Theo VFA, đến giữa tháng 8 Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 4,2 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu mặt hàng chủ lực này vẫn gặp nhiều khó khăn do nguồn cung tăng mạnh, giá bán không cao.
Lo ngại xuất khẩu gạo tăng chậm
Nếu như giá lúa có xu hướng tăng trở lại thì giá gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ở cùng thời điểm này đang thấp hơn hồi cuối tháng 7 khoảng 100- 200 đồng/kg. Cụ thể: Giá lúa khô tại kho khu vực đồng bằng sông Cửu Long loại thường dao động từ 5.300 – 5.400 đ/kg; lúa dài khoảng 5.500 – 5.600 đ/kg.
Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.050 – 7.150 đ/kg tùy từng địa phương; gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.850 – 6.950 đ/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 8.000 – 8.100 đ/kg; gạo 15% tấm 7.550 – 7.650 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.250 – 7.350 đ/kg tùy chất lượng và địa phương.
Được biết, các doanh nghiệp xuất khẩu đã đẩy mạnh việc tìm kiếm bạn hàng và thị trường mới. Các hợp đồng chưa giao hàng đã ký còn khá nhiều với gần 1,8 triệu tấn. Tuy nhiên, riêng trong tháng 7/2013, số lượng hợp đồng bị hủy cũng đã tăng cao đến khoảng 938.800 tấn.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện thấp hơn từ 50- 55 USD/tấn so với gạo của Pakistan, Ấn Độ và Thái Lan. Trong khi đó, các nước xuất khẩu gạo chủ lực đang tìm cách đẩy nguồn cung gạo tạm trữ ra thị trường. Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng: hoạt động xuất khẩu gạo có thể sẽ chậm lại trong những tháng cuối năm 2013 nếu như thị trường thế giới không có những yếu tố tích cực mới.
Tìm thị trường, gỡ khó cho doanh nghiệp
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu gạo năm 2013, bên cạnh việc theo dõi sát động thái thị trường gạo thế giới, VFA sẽ tổ chức cho các doanh nghiệp tìm kiếm thêm bạn hàng và thị trường mới. Trong tháng 11, VFA sẽ tổ chức đoàn thương nhân tham dự hội nghị gạo thế giới tại Hong Kong.
Lãnh đạo VFA khẳng định: Sẽ tập trung đẩy mạnh tiến độ xuất khẩu và hoàn thành kế hoạch xuất khẩu trong quý 3 cũng như chuẩn bị thị trường quý 4 và hoàn thành kế hoạch cả năm. VFA cũng theo dõi sát các động thái thị trường ở các nước nhập khẩu để xác định nhu cầu, đặc biệt là thị trường Philippines, Indonesia trong những tháng tới.
VFA sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét lại sản lượng lúa, gạo hàng hóa vụ Hè Thu năm 2013 để cân đối xuất khẩu cuối năm cho phù hợp. Đặc biệt, để làm rõ hơn vai trò của mình trong việc thu mua tạm trữ lúa gạo, VFA sẽ tổ chức hội thảo nhằm minh bạch các vấn đề còn vướng mắc và kiến nghị về vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội đối với mua lúa, gạo tạm trữ.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, VFA cũng đã kiến nghị với Bộ Tài chính xem xét và cho thực hiện phương thức hoàn thuế VAT trước và kiểm tra sau như trước đây, nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo, nhất là doanh nghiệp được đánh giá là có uy tín./.
Theo VOV