Để chủ động bảo vệ các loài chim di cư, bảo vệ môi trường sinh thái và tính đa dạng sinh học, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành văn bản số 8595/UBND-NLN2 về việc tăng cường công tác bảo vệ chim di cư.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường lực lượng phối hợp để hướng dẫn, đôn đốc, tuần tra cùng các địa phương trong quản lý, kiểm soát, xử lý vi phạm trong công tác bảo vệ động vật hoang dã nói chung và chim di cư nói riêng, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái theo đúng quy định của pháp luật.
Các lực lượng chức năng: công an, quân sự, quản lý thị trường và Ủy ban Nhân dân các địa phương chủ động, tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, mua bán, vận chuyển và tiêu thụ động vật nói chung và các loài chim tự nhiên di cư trên địa bàn, kể cả trong các nhà hàng dịch vụ ăn uống, trái với quy định của pháp luật hiện hành.
Ủy ban Nhân dân các địa phương chủ động triển khai thực hiện ngay các biện pháp kiểm tra, tịch thu, phá dỡ, tiêu hủy và xử lý các bẫy lưới giăng và các dụng cụ để săn, bẫy, bắt chim tự nhiên di cư đang tồn tại.
Các địa phương tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân cư nhận thức và nâng cao ý thức trong bảo vệ các đàn chim tự nhiên di cư nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên; không tổ chức đánh bắt, bẫy chim di cư và không tiêu thụ các loài chim tự nhiên; tổ chức ký cam kết đối với các hộ dân và cộng đồng trong vùng có chim tự nhiên di cư để không đánh bắt và tiêu thụ chim tự nhiên.
Công tác bảo vệ các loài chim tự nhiên di cư đã được các cấp, tổ chức, ngành, đơn vị và Ủy ban Nhân dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh quan tâm chỉ đạo tích cực trong việc bảo vệ các đàn chim di cư, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
Hiện đã đến mùa chim di cư, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện nhiều khu vực bãi bồi, đầm nuôi trồng thủy sản, các cánh đồng lúa ven các cánh rừng (khu vực thành phố Móng Cái, thị xã Quảng Yên...) xuất hiện nhiều hình thức bắt chim di cư các loại, trong đó chủ yếu là giăng lưới bắt chim./.
(TTXVN)