Thứ Sáu, 20/9/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Tư, 1/11/2017 19:35'(GMT+7)

Quảng Ninh: Thiết thực đưa Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII vào cuộc sống

Qua các thời kỳ, từ khi thực hiện đường lối đổi mới đến nay, Quảng Ninh luôn xác định: Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị phải song hành với đổi mới kinh tế. Trong đó, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng luôn là yêu cầu cấp thiết trong mỗi thời kỳ. Mỗi giai đoạn, tỉnh đã lựa chọn những nội dung phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện. Những năm gần đây, cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá, phát hiện phương thức hoạt động, tổ chức bộ máy, biên chế, có nhiều yếu kém, bất cập cần phải đổi mới. Đề án 25 “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” được tổ chức nghiên cứu từ cơ sở và Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 19-NQ/TU lãnh đạo cấp ủy các cấp thực hiện đề án.  

Sự đổi mới trong công tác cán bộ, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị những năm qua là những bước đi mới trong tăng cường xây dựng Đảng theo Nghị quyết TW4 khóa XI, TW4 khóa XII. Hiện nay thực hiện nhất thể hóa Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND ở 50% đơn vị cấp huyện, 40,32% đơn vị cấp xã; Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND tại 2/14 đơn vị cấp huyện, và 40,9% đơn vị cấp xã; Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn (bản, khu phố) ở 1.508/1.565 thôn (96,9%). Bố trí người đứng đầu cơ quan tham mưu cấp ủy với cơ quan chuyên môn cấp huyện: UBKT-Thanh tra ở 9/14 (64%); Tổ chức - Nội vụ ở 8/14 (57%); Tuyên giáo - Trung tâm bồi dưỡng chính trị ở 13/14 (92,9%); Dân vận - MTTQ ở 13/14 (92,8%). 

Tỉnh đã tổ chức lại một số cơ quan, nhất quán phương châm: Một đơn vị thực hiện nhiều chức năng, một người làm nhiều nhiệm vụ. Một chức năng, nhiệm vụ chỉ có một đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm đến cùng. Trên cùng một địa bàn, với cùng một nhóm nhiệm vụ chỉ có một đơn vị thực hiện, đặc biệt những chức năng, nhiệm vụ nào có thể tích hợp, thì đổi mới tổ chức. Những nhiệm vụ mà nhân dân có thể và làm tốt thì cơ quan nhà nước xây dựng cơ chế thu hút, công bố công khai, tạo môi trường để nhân dân, doanh nghiệp thực hiện. Đến nay, đã hình thành đơn vị chung bộ phận hành chính, phục vụ đối với các ban đảng của Tỉnh ủy, Đảng ủy khối; sắp xếp lại các chi cục và các phòng chuyên môn có cùng chức năng, nhiệm vụ. Sáp nhập các cơ sở đào tạo, trung tâm giới thiệu việc làm trên một địa bàn. Hai năm 2015, 2016 và 9 tháng đầu năm 2017 toàn tỉnh đã sắp xếp giảm 04 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; 107 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Ngành Giáo dục giảm 09 trường, 122 điểm trường, 463 lớp. Ngành Y tế đã sáp nhập Trung tâm y tế với Bệnh viện đa khoa của 7/14 địa phương. Ngành Nông nghiệp và PTNN đã chuyển giao và sáp nhập các trạm bảo vệ thực vật, trạm thú y, trạm khuyến nông về các địa phương và thành lập Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập ở 13/14 huyện, thị xã, thành phố. Thí điểm thành lập cơ quan giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở 12/14 đơn vị cấp huyện, tiến tới thực hiện ở 100% đơn vị cấp huyện. Biên chế quản lý chặt chẽ hơn, tăng kiêm nhiệm, khoán biên chế; giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách. Thực hiện cơ chế “đặt hàng” với một số nhiệm vụ trong các đơn vị sự nghiệp công. Quảng Ninh là một trong 3 địa phương được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương xây dựng Đơn vị hành chính - kinh tế được biệt, gồm: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Đây sẽ là mô hình hành chính tinh gọn, thể chế, cơ chế, chính sách cạnh tranh mang tầm quốc tế, khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút đầu tư, hình thành mô hình động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng và cả nước. 

Sự quyết tâm thực hiện các đột phá chiến lược về thiết chế, thể chế tổ chức, bộ máy, đột phá về chiến lược cán bộ, nguồn lực con người, cơ cấu tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, từ hệ thống tổ chức Đảng đến chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội Quảng Ninh đã, đang được sắp xếp lại một bước ngày càng tiệm cận gần hơn đến các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tính chất phục vụ nhân dân và hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan nhà nước được nâng lên rõ rệt. Mở rộng dân chủ trong Đảng, bảo đảm quyền lực nhà nước được thực hiện đúng đắn và phản ánh đúng lợi ích của xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng các cấp trong tỉnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hình thức đoàn kết, tập hợp đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các hội, tổ chức, các câu lạc bộ theo sở thích, ngành nghề, theo giới, lứa tuổi... Không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết giữa các dân tộc anh em trong tỉnh, trong đó sợi dây gắn kết bền chặt chính là sự hội tụ của lòng tự hào dân tộc, truyền thống anh hùng, luôn kiên định vượt khó, sáng tạo, đổi mới không ngừng của con người trên vùng đất địa đầu Đông Bắc với truyền thống vẻ vang “Kỷ luật và đồng tâm” của giai cấp công nhân vùng mỏ, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh.     

Từ ý nghĩa, kết quả thực tiễn Quảng Ninh sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị những năm qua đã tổng kết, đúc rút thành lý luận, bài học: 

Một là, không ngừng tăng cường công tác tư tưởng và lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc; làm rõ và giải thích sâu sắc cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của các nghị quyết của Đảng; trả lời những vấn đề vướng mắc và uốn nắn những tư tưởng lệch lạc; gắn chặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức cán bộ và thực hiện cơ chế quản lý của nhà nước. 

Hai là, thể chế hóa nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, phát huy vai trò tổ chức bộ máy chính quyền các cấp; cải tiến nội dung hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp để thực sự là cơ quan quyền lực của nhân dân. 

Ba là, trên cơ sở tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch đào tạo cán bộ, xây dựng quy trình đào tạo chặt chẽ cả về mặt lý luận và thực tiễn đối với từng đối tượng cán bộ chủ chốt; chú trọng đào tạo cán bộ xuất thân từ thành phần công nhân, nữ, dân tộc thiếu số. 

Bốn là, từng bước, tiếp tục kiện toàn cán bộ, tổ chức bộ máy tinh gọn; chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ và hoàn chỉnh việc phân cấp quản lý cán bộ cho các ngành, địa phương cơ sở; phân công rõ hơn trách nhiệm của các ban Đảng theo dõi nắm sát cán bộ. 

Năm là, thường xuyên quy hoạch và thực hiện quy hoạch cán bộ ở từng cấp, từng ngành, nhất là đối với chức danh chủ chốt; thực hiện thi tuyển, luân chuyển cán bộ lãnh đạo theo quy định; quan tâm đào tạo và giải quyết chính sách thỏa đáng cho cán bộ cơ sở xã, phường, vùng cao, biên giới. 

Sáu là, chú trọng công tác kiểm tra theo chương trình, đi sâu vào việc kiểm tra thực hiện đường lối, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chấp hành Điều lệ và kỷ luật Đảng; đẩy mạnh việc xây dựng đảng bộ huyện, thị xã và đảng bộ cơ sở trong sạch, vững mạnh.   

 Đó cũng chính là thông điệp để mỗi cấp ủy, cán bộ, đảng viên hướng tới tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, xây dựng tổ chức, bộ máy tinh gọn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII ngày càng phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh năng động.   

Phạm Văn Điệp
Trưởng phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất