Một ngày sau khi thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp năm 1992 sửa đổi,
trong buổi làm việc sáng 29/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã
thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với tỷ lệ 89,96% tổng số đại
biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Như vậy, sau Hiến pháp, Luật Đất đai (sửa đổi) - đạo luật được dư luận,
cử tri và đồng bào cả nước hết sức quan tâm, đã được các đại biểu Quốc
hội bấm nút thông qua.
Sự kiện này cũng đánh một dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng,
tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, nhân sỹ, trí thức và
cử tri cả nước đối với Luật Đất đai (sửa đổi), một đạo luật có tầm bao
phủ rộng lớn đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trước đó, thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo
Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tổ chức lấy ý kiến nhân dân và đã tiếp
nhận gần 7 triệu lượt ý kiến góp ý.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự thảo
Luật Đất đai (sửa đổi) và đã thống nhất lùi thời điểm thông qua dự thảo
Luật Đất đai (sửa đổi) để cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ
quan hữu quan có thời gian nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật
thật kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của dự
thảo Luật với các quy định về đất đai trong dự thảo Hiến pháp 1992 sửa
đổi.
Điều khiển phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ
với nhận thức dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật quan trọng có
tác động lớn đến các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất, tác động
đến sự phát triển kinh tế đất nước và ảnh hưởng đến toàn xã hội, Quốc
hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã
dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu cẩn thận, kỹ lưỡng và thực
hiện các bước đi thận trọng.
Chính phủ đã chuẩn bị công phu, thảo luận nhiều lần, Ủy ban Thường vụ
Quốc hội đã dành 5 phiên họp để cho ý kiến, Quốc hội dành 3 kỳ họp để
thảo luận, cho ý kiến. Ngoài ra, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã
tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, các
ngành, các cấp, các địa phương và những đối tượng chịu sự tác động của
Luật.
Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường
vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình
bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về
dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu,
nghiêm túc, có nhiều điểm đổi mới; phù hợp với các quan điểm, định hướng
đổi mới chính sách pháp luật về đất đai theo Nghị quyết Đại hội lần thứ
XI của Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp
hành Trung ương Đảng khóa XI, đã cơ bản giải quyết được các tồn tại,
vướng mắc hiện nay, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và tình hình phát
triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế.
Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 có 14 chương, 212 điều.
Trước khi thông qua toàn văn dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại
biểu Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua một số nội dung như Điều 26
về những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; Điều 126: Đất
sử dụng có thời hạn và Điều 166: Quyền chung của người sử dụng đất trong
Dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua lần này bổ sung
một số trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an
ninh như xây dựng trụ sở làm việc; trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng
nghiệp vụ, nhà nghỉ dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng;
làm rõ thẩm quyền cho phép thu hồi đất nêu tại khoản 1 Điều 62 của dự
thảo Luật để tránh tùy tiện trong thu hồi đất.
Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về
trình tự, thủ tục cưỡng chế để áp dụng thống nhất trong cả nước vì đây
là vấn đề phức tạp và có liên quan đến quyền và lợi ích của người dân;
quy định cụ thể về việc bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây
ra.
Luật cũng bổ sung quy định về bồi thường đối với đất phi nông nghiệp của
cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo trong nhóm các quy định về bồi thường,
hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Liên quan đến khung giá đất, Luật Đất đai sửa đổi đã bổ sung quy định về
sự tham gia của cơ quan tư vấn giá đất trong Hội đồng thẩm định giá đất
để đảm bảo sự khách quan tại khoản 3 Điều 114: "Ủy ban Nhân dân cấp
tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có
trách nhiệm giúp Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc xác định
giá đất cụ thể. Trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý đất đai
cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn định giá đất để tư vấn
xác định giá đất cụ thể."
Đáng chú ý, trong Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua lần
này, các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường đã được tăng cường, cụ
thể: Đã hạn chế các trường hợp được Nhà nước giao đất, chuyển cơ bản
sang áp dụng hình thức thuê đất; thực hiện định giá đất theo cơ chế thị
trường có sự quản lý của Nhà nước nhằm tiến tới xóa bỏ bao cấp trong
quản lý, sử dụng đất đai khắc phục tình trạng "xin-cho" trong sử dụng
đất.
Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường
sự tham gia của người dân trong quá trình lập, tổ chức thực hiện quy
hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
nhằm công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất, góp phần phòng,
chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và làm giảm các khiếu kiện trong
lĩnh vực đất đai; đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý
nhà nước về đất đai.
Cũng trong buổi làm việc sáng nay, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo
luận ở hội trường về dự thảo Luật phá sản (sửa đổi). Chiều cùng ngày,
Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc, được truyền hình, truyền thanh trực tiếp
để đồng bào, cử tri cả nước cùng theo dõi./.
(TTXVN)