Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 22/8/2013 14:54'(GMT+7)

Quan trọng là nâng cao thu nhập cho người nông dân

Công nhân cơ sở đúc đồng của ông Lê Văn Bảy đang tạo mẫu đúc. Ảnh: QT

Công nhân cơ sở đúc đồng của ông Lê Văn Bảy đang tạo mẫu đúc. Ảnh: QT

Một buổi sáng mùa thu, nghệ nhân đúc đồng Lê Văn Bảy (xã Thiệu Trung – huyện Thiệu Hóa) ngồi trầm tư bên ấm trà, ông đang nhẩm tính xem các đơn hàng sắp đến hạn được giao để đôn đốc nhân công hoàn thiện các lô hàng. Nghề đúc đồng, đúc nhôm ở Thiệu Trung đã có bao đời nay, ông không chỉ nối nghiệp nhà mà còn phát huy được tinh hoa của nghề. Đến khi chương trình xây dựng xã NTM của xã được thực hiện, nghề đúc đồng của ông và gia đình được phát huy và đã đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Để một cơ sở đúc đồng như của gia đình ông hoạt động, không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho các nghệ nhân trực tiếp tham gia tại xưởng mà còn giải quyết thêm được công ăn việc làm cho các loại lao động "ăn theo" khác như: người thu gom phế liệu, người đi tiêu thụ các sản phẩm đã hoàn thiện, người lo công tác hậu cần nghề đúc. Bình quân mỗi năm cơ sở đúc đồng của ông giải quyết công ăn việc làm trực tiếp cho hơn 20 nhân công tại xưởng.

Trong lúc ông Lê Văn Bảy đang tính toán công việc thì lão nông dân Trần Văn  Bình lại đi thăm ruộng trên chiếc xe wave đời mới. Đường giao thông nội đồng ở xã Thiệu Trung đã được bê tông hóa trên 14 km giúp xe cơ giới đi lại thuận tiện. Chỉ còn hơn tháng nữa đến vụ gặt, ông Bình đi thăm ruộng để tính xem sau khi gặt xong nên dùng xe tải loại nào đi chở lúa về nhà.Trong khi đó, tại Nhà văn hóa thôn 5, các cán bộ tín dụng đã tranh thủ giải ngân những khoản vay của bà con. Những cán bộ trẻ tươi cười rạng rỡ, mỉm cười chào khách trong khi tay vẫn điền các con số vào bảng kê khai...

Ngay chính giữa Nhà văn hóa có một tấm bảng liệt kê danh sách các cá nhân, tập thể, công ty đã đóng góp ngân sách xây dựng nhà văn hóa. Mọi vấn đề liên quan đến tài chính đều được trưng bày công khai minh bạch, theo đúng tinh thần: “dân tin, dân hiểu, dân thông là có lý, là chân lý”. Giờ đây, nhà văn hóa thôn 5 không chỉ là nơi để các cụ già tụ tập đàm đạo việc thời sự, mà còn là nơi trẻ thơ hằng đêm sinh hoạt văn nghệ, thanh niên tổ chức các chương trình tập huấn, phổ biến nghề…

Sau khi đi thăm đường giao thông nội đồng, cơ sở đúc đồng, nhà văn hóa, chúng tôi trở về công sở Thiệu Trung đúng tầm tan trường, những bóng áo trắng ùa ra như chim nhỏ. Bí thư xã Thiệu Trung Trần Văn Tiến hồ hởi khoe: “Xã có ba trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia mức độ một, xã cũng được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% các hộ dân đều được sử dụng nước sạch và điện sáng”.

Sau ba năm xây dựng NTM (2010-2013) xã Thiệu Trung đã được công nhận xã NTM, đã được đón tiếp Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM về thăm và làm việc. Đến nay 19/19 tiêu chí nông thôn mới xã đều đã đạt được; hỏi chuyện Bí thư Đảng bộ xã về những trăn trở, dự định trong xây dựng NTM, Bí thư Đảng ủy Trần Văn Tiến trầm tư: “Các chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng cơ bản đã hoàn thành, băn khoăn của chúng tôi vẫn là vấn đề duy trì nghề và nâng cao mức thu nhập cho bà con nông dân. Chỉ tiêu lao động qua đào tạo nghề không khó với chúng tôi, vì chúng tôi có nhiều nghề cổ có thể phục hồi và phát huy, cái chính là duy trì nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm, cũng chính từ đó nâng cao mức thu nhập cho bà con nông dân. Vì đại đa số bà con vẫn thu nhập chính từ ruộng vườn”. Khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Thiệu Trung cũng có không ít khó khăn, bất cập như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, các ngành nghề khó phát triển vì không có đầu ra, thu nhập của một bộ phận nhân dân còn thấp. Xác định được khó khăn và thuận lợi, Đảng bộ xã đã quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước về việc huy động nguồn lực xây dựng NTM gồm: Nguồn lực về tài nguyên, nguồn lực con người, nguồn lực về tài chính, gắn các dự án có mục tiêu, sự đầu tư của nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, trong đó, nguồn lực nhà nước là quan trọng, nguồn lực của nhân dân và xã hội là quyết định, mỗi người dân phải là chủ thể trong quá trình tham gia xây dựng NTM. Chương trình xây dựng NTM đã được xã đưa chương vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 26 nhiệm kỳ 2010-2015.

Xã đã thành lập Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM của xã gồm 35 thành viên, do đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã làm Trưởng Ban. Ban quản lý thực hiện chương trình do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. Cả 6/6 thôn đều thành lập ban phát triển NTM do Bí thư Chi bộ làm Trưởng ban. Đồng thời, lựa chọn khâu đột phá như: “Phát động toàn dân hiến đất, mở đường, xây dựng đường đẹp, ngõ đẹp”, xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm.

Trong ba năm 2010-2013, xã đã bê tông hóa thêm 3km đường trục xã, 5km đường trục thôn- xóm, 6km đường trục chính giao thông nội đồng, nạo vét, cải tạo và xây mới 7km kênh mương nội đồng. Đến nay, tổng số đường giao thôn nông thôn các loại được bê tông hóa là 22,2/24,1km, đạt 92%; đường giao thông nội đồng 14,1/19,9km, đạt 70,8%, hệ thống điện cao thế được đầu tư, đảm bảo phục vụ an toàn sản xuất và đời sống nhân dân. Với việc triển khai tập trung, tích cực đến cuối năm 2012 cơ sở kết cấu hạ tầng ở xã phát triển khá đồng bộ, các tiêu chí giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, bưu điện và nhà ở dân cư đã hoàn thành đạt chuẩn, làm thay đổi diện mạo nông thôn trong xã.

Một trong những nội dung đảm bảo ổn định bền vững trong xây dựng NTM là Đảng ủy xã lãnh đạo tập trung xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Bên cạnh phát triển làng nghề truyền thống, xuất khẩu lao động, cấp ủy, chính quyền xã Thiệu Trung đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cây trồng vật nuôi có hiệu quả, năng suất, chất lượng cao vào canh tác, xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất như: Mô hình chăn nuôi, trồng nấm, thâm canh mía, sản suất rau màu vụ đông, cơ giới hóa đồng bộ… với quy mô diện tích lên đến 60 ha. Tổng giá trị sản xuất trên ha gieo trồng năm 2012 là 86 triệu đồng, tăng so với năm 2010 là 11,3 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 14,5 triệu đồng năm 2010 lên 22,9 triệu đồng năm 2012, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần tích cực trong việc tham gia đóng góp xây dựng NTM.

Xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) quê hương giàu truyền thống cách mạng, vùng đất địa linh, nhân kiệt, sinh những anh hùng hào kiệt như Bộc xạ tướng công Lê Lương, nhà sử học Lê Văn Hưu; là nơi đặt hầm chỉ huy của Thường trực Uỷ ban hành chính tỉnh Thanh Hóa thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Thiệu Trung đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

Tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp của xã hiện nay còn 32,6%. Trên địa bàn xã hiện tại có 3 HTX: HTX dịch vụ nông nghiệp, HTX dịch vụ điện, nước và HTX tín dụng. Số lượng 1.815 xã viên. Hằng năm, sức sản xuất, kinh doanh HTX đều có lãi từ 1 tỷ đồng đến 1,2 tỷ đồng, đem lại hiệu quả và nguồn thu nhập cho xã viên. Xã có 01 cụm làng nghề truyền thống với 34 hộ sản xuất kinh doanh, lợi nhuận hàng năm đạt bình quân gần 2 tỷ đồng. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo nghề đạt 35,25%.

Thực tế công tác xây dựng NTM ở Thiệu Trung thành công một phần nhờ công tác tuyên truyền. Công tác tuyên truyền, vận động đã làm cho mọi người dân hiểu, trả lời được câu hỏi: “Để xã ta đạt NTM thì nhà ta phải làm những gì? Ngõ ta, xóm ta, thôn ta làm những gì?” Nhờ việc xác định dựa vào sức dân, lấy sức dân để lo cho dân với mục đích làm cuộc sống của người dân được nâng lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại nên bộ mặt nông thôn được chuyển biến tích cực, thu nhập người dân tăng gấp gần 2 lần so với trước khi triển khai thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm  từ 9,6% năm 2010 xuống còn 4,39% năm 2012, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, an ninh trật tự xã hội được giữ vững.

Trước khi rời Thiệu Trung, Bí thư Đảng ủy Trần Văn Tiến tâm sự: “Xây dựng nông thôn mới phải thực hiện đồng bộ, lấy phát triển sản xuất là gốc nhưng phải biết kế thừa tất cả các giá trị văn hóa, cả vật thể và phi vật thể hình thành bao đời nay ở Kẻ Ry, Kẻ Chè, tập trung tôn tạo, phục dựng để chính những giá trị văn hóa ấy trở thành động lực mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng NTM ở Thiệu Trung”.

Tuấn Đạt-Duy Phong


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất