Thứ Bảy, 21/9/2024
Đời sống
Thứ Ba, 21/1/2014 21:28'(GMT+7)

Quảng Bình: Sức sống mới nơi bão lũ

Tại xã Quảng Sơn, các ngôi nhà sập, nhà tốc mái đã được xây dựng, sửa chữa lại. (Ảnh: VGP)

Tại xã Quảng Sơn, các ngôi nhà sập, nhà tốc mái đã được xây dựng, sửa chữa lại. (Ảnh: VGP)

Bừng sắc đỏ nơi tâm bão đi qua

Hứng chịu cơn bão mạnh nhất trong hơn 30 năm qua vào ngày 30/9/2013, tiếp theo là lũ và lốc xoáy do hoàn lưu bão số 11 liên tục từ ngày 14-17/10/2013, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất do thiên tai trong năm 2013 tại tỉnh Quảng Bình. Đã có 3 người chết, 37 người bị thương, có 36 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 410 nhà hư hỏng nặng, 100% hộ bị tốc mái, tổng thiệt hại của xã lên đến hơn 80 tỷ đồng.

Lúc ấy, khắp xã chỉ toàn cảnh tan hoang, đổ nát, những ngôi nhà bị tốc mái trơ trọi. Nhưng giờ đây, về thăm lại Quảng Sơn, từ xa đã thấy sắc đỏ của màu ngói mới, sức sống dường như bừng lên nơi vùng đất hứng chịu tâm bão. Đi khắp xã, mọi đường làng ngõ xóm đã phong quang, sạch sẽ, nhiều đoạn đường đang được bê tông hóa phục vụ nhân dân đón Tết, ngoài đồng, rộn ràng tiếng cười nói của nông dân chuẩn bị cho vụ mùa.

Ông Mai Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, phấn khởi cho biết: “Ngay sau khi cơn bão đi qua, các cấp, các ngành đã nỗ lực quyết tâm khắc phục thiệt hại do thiên tai, bên cạnh đó còn có sự ủng hộ của các tổ chức, các nhà hảo tâm. Diện mạo của Quảng Sơn đã nhanh chóng đổi thay, cuộc sống của nhân dân đã đi vào ổn định. Các gia đình bị thiệt hại nặng về nhà cửa đã được hỗ trợ xây dựng lại”.

Nhà sập, chồng mất, đó là những mất mát to lớn mà chị Phạm Thị Hường, thôn Linh Cận Sơn, gánh chịu sau cơn lốc xoáy. Nhưng chỉ sau hơn 3 tháng, căn nhà mới của chị đã được xây dựng lại hoàn toàn. Chị Hường được nhận hơn 70 triệu đồng tiền hỗ trợ từ Nhà nước và các nhà hảo tâm để xây lại nhà, cùng nhiều phần quà như chăn ấm, áo quần, gạo, dầu ăn... Sự san sẻ khó khăn là nguồn động viên rất lớn giúp chị vực dậy tinh thần tiếp tục sống có ý nghĩa hơn.

Còn đối với gia đình anh Mai Xuân Hợi, thôn Linh Cận Sơn, lốc xoáy không những cuốn sập nhà mà còn cướp đi mẹ già thân yêu, con gái bị thương nặng. Đến thăm trong lúc anh đang bận rộn phụ các thợ xây hoàn tất các khâu cuối cho ngôi nhà mới, anh Hợi chia sẻ: “Con gái và tôi giờ sức khỏe đã hồi phục, nếu không được hỗ trợ tiền để chữa trị thì tôi cũng không biết bấu víu vào đâu”. Tết này, gia đình anh tiếp nhận ngôi nhà mới khang trang từ tiền hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức trị giá hơn 100 triệu đồng.

Theo ông Mai Trung Kiên, toàn bộ 36 ngôi nhà bị sập hoàn toàn trong xã hiện đã xây lại, 100% nhà bị tốc mái cũng đã được lợp lại. Như vậy, Tết này đảm bảo cho các hộ đón Tết trong nhà mới vững chắc, người dân không phải sống trong các nhà tạm.

Gia đình anh Mai Xuân Hợi, xã Quảng Sơn chuẩn bị đón Tết trong ngôi nhà mới. (Ảnh: VGP)

Chăm lo Tết cho nhân dân vùng lũ

Sự hồi phục nhanh chóng của Quảng Sơn được như bây giờ phải kể đến sự đồng lòng chung tay của cộng đồng các tổ chức, đoàn thể khắp mọi miền đất nước cùng sẻ chia khó khăn với nhân dân vùng tâm bão.

Thời gian qua, bà con xã Quảng Sơn đã nhận được trên 159 tấn gạo, 13.847 thùng mỳ tôm, 47 tỷ đồng tiền mặt, chăn màn, muối, dầu ăn… từ các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm. Cuộc sống của bà con vùng lũ dịp năm mới đảm bảo đủ ăn đủ mặc, không để người dân nào thiếu đói.

Cùng với huyện Quảng Trạch, huyện miền núi nghèo nhất Quảng Bình là huyện Minh Hóa càng khó khăn hơn sau 2 cơn bão. Các cấp chính quyền nơi đây đang nỗ lực chuẩn bị cho bà con đón một cái Tết ấm áp, no đủ. Huyện sẽ phân bổ 850 tấn gạo cứu đói cho nhân dân, trao 1.500 suất quà cho đối tượng chính sách, hộ nghèo bị thiệt hại nặng nề sau bão với mức hỗ trợ 200.000-500.000 đồng.

Bà Đinh Thị Nghiêm, 75 tuổi, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, cho hay: Lũ cuốn hết nhà cửa, tài sản của hai ông bà. Tết này khổ hơn mọi Tết nhiều nhưng không lo thiếu cái áo mặc, cái gạo đói vì giờ đã được hỗ trợ đầy đủ rồi. Hiện ông bà về ở với con cháu, qua Tết sẽ xây lại nhà mới từ số tiền hỗ trợ gần 30 triệu đồng.

Sau 2 cơn bão lớn trong tháng 10/2013, thiệt hại của tỉnh Quảng Bình vô cùng lớn với 26 người chết, 459 người bị thương, 388 nhà bị sập, trôi hoàn toàn, 4.000 ngôi nhà bị gập sâu, 34.415 nhà bị ngập lụt, tổng thiệt hại lên đến 8.636 tỷ đồng.

Ngay sau đó, hơn 5.000 cán bộ, chiến sỹ quân đội, đoàn viên thanh niên, công nhân viên chức, y bác sỹ... đã tình nguyện tham gia vào công tác khắc phục hậu quả sau bão, dựng lại nhà, thông đường sá, dọn vệ sinh môi trường, khám chữa bệnh cho nhân dân. Ngoài ra, phát huy tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm trên cả nước đã đóng góp hơn 38 tỷ đồng tiền mặt và 36 tỷ tiền hàng bao gồm quà, mỳ tôm, gạo, dầu ăn, nước mắm, áo quần... thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam và Ban Cứu trợ tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Hiếu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình, cho biết: Tết Giáp Ngọ này, tỉnh Quảng Bình chi ngân sách 1 tỷ đồng để hỗ trợ 5.000 hộ nghèo đặc biệt khó khăn đón xuân, vui Tết. Ủy ban Mặt trận tỉnh cũng vận động nhiều doanh nghiệp, các tổ chức góp gần 15.000 suất quà Tết trao cho đồng bào vùng lũ trước ngày 25 tháng Chạp.

Các địa phương trong tỉnh đã phân bổ kịp thời 5.250 tấn gạo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho nhân dân các vùng bị ảnh hưởng bão lũ và hiện tiếp tục phân bổ 3.390 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cứu đói dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt 2014.

Một mùa xuân mới đang về, những vất vả, khó khăn sau cơn hoạn nạn của bà con vùng bão, lũ Quảng Bình đang được chính quyền và cả cộng đồng chung tay sẻ chia, giúp đỡ... Vượt lên khó khăn, cuộc sống người dân đang dần ổn định, chuẩn bị đón một cái Tết, đầm ấm, thắm đượm đạo lý "lá lành đùm lá rách" của người dân đất Việt.

Minh Trang



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất