Thứ Ba, 24/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 20/8/2016 21:33'(GMT+7)

Quảng Ninh quyết tâm xây dựng thành công chính quyền điện tử

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ, Quảng Ninh xếp thứ 6 toàn quốc về chỉ số cải cách hành chính năm 2015.

Sau gần 4 năm triển khai xây dựng chính quyền điện tử vào thực tế, đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành giai đoạn I của đề án. Theo đó, đã cơ bàn hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra với những kết quả tích cực như: thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và 14 địa phương; đưa 90% thủ tục hành chính công cấp tỉnh vào giải quyết tại Trung tâm hành chính công tỉnh; 100% các thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã được cung cấp ở dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 (là dịch vụ công trực tuyến cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu; hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ), trên 80% thủ tục sẵn sàng được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (là dịch vụ công trực tuyến cho phép người sử dụng khai báo và nộp thủ tục hành chính trên mạng trực tuyến và chỉ đến các trung tâm hành chính 01 lần, khi có kết quả).

Ngoài ra, Quảng Ninh đã hoàn thiện hệ thống hội nghị truyền hình tỉnh, hệ thống thư điện tử; tăng cường nhiều kênh giao tiếp với người dân và doanh nghiệp; xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu đạt tiêu chuẩn. Hầu hết các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các đơn vị được thực hiện dưới mạng điện tử, trên môi trường mạng, sử dụng chữ ký số.

Ông Tô Xuân Thao, Giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong 7 tháng đầu năm 2016, Trung tâm hành chính công tỉnh tiếp nhận hơn 24.700 bộ hồ sơ, trong đó đã giải quyết trên 24.000 hồ sơ đúng và trước thời hạn, đạt 97%. Các trung tâm hành chính công của các địa phương có tỷ lệ giải quyết đúng và trước thời hạn cao hơn cấp tỉnh, đạt 97,6%. Sự ra đời của các trung tâm hành chính công và “Bộ phận trả kết quả hiện đại” đã thay đổi tích cực trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Việc giảm tới 40% thời gian và số lần đi lại giao dịch các thủ tục hành chính đã góp phần tiết kiệm khoảng trên 55 tỷ đồng chi phí xã hội của tỉnh.

Ông Tô Xuân Thao cho biết thêm: Từ 1/7, Quảng Ninh đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 ở Trung tâm hành chính công tỉnh và 3 trung tâm hành chính công cấp huyện gồm: thành phố Hạ Long, Cẩm Phả và thị xã Quảng Yên. Kết quả, đã có 565 hồ sơ đăng ký qua mạng, tuy nhiên chỉ có 183 hồ sơ nộp qua mạng thành công nên thời gian tới tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thành thạo kỹ năng khai báo hồ sơ dịch vụ công trên mạng trực tuyến.

Thông qua làm thủ tục cấp mới lý lịch tư pháp tại Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh, ông Hà Văn Huy, ở thôn Trại mới A, xã Bình Khê, huyện Đông Triều nhận xét: Thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhanh, phong cách phục vụ và giải quyết thủ tục của cán bộ văn minh, hiện đại. Tôi khá hài lòng và thấy được ưu việt của Trung tâm hành chính công của tỉnh đã đem lại sự thuận tiện, nhanh gọn, tiết kiệm thời gian của người dân.

Giai đoạn 2 của Đề án chính quyền điện tử được thực hiện từ năm 2017 – 2020, theo đó Quảng Ninh hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 trở lên, đảm bảo công khai, minh bạch; xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả cao.

Từ nay đến 2020, Quảng Ninh tập trung ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; xây dựng chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho rằng: Xây dựng chính quyền điện tử đã góp phần nâng cao ý thức của công chức, viên chức, tiết kiệm chi phí liên quan đến xử lý hành chính, trình độ công nghệ thông tin được nâng cao, người dân tham gia tích cực.

Để việc xây dựng chính quyền điện tử giai đoạn 2 triển khai hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Quản lý điều hành Đề án cần nghiên cứu, lựa chọn những cơ sở dữ liệu cần thiết nhất để xây dựng hệ thống; chú trọng tính kết nối dữ liệu từ tỉnh đến cơ sở và tỉnh với Trung ương để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, thuận tiện cho giám sát; hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, ưu tiên về cải tiến chất lượng đường truyền; công khai cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng.
Tuy nhiên, để xây dựng chính quyền điện tử thành công, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vấn đề quan trọng nhất là công tác đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin cấp huyện; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chính quyền điện tử đến người dân, doanh nghiệp; việc xây dựng chính quyền điện tử, chú trọng đến hiệu quả, tránh hình thức./.

Văn Đức/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất