làm rõ thêm một số nội dung và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trình bày xem xét 5 vấn đề: đánh giá tình hình, chính sách kích thích kinh tế, các gói kích cầu, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giảm nghèo; các dự án bauxite và về việc chuẩn bị các giải pháp cho thời kỳ phát triển sau suy giảm. Đây là những vấn đề lớn mà Quốc hội và cử tri cả nước đang quan tâm.

Quản lý đất đai, công sản bằng luật pháp

Quản lý đất đai, công sản còn lỏng lẻo (ảnh Thuý Hoa)
Đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) cho rằng, tình hình quản lý, sử dụng đất đai, công sản hiện nay còn nhiều bất cập. Trong số 7.507.318 ha đất Nhà nước giao cho các tổ chức thì có tới hàng trăm nghìn ha sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, cho thuê, cho mượn trái phép, chuyển nhượng trái pháp luật như Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường đã báo cáo trong phiên chất vấn chiều 12/6. Ngày 12/4/2009, Cục Công sản (Bộ Tài chính) đã tham mưu, đề xuất thu hồi của một công ty mà đã có 31 cơ sở nhà đất với 50 mặt bằng, trị giá hàng nghìn tỷ đồng. “Nếu rà soát lại đất, nhà cửa giao cho hàng trăm DNNN, hàng chục bộ, ngành ở trung ương, địa phương thì Nhà nước đã có hàng trăm nghìn tỷ đồng, con số không thua kém 20.000 tỷ trái phiếu Chính phủ cho kích cầu. Trước thực trạng trên, sắp tới, Chính phủ cho chủ trương, biện pháp gì để chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng đất đai, công sản theo đúng Luật Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà Quốc hội đã ban hành?”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận: “Đất đai và công sản là vấn đề lớn. Nước ta hiện nay có khoảng 53 triệu ha. Tình trạng lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, cấp rồi không xây dựng… là có thực và khá nghiêm trọng. Trong nhiều nhiệm kỳ qua, Chính phủ và Thủ tướng đã có nhiều biện pháp để khắc phục và có những bước tiến bộ (theo báo cáo Bộ Tài nguyên-Môi trường).

Để quản lý hiệu quả hơn, theo Phó Thủ tướng chỉ có con đường luật pháp, đặc biệt là Luật đất đai cần phải sửa đổi để chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, cần phải tổ chức lực lượng kiểm soát từ trung ương tới địa phương.

Đại biểu Nguyễn Hữu Phước (đoàn Bến Tre) đặt câu hỏi: Tại sao Chính phủ không giao việc quản lý các nguồn lực tài chính cho Bộ Tài chính mà lại giao cho các Bộ, ngành khác một cách phân tán như hiện nay?

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Việc phân công chức năng, nhiệm vụ quản lý tài chính Nhà nước cũng là quá trình hoàn thiện và là vấn đề Chính phủ đang xem xét kỹ lưỡng để  gắn liền với điều kiện thực tế của đất nước. Chính phủ cũng sẽ từng bước đề trình lên Quốc hội về vấn đề này để quản lý tài chính được tập trung hơn. Tuy nhiên, tập trung quản lý tài chính không nghĩa là nhất thiết dồn hết về một Bộ mà phải quy định rõ quyền lực của Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng, của ngành và các ngành khác trong việc sử dụng, quản lý nguồn tài chính.

Hỗ trợ tối đa cho nông dân

Đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) nêu ý kiến: “Trong báo cáo giải trình của Phó Thủ tướng đề cập đến chính sách với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tôi rất đồng tình. Xin kiến nghị Chính phủ hai vấn đề như sau: Theo Quyết định 497 của Chính phủ nông dân được vay vốn ưu đãi để mua sắm máy móc, nhưng thời gian chỉ có 2 năm là quá ngắn. Nông dân không đủ điều kiện, không đảm bảo được thời gian trả vốn cho Nhà nước. Nông dân kiến nghị kéo dài thời gian vay vốn lên 5 năm”. Về điều này, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng giải thích: “Hai năm là hỗ trợ lãi suất chứ không phải là phải trả nợ. Trả nợ là theo thời gian hợp đồng cam kết với ngân hàng phù hợp với điều kiện vay để trả. Chúng ta phải làm tốt công tác hỗ trợ đối với nông dân và các nhà sản xuất trong nước để bảo vệ phát triển sản xuất trong nước. Các nhà sản xuất phải sản xuất các vật tư, thiết bị phục vụ nông nghiệp có chất lượng để hỗ trợ, hướng dẫn nông dân sản xuất hiệu quả. Chính phủ đã chỉ đạo có chính sách căn cơ hơn, hỗ trợ nông dân dài hơi hơn theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương về vấn đề tam nông.

Chính phủ yêu cầu nông dân thay giống mới có chất lượng cao nhưng nhiều hộ nông dân, nhất là hộ nghèo không có điều kiện mua giống mới do giá cao. “Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho nông dân thay đổi giống mới, chủ trương như thế nào?”-đại biểu Danh Út chất vấn.

Nông dân được hỗ trợ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản xuất.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta đã có hỗ trợ giống”. Vấn đề giống và hỗ trợ đưa giống mới vào sản xuất nông nghiệp cũng nằm trong chủ trương hỗ trợ nông nghiệp của Chính phủ. Nhưng Phó Thủ tướng cũng đưa ra thực tế là việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi giống thì còn nhiều vấn đề…

Trong điều hành, Chính phủ cũng sẽ qui định giá sàn đối với lúa gạo. Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ các công ty lương thực mua hết lúa cho bà con, đảm bảo người trồng lúa có lãi ít nhất 30%.

Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (đoàn Quảng Ngãi) chất vấn: Chủ trương của Chính phủ như thế nào đối với các huyện, xã mới được chia tách hoặc thành lập từ các huyện, xã thuộc 61 huyện nghèo? Chính phủ cho ý kiến về việc đầu tư xây dựng các thị trấn mới được thành lập?

Phó Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta đang phấn đấu đến năm 2020, đời sống của người dân được cải thiện hơn so với nay từ 5-6 lần. Giải quyết xoá đói giảm nghèo, không chỉ cải thiện đời sống nhân dân mà còn chú trọng nâng cấp, cải tiến chất lượng cơ sở hạ tầng, đường sá, trường học, môi trường vùng nông thôn, huyện, xã nghèo. Chúng ta đang thực hiện chương trình 134, 135 để hỗ trợ những xã, thôn, bản khó khăn của cả nước và cơ bản đến năm 2010 phải thực hiện xong. Biện pháp giảm nghèo phải theo quy chuẩn của thế giới.

Các thị trấn mới được thành lập dựa trên những huyện, xã chia tách thì tuỳ từng điều kiện, cơ sở hạ tầng của địa phương đó, Chính phủ cũng sẽ xem xét để hỗ trợ đầu tư.

Cần nâng cao chất lượng dự báo

Thời gian gần đây nhiều cơ quan Chính phủ đưa ra những dự báo sai với thực tế. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đưa ra 3 dẫn chứng về vấn đề này trong đó có việc cách đây hơn một năm khi thị trường chứng khoán trượt dài và có màu xanh le lói trở lại thì Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng từng nói: “Nếu có tiền thì tôi sẽ đầu tư chứng khoán”. Thế nhưng ngay sau đó, thị trường chứng khoán thủng đáy mấy lần nữa và suốt một năm trời đến giờ mới có một chút màu xanh. “Ý kiến đó của Phó thủ tướng là để khích lệ nhà đầu tư hay dựa trên một kết quả dự báo?” - Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết chất vấn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói: “Đúng là năm ngoái tôi có nói nên mua chứng khoán. Nhưng tôi khuyến khích mua chứng khoán cổ phần, đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, đầu tư ngắn hạn cũng là cần thiết để khuyến khích dài hạn. Gần đây, thị trường chứng khoán phát triển ấm lên theo hướng đầu tư lướt sóng. Trình độ nhà đầu tư trong nước đã được nâng lên nhưng các chủ đầu tư phải tính toán hiệu quả, chạy theo phong trào thì sẽ dễ thất bại”.

Theo Phó Thủ tướng, dự báo khó có thể chuẩn xác do tình hình kinh tế và các mặt khác diễn biến rất khó lường. Nhưng theo Phó Thủ tướng, khâu “ăn thua” nhất là “Chúng ta vừa phải chủ động dự báo vừa phải ứng phó kịp thời”. Trình độ dự báo của chúng ta phải từng bước được nâng cao bằng việc sử dụng cơ quan chuyên môn, tư vấn, trong nước và ngoài nước.

Dự báo kém đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Trước thực tế, thời gian gần đây có nhiều đề án, dự án của Chính phủ và địa phương không nhận được sự đồng tình cao của xã hội, thậm chí gây phản ứng gay gắt từ một số bộ phận cử tri. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) đặt câu hỏi: “Phải chăng việc xây dựng các dự án ấy có phần chủ quan hay vì chúng ta không thực hiện kịp thời công khai thông tin khiến người dân thiếu niềm tin vào tính khách quan, vô tư của các dự án, đề án ấy?”.

Phó Thủ tướng cho rằng, đó không phải là sự không đồng thuận mà ở một số dự án còn một số ý kiến (có dự án có nhiều hay ít ý kiến khác nhau). Đây là chuyện rất bình thường. Những góp ý có khi rất đúng và Chính phủ, địa phương phải sửa để tạo ra hiệu quả tốt hơn. Không nên coi đấy là sự không đồng thuận.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, không có tình trạng “trên bảo dưới không nghe” như cách nói của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn).

Cổ phần hoá sẽ không kịp tiến độ

Đại biểu Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến: Theo Luật Doanh nghiệp quy định, đến năm 2010, Chính phủ phải cơ bản cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước sang các doanh nghiệp cổ phần. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 15% doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang cổ phần hoá. Nguyên nhân dẫn đến chậm tiến trình cổ phần hoá của các doanh nghiệp Nhà nước là gì, trách nhiệm thuộc về ai? Nếu đến ngày 1/7/2010, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế Nhà nước đã chuyển sang cổ phần hoá sẽ hoạt động theo Luật nào?

Chính phủ nhận định như thế nào khi đóng góp vào ngân sách của khối doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế Nhà nước trong năm 2008 chỉ là 52.000 tỷ đồng, trong khi đó khối này đang nắm giữ 400.000 tỷ đồng vốn Nhà nước và sở hữu nhiều vị trí đất đắc địa và được ưu tiên trong nhiều gói thầu lớn của quốc gia?

Xung quanh những câu hỏi này, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Hiện nay có 3.854 doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hoá. Theo kế hoạch đến năm 2010 và tiếp theo đó, các doanh nghiệp Nhà nước lớn phải cổ phần hoá nhưng Nhà nước giữ vai trò quản lý chủ đạo.

Hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước trong năm qua đã góp phần vào thúc đẩy sự phát triển đất nước. Hiện nay có khoảng 1.546 doanh nghiệp có vốn Nhà nước; hơn 100 ngân hàng, tập đoàn, tổng công ty. Năm 2008, các doanh nghiệp Nhà nước đóng góp 40% GDP, trên 50% kim ngạch xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước vẫn duy trì ổn định sản xuất, hiếm có doanh nghiệp sa thải công nhân viên.

Chủ trương của Nhà nước là kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đổi mới hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước nhưng Nhà nước vẫn quản lý, kiểm soát quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đẩy mạnh chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước, chúng ta cũng sẽ chú trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân...

Nhiều lĩnh vực kinh tế tư nhân muốn tham gia cùng nhà nước

Đại biểu Vi Thị Tuyết (đoàn Nghệ An), Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) băn khoăn: Năm 2009, Chính phủ đưa ra mức bội chi ngân sách khoảng 7% cộng thêm 145.000 tỷ đồng kích cầu, chiếm khoảng 9% GDP. Như vậy, dự kiến thâm hụt ngân sách Nhà nước sẽ là 16%. Vậy mức bội chi này có nguy hiểm đến an ninh kinh tế quốc gia không? Biện pháp của Chính phủ như thế nào?

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Đã bội chi cao là nguy hiểm đến an ninh kinh tế quốc gia. Vì vậy, chúng ta đang thực hiện việc bội chi một cách hợp lý để phục hồi nền kinh tế trong mức nợ an toàn cho phép. Tuy nhiên, chúng ta phải cân nhắc các khoản vay nước ngoài, sử dụng khoản vay phải đúng mục đích, đối tượng và phát huy hiệu quả khoản tiền vay nước ngoài. Sử dụng những khoản tiền vào mục đích ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát quay trở lại và bảo đảm an sinh xã hội là những việc làm chúng ta phải thực hiện nghiêm túc, có sự quản lý, giám sát chặt chẽ.

Chất lượng chất vấn tăng lên rõ rệt

Với sự có mặt của 95,7% tổng số đại biểu, sự tham gia hầu hết của các Bộ trưởng, đại biểu Quốc hội và sự quan tâm theo dõi của hàng triệu cử tri đã nói lên sức thu hút của các phiên chất vấn. Với 255 chất vấn bằng văn bản của 125 đại biểu ở 50 đoàn đại biểu và 106 lượt ý kiến trong số 148 đại biểu đăng ký chất vấn trực tiếp tại hội trường đã nói lên quy mô của các phiên chất vấn.

Kết thúc phiên chất vấn sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận xét: Nội dung các phiên chất vấn đề cập những vấn đề nóng hổi của đời sống kinh tế-xã hội, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Qua hơn 2 ngày tiến hành các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, có thể nói các phiên chất vấn đã diễn ra sôi động, có nhiều cải tiến và đạt chất lượng cao trên tinh thần xây dựng thẳng thắn, có trách nhiệm./.

DT (theo VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất