Tập trung dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch và phát triển sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp. Thực hiện liên doanh, liên kết với các công ty trong và ngoài tỉnh Quảng Nam để xây dựng mô hình sản xuất chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân như: sản xuất gạo hữu cơ, gạo chất lượng cao (sản phẩm này đã tham gia Hội chợ Festival lúa gạo Việt Nam tại tỉnh Sóc Trăng và đã có hai đơn đặt hàng từ TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội); hằng năm liên kết với các công ty sản xuất gần 300 ha lúa giống hàng hóa, lúa chất lượng cao, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất 225 ha dưa hấu gắn với thương hiệu dưa hấu Kỳ Lý, giá trị đạt trên 100 triệu/ha/vụ.
Bên cạnh đó xã còn xây dựng 22 cánh đồng có thu nhập cao, với diện tích 120 ha, giá trị bình quân đạt trên 115 triệu/ha; góp phần nâng giá trị sản xuất trên ha canh tác bình quân đạt hơn 60 triệu/ha/năm. Nhờ vậy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm cho người dân, mang tính bền vững; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ tự cung tư cấp.
Trong chăn nuôi và nuôi thủy sản nước ngọt, xã tập trung đẩy mạnh chương trình lai sind hóa đàn bò, du nhập giống bò lại sinh sản, đã hỗ trợ nhân dân mua 192 con bò cái giống Zê Bu và phối tinh nhân tạo cho đàn bò địa phương nâng cao tỷ lệ bò lại lên gần 50% tổng đàn.
Đến nay đã có 6 trang trại và nhiều gia trại sản xuất hiệu quả, tỷ lệ heo hướng nạc trên 55%; đàn gia cầm tăng gấp 2,5 lần so với năm 2008. Xã đã hỗ trợ xây dựng các mô hình nuôi cá nước ngọt gắn với VAC để nhân rộng. đã có hàng chục hộ đầu tư sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.
Về phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, địa phương đã vận động các hộ dân trên địa bàn vay vốn phát triển sản xuất, ngoài các doanh nghiệp đã có ở địa phương, thành lập 4 cơ sở may mặc và 2 hợp tác xã, giải quyết được trên 200 lao động, liên kết với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề gắn với tiêu thụ sản phẩm như: mây đan, gia công may mặc…bình quân thu nhập gần 2 triệu đồng/người/tháng. Phát triển 11 cơ sở sản xuất cơ khí, đồ dân dụng và hai cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Giải quyết việc làm cho 442 lao động góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động…
Vẫn còn nhiều tiêu chí cần phải hoàn thành
Đến nay qua 3 năm thực hiện, xã Tam Phước vẫn còn 3 tiêu chí chưa thể hoàn thành với lý do khách quan. Tính đến cuối năm 2012, xã đã hoàn thành 18/19 tiêu chí, tuy nhiên do sự thay đổi các tiêu chí về lao động nông nghiệp giảm, tiêu chí về y tế, về môi trường vẫn còn nhiều hạn chế…
Nói về mục tiêu hoàn thành các tiêu chí, ông Phan Thanh Giảng- Bí thư đảng ủy xã Tam Phước cho biết: “Xã cũng đang nỗ lực để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Tuy nhiên, bên cạnh việc đó, xã vẫn phải lo giữ vững các tiêu chí đã hoàn thành, bởi nhẽ nếu không duy trì được các mục tiêu, các tiêu chí đã hoàn thành vẫn còn thể trở thành chưa đạt trong tương lai gần”.
Ông Giảng cũng cho biết thêm “Để tạo sự phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, đội ngũ cán bộ và nhân dân xã Tam Phước phải nỗ lực cao hơn, thực hiện quyết liệt hơn, nhất là phải làm tốt liên kết “4 nhà”. Người nông dân cũng cần đổi mới cách nghĩ, cách làm theo hướng liên doanh, liên kết sản xuất nông sản hàng hóa tập trung theo quy hoạch, nâng cao phát triển kinh tế vườn theo hướng VAC.
Trong một khoảng thời gian không dài, đến nay xã Tam Phước đã đạt được 16/19 tiêu chí NTM. Điều này đã khẳng định sự đầu tư và tập trung chỉ đạo đúng hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các cấp đối với chủ trương xây dựng NTM. Hình hài NTM từng bước được định hình rõ nét, thể hiện qua việc hạ tầng cơ sở được khang trang, từng khu dân cư được chỉnh trang xây dựng sạch đẹp.
Trong 16 tiêu chí cơ bản đã đạt được ở mức độ trung bình, một số tiêu chí khả năng tính bền vững chưa cao như: tiêu chí văn hóa, giáo dục, an ninh trật tự và tiêu chí môi trường.
Từ thực tiễn quá trình triển khai thực hiện xây dựng mô hình xã điểm NTM, ông Võ Thanh Anh- Chủ tịch UBND xã Tam Phước đã rút ra một số kinh nghiệm:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động xây dựng NTM một cách thường xuyên, sâu rộng, thiết thực với nhiều hình thức; từ đó tạo được nhận thức và chuyển biến nhận thức trong nhân dân; nhân dân trở thành chủ thể, chung sức chung lòng, bắt tay xây dựng nông thôn mới.
Hai là, phải xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đội ngũ cán bộ vững vàng, đủ năng lực lãnh đạo, có phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình trong công tác, tâm huyết với phong trào, cùng với sự đồng thuận của người dân trên nền tảng những chủ trương, quyết sách đúng đắn kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và hưởng thụ”, nghe dân nói, nói dân nghe, cùng dân tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phải tạo được phong trào rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, không một ai đứng ngoài cuộc là yếu tố quyết định cho sự thành công xây dựng nông thôn mới.
Ba là, phải tranh thủ và huy động được nhiều nguồn lực đầu tư lồng ghép các chương trình, dự án, tạo ra nguồn lực tổng hợp đầu tư xây dựng NTM một cách đồng bộ và hiệu quả. Nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM là rất lớn, do đó phải đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, phát huy nội lực địa phương là chính, tận dụng tối đa nguồn lực và lợi thế tại chỗ, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp để phát triển sản xuất, tranh thủ chương trình, dự án lồng ghép của các cấp các ngành, phát huy tối đa nguồn vốn tín dụng để hỗ trợ nhân dân đầu tư xây dựng NTM, không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước.
Mong rằng, với những quyết sách chính quyền xã Tam Phước đặt ra, Tam Phước sớm trở thành đơn vị đầu tiên của Quảng Nam trở thành xã điểm xây dựng NTM./.
Tuấn Đạt