PV: Đồng chí đánh giá thế nào về vai trò thông tin và phản biện chính sách, phản biện xã hội của báo chí trong thời gian vừa qua?
Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng: Về đại thể, tôi nghĩ là đã có tiến bộ đáng kể so với những năm trước đây. Thông tin nhiều và nhiều chiều hơn, kịp thời hơn, có đồng thuận và có phản biện, không xuôi chiều, không một chiều. Đó là điều tốt, cần tiếp tục phát huy. Xét cho cùng thì tư duy, trí tuệ chỉ có thể phát triển khi cọ xát, tiếp cận và tương tác với những ý kiến mới, ý kiến khác mình. Khi có nhiều thông tin thì dễ tiếp cận hơn với bản chất của vấn đề, để lựa chọn phương án tốt, hoàn thiện tư duy, phát triển trí tuệ, tất nhiên là thông tin phải trung thực và xây dựng, không gây nhiễu. Thời gian qua đã có tiến bộ, tuy nhiên, theo tôi, vẫn chưa đủ, cần phải tiến bộ nhiều hơn nữa, nhất là báo chí phải tham gia làm văn hóa, xây dựng nhân cách, bồi đắp và lan tỏa nhiều giá trị nhân văn đến với bạn đọc.
PV: Sự bùng nổ về công nghệ thông tin trên nền tảng Internet đang đặt người đọc và xã hội vào một môi trường thông tin đa chiều, điều này đặt ra những thách thức gì cho công tác định hướng thông tin, thưa đồng chí?
Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng: Cũng có thách thức, nhất là phải đề phòng các thông tin không chính xác, không được kiểm chứng, cứ thế phát ra, làm nhiễu loạn. Tuy nhiên, tôi lại thấy mặt tích cực của vấn đề nhiều hơn. Trong điều kiện như vậy, đòi hỏi từng con người, từng cơ quan, đơn vị liên quan phải có cách xử lý thông tin tốt hơn, nâng cao năng lực làm truyền thông, phát đi nhiều thông tin có giá trị, chân thật, bổ ích, giúp mọi người tiếp cận với chân lý, lẽ phải, qua đó mà trưởng thành, mà góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện. Để định hướng thông tin trong điều kiện mới đòi hỏi phải đổi mới cách làm, không áp đặt một chiều, không vội vàng quy chụp, mà phải chấp nhận tương tác qua lại, trao đổi, tranh luận, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau khi gặp ý kiến khác mình, “đồng hành” trong quá trình đi tìm chân lý, trong đó, các cơ quan chức năng, báo chí chính thống phải phát nhiều thông tin đúng, kịp thời để chia sẻ với bạn đọc, tạo được dòng chủ lưu một cách khách quan, được nhiều người quan tâm theo dõi.
PV: Sự tham gia của cộng đồng vào việc truyền phát và tiêu thụ thông tin trên Internet đang được coi là xu thế tự nhiên khi báo chí chính thống không còn được coi là nguồn đưa tin duy nhất ra xã hội. Theo ý kiến của đồng chí, xu thế này có cần quản lý không và nên được quản lý như thế nào?
Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng: Theo tôi, các cơ quan chức năng và mọi công dân có trách nhiệm nên tham gia truyền phát nhiều thông tin đúng, có ích lên mạng Internet là giải pháp chính; mặt khác, cần bổ sung những quy định pháp lý chặt chẽ để xử lý đối với những cơ quan, những người phát thông tin sai, bịa đặt, vu cáo, xâm phạm tự do cá nhân và đời tư của người khác, trường hợp đặc biệt có thể sử dụng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các thông tin xấu, độc, giống như công tác “an toàn thực phẩm”. Tất nhiên việc này có những hạn chế nhất định, chỉ là giải pháp tình thế, bất đắc dĩ, không phải lúc nào cũng hiệu quả và về bản chất phải phân biệt, không được nhầm lẫn với việc bưng bít thông tin (rất lạc hậu trong thời đại ngày nay). Tiếp nữa, rất cần thiết phải chuẩn bị sức đề kháng, bản lĩnh của mỗi người khi tiếp cận và xử lý thông tin trên mạng Internet.
PV: Nhận định và đánh giá của đồng chí xung quanh vấn đề bản quyền thông tin của các báo chính thống khi các trang mạng điện tử vô tư cóp nhặt thông tin trên báo? Nên có những chính sách gì mạnh mẽ hơn để chấm dứt việc vi phạm này?
Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng: Nói chung, vấn đề bản quyền thông tin của các báo chính thống chưa có đầy đủ cơ chế bảo vệ, rất nhiều trường hợp các trang mạng điện tử đã tự do cóp nhặt thông tin mà không bị xử lý với bất kỳ hình thức nào. Tình hình như thế không tốt, không lành mạnh. Cần kiến nghị các cơ quan nhà nước sớm bổ sung các quy định pháp lý rõ ràng, chặt chẽ, trong đó có các chế tài xử lý nghiêm minh, đồng thời có biện pháp hữu hiệu để thực thi pháp luật bảo vệ bản quyền thông tin nhằm hạn chế tối đa và đi đến chấm dứt việc vi phạm này.
PV: Phải chăng yêu cầu về quản lý và định hướng thông tin trong giai đoạn bùng phát công nghệ như hiện nay đang đặt ra nhiệm vụ phải quy hoạch lại hệ thống báo chí, thưa đồng chí?
Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng: Quy hoạch lại hệ thống báo chí là rất cần thiết, bởi nhiều lý do khách quan và chủ quan. Tôi được biết hiện nay Chính phủ đã có chỉ đạo, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chuẩn bị đề án này. Việt Nam cần quy hoạch lại việc phát triển hệ thống báo chí một cách hợp lý, hiệu quả và nghiêm túc thực hiện quy hoạch đó.
PV:Trong bối cảnh có lẽ là chưa bao giờ các thông tin phản cảm, thậm chí các bất hạnh cá nhân, lại được phản ánh nhiều và đậm đặc như hiện nay trên mặt báo, các trang thông tin điện tử. Đồng chí có chia sẻ gì xung quanh thực trạng này và theo đồng chí điều này cần được khắc phục thế nào?
Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ, ngoài chức năng thông tin, giải trí, tạo đồng thuận, tổ chức công việc…, công tác thông tin truyền thông cần rất lưu ý chức năng làm văn hóa, xây dựng và bồi dưỡng nhân cách, xây đắp cuộc sống tâm hồn của con người. Đó là nhiệm vụ nhân văn, cao cả, đặc biệt quan trọng. Thời gian qua, theo tôi, nhiều báo, nhiều lúc, nhất là một số trang điện tử chưa làm tốt chức năng văn hóa. Các thông tin phản cảm rất nhiều, trong khi, trong xã hội có không ít những người tốt, việc tốt, có giá trị nhân văn, xúc động lòng người, nhưng chưa được phản ánh đầy đủ, đúng mức trên bức tranh toàn cảnh của đời sống văn hóa, đạo đức xã hội. Đành rằng đối với những việc xấu, việc ác cần được nêu lên để cảnh báo, để phê phán, để chiến đấu nhằm hạn chế và xóa bỏ, nếu không làm vậy thì xã hội sẽ mất sức đề kháng, sẽ rất nguy hiểm. Mặt khác, trong xã hội cũng có nhiều cái tốt, cái thiện, cái cao quý rất cần được phát hiện, cổ vũ, nhân lên, làm lan tỏa, tạo niềm tin cho con người cũng chính là tạo sức sống. Công việc của những người làm báo chân chính, tâm huyết phải đồng thời là công việc của các nhà giáo dục, nhà văn hóa, đầy tính nhân văn. Nhất định phải trừ gian, dũng cảm và thường xuyên, đó là tính chiến đấu, là trách nhiệm với đời của người cầm bút; nhưng trừ gian cũng là để tải đạo, như Nguyễn Đình Chiểu đã nói. Tải đạo là mục đích chính, cao cả và trong sáng, chứ không phải là sự đập phá, gây đổ ngã.
Phạm Hà (thực hiện)