Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 30/4/2017 15:27'(GMT+7)

Quảng Trị - Đất thiêng

Du khách tham quan Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: CÔNG NGHĨA

Du khách tham quan Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: CÔNG NGHĨA

Giữa lòng Quảng Trị vẫn là bóng hình các anh, những chiến sĩ phất cờ giải phóng năm nào trên căn cứ Đầu Màu, điểm cao 241, động Ông Do, Làng Cùa. Phía tây như vẫn văng vẳng bước chân quân hành của những đoàn quân Khe Sanh, từ cửa khẩu Lao Bảo theo đường 9 tiến về đồng bằng trong mưa bom, bão đạn...

Đứng giữa thị xã Quảng Trị, một vị tướng, cựu chiến binh Sư đoàn 320 tâm sự: "Chúng ta đang sống trên đất thiêng bởi vậy mỗi con người hôm nay phải có tấm lòng trong sáng, sống làm sao cho thỏa nguyện hương hồn các anh. Chúng ta nguyện sẽ đi tiếp phần đời đầy khát vọng của những người chiến sĩ năm xưa".

Đó cũng chính là tâm nguyện của người Quảng Trị. Bây giờ thị xã Quảng Trị đã trở thành một trung tâm kinh tế, thương mại. Thị xã lớn lên từ vùng đất hoang tàn, cả thành cổ không giữ được một viên gạch nguyên vẹn, mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu người chiến sĩ. Bây giờ phượng đã đỏ rực đường phố, hoa sữa nồng nàn mỗi đêm thu. Nhiều đường phố được mở rộng tới 20 m rất đẹp và phong quang như đường Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Quang Trung. Con đường chạy xuôi bờ sông Thạch Hãn mang tên Đại đoàn Đồng bằng.

Hằng năm, chúng tôi, những người làm báo từng được trao tặng Kỷ niệm chương Thành cổ Quảng Trị lại về đây thắp hương cho đồng đội. Những đồng đội của biết bao đồng đội đã trở về trên mảnh đất này. Giờ đây mảnh đất nào vừa được tạo dựng lại cũng là một địa chỉ đỏ đầy ấn tượng để đồng bào cả nước và bè bạn xa gần ghi sâu một thời máu lửa, cũng như hiểu sâu hơn cuộc sống của người Quảng Trị hôm nay.

Triệu Trạch, một xã nhỏ của Triệu Hải nằm ven bờ sông Thạch Hãn, nơi hàng trăm chiến sĩ lứa tuổi 20 đã hy sinh trong những ngày hè năm 1972. Hôm nay, mỗi con người Triệu Hải vẫn giữ nguyên vẹn tình cảm cách mạng, truyền thống "Uống nước nhớ nguồn". Mẹ Hải có hai con là liệt sĩ nhưng trên bàn thờ vẫn có thêm bức ảnh của một chiến sĩ trẻ. Mẹ nói rằng, nó quê ngoài bắc nhưng hy sinh trong nhà mẹ mà dấu tích để lại là chiếc ba-lô và tấm hình này. Vậy có biết bao nhiêu chiến sĩ từng sum vầy trong những căn hầm của làng nhỏ Triệu Trạch và bao người hy sinh, chỉ có các mẹ là nhớ hết. Trở lại những vùng trận mạc hôm nay, người mang nặng kỷ niệm nhất cũng chẳng thể tìm lại một dấu tích dù là nhỏ nhất của hôm qua. Những cánh đồng lúa xanh bạt ngàn, những ngôi nhà xinh xắn đã mọc lên trên tất cả bề mặt của những thảm bom, của pháo bầy, rốc-két. Mỗi mầm cây, mỗi nụ hoa vươn lên từ đất này dường như đều hàm chứa lời nhắn gửi của bao người đã khuất. Đất Quảng Trị thiêng trước hết là ở sự tích của những con người đã hy sinh. Những o du kích, những anh bộ đội địa phương một thời chiến đấu nay vẫn kể với nhau về những anh bộ đội mà họ từng gắn bó, chiến đấu.

Làng Cùa (Cam Lộ) dưới chân động Ông Do, sát nách cao điểm 241 lịch sử, nơi lãnh tụ Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô từng đến thăm trong những năm tháng chiến tranh hôm nay đẹp như tranh. Người chủ của một trang trại hồ tiêu, cà-phê vốn là người lính Việt Nam Cộng hòa năm nay đã ngoài 70 tuổi. Cuộc sống của ông chỉ có ý nghĩa từ phần sau cuộc đời, nghĩa là 45 năm sau khi Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Ông không theo một số ít người lầm đường chạy trốn mà trở về quê hương ngay từ ngày đó. Đất và con người quê hương trở nên gần gũi. Ông trồng lại hồ tiêu, vực dậy mảnh đất mà thuở nào ông còn thấy xa lạ. Những người hàng xóm một thời ông cho là đứng bên kia chiến tuyến đã trở nên thân quen. Bây giờ, ông mới nhận rõ họ chính là bà con mình, đã chiến đấu không chỉ vì vùng đất của riêng ai. Từ đôi bàn tay trắng, ông đã xây dựng được cơ ngơi khang trang, xây nhà mới, mua được ô-tô. Con cái ông được học hành tử tế. Bà con lối xóm không bao giờ nghĩ về quá khứ của ông. Ở trang trại của mình, ông nhận ra rằng có những người con đất bắc đã hy sinh nơi đây. Mảnh đất bình yên của cây hồ tiêu, cà-phê lao xao trong gió mới như lúc nào cũng thấp thoáng hình ảnh anh bộ đội giải phóng quân.

45 năm đã trôi qua, vết thương trên đất Quảng Trị đã lành bởi sức hồi sinh mãnh liệt. Một Lao Bảo ngày nào hoang vắng nay đã trở thành một cửa khẩu đông vui, nhộn nhịp làm đẹp thêm mối tình Việt - Lào đã từng gắn bó thủy chung trong những lúc cam go, ác liệt nhất của thời chiến tranh. Một thế hệ mới lớn lên nhưng không ít trong số họ có bố mẹ mình đã ngã xuống trên mảnh đất này. Một chiến sĩ hải quan còn trẻ nói chuyện với chúng tôi, giọng nói điềm tĩnh bộc trực: "Đất này thiêng lắm anh ạ. Thời Pháp đây là nhà tù, thời chiến tranh đây là túi bom đạn của Mỹ. Các cụ đã ngã xuống trên đất này không kể xiết. Bởi vậy làm gì cũng phải nghĩ đến hương hồn các cụ". Xuôi đường 9 về lại Đông Hà lại nhớ đến bao chiến sĩ của Đại đoàn Quân tiên phong, Đại đoàn Đồng bằng, K5, K14 bộ đội địa phương Quảng Trị đã ngã xuống trước ngày Quảng Trị giải phóng. Giờ đây các anh không thể hình dung một thành phố Đông Hà đã mọc lên thay cho "ngôi nhà 8 mái" sau những trận đánh đã đi vào huyền thoại. Ngắm nhìn các cô gái Vân Kiều, Cơ Ho về đây mua sắm hàng hóa, thức ăn vui trong những câu chuyện mới thấy hết giá trị của sự hy sinh to lớn ấy. Ở đây tôi đã gặp biết bao Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Có không ít những bà mẹ cả nhà đi chiến đấu, cả nhà hy sinh. "Không buồn, không tủi vì chúng nó hy sinh đã mang lại hạnh phúc cho con người". Giọng nói một bà mẹ thấy đượm buồn mà vẫn khảng khái như thế.

Quảng Trị, đất thiêng là vậy. Bởi vậy, người Quảng Trị luôn tri ân các lớp cha anh và những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh. Đội ngũ cán bộ và người dân luôn nhắc nhở nhau "uống nước nhớ nguồn". Sự gần gũi với nhân dân, chăm lo cho cuộc sống người dân đã trở thành đạo lý, lẽ sống của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Trị. Và những thành tích của Quảng Trị đạt được hôm nay mang ý nghĩa sâu xa tình cảm và ước nguyện của những người con khắp mọi miền đất nước đã chiến đấu, hy sinh trên miền đất này…

45 năm đã trôi qua nhưng khúc bi hùng Thành cổ Quảng Trị vẫn mãi ngân vang trong lòng người. Điều đó bạn hãy đọc trong hàng chục nghìn trang cảm tưởng được viết bằng nhiều ngôn ngữ trên thế giới của rất nhiều khách tham quan ở mọi lứa tuổi, mọi mầu da và nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khi họ về thăm Thành cổ, di tích được xếp hạng đặc biệt của Việt Nam. Một cựu chiến binh năm ngoái trở lại Việt Nam, đứng lặng hàng giờ trước tượng đài Thành cổ, chưa hết bàng hoàng về "mùa hè đỏ lửa" năm 1972. Lại càng kinh ngạc hơn bởi từ nơi không còn viên gạch nào nguyên vẹn nay đã mọc lên một thị xã xinh xắn, êm đềm nghiêng bóng trên dòng sông Thạch Hãn, mải miết khoe mình như chưa từng qua mùa hè của tận cùng tang tóc ấy.

Có một vị tướng đã chiến đấu ngót 5 năm liền trên mảnh đất này. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng đã nhiều lần tâm sự: "Quảng Trị là đất thiêng. Ai đi ngược lại dòng chảy của lịch sử, không làm yên lòng những đồng đội của chúng ta từng hy sinh trên mảnh đất này, là tự hủy hoại chính mình". Người dân Quảng Trị hôm nay luôn nguyện xứng đáng là chủ nhân của mảnh đất mà các anh hùng, liệt sĩ đã quyết chí để giành lại sự thống nhất giang sơn nước nhà.

Ngọc Đản Nguyên phóng viên mặt trận Quảng Trị
Nguồn: Báo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất