Sáng 28/11, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Dự
thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi).
Bên lề kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội, những người vừa thực hiện một sứ mệnh lịch sử đã có những trao đổi về sự kiện này.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
1992 Uông Chu Lưu đã trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí về một số
nội dung liên quan đến Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi).
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, sự kiện Quốc hội thông qua Dự
thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) lần này
là một bước tiến quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước.
Báo cáo của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình trình Quốc
hội sáng nay (28/11) đã khẳng định bản Hiến pháp (sửa đổi) lần này đã
thể chế hóa được Cương lĩnh của Đảng trên cơ sở phát huy dân chủ, tinh
thần đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như đề cao quyền con người và quyền
nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đặc biệt, bản Hiến pháp lần này đã phân
định rõ được chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan lập pháp, hành pháp và
tư pháp so với Hiến pháp 1992.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, điểm mới trong bản Hiến
pháp lần này được đánh giá là vấn đề về quyền con người. Trước đây,
Chương V của Hiến pháp năm 1992 chỉ nói về quyền và nghĩa vụ cơ bản của
công dân, nhưng Hiến pháp (sửa đổi) lần này đã đề cập vấn đề quyền con
người và đưa Chương “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân”
lên ngay sau Chương “Chế độ chính trị”, đặt ở Chương II của Dự thảo
Hiến pháp (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Bố cục của Dự thảo Hiến
pháp (sửa đổi) cũng đã thể hiện tầm quan trọng của Chương “Quyền con
người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân.” Tên Chương cũng đã có sự thay
đổi, trước đây là “Quyền, nghĩa vụ cơ bản công dân” nay là “Quyền con
người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân”, để khẳng định Nhà nước cam
kết bảo đảm, bảo vệ, tôn trọng quyền con người, quyền công dân, phù hợp
với Công ước quốc tế về quyền con người mà nước ta là thành viên tham
gia ký Công ước.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, việc chính thức thông qua
Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) là
thành quả của hơn 30 năm đổi mới và phát triển của Việt Nam. Bản Hiến
pháp lần này là cả một quá trình làm việc rất công phu, nghiêm túc và
phát huy được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cũng như thể
hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân và các đại biểu Quốc hội. Đặc
biệt, với tỷ lệ biểu quyết thông qua cao đã thể hiện sự đồng thuận,
thống nhất cao về những quy định của bản Hiến pháp (sửa đổi).
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, bản dự thảo Hiến pháp (sửa
đổi) đã được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận cao của các đại biểu
Quốc hội. Điều này chứng tỏ, dự thảo đã được chuẩn bị công phu, cẩn
trọng.
Tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp từ khâu đầu tiên đến khi Hiến pháp (sửa
đổi) được thông qua, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) nhận định,
Hiến pháp (sửa đổi) đã chắt lọc được tinh hoa, trí tuệ của nhân dân cả
nước; là khung pháp lý quan trọng và là đạo luật cao nhất của đất nước.
Hiến pháp (sửa đổi) được thông qua đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi chính đáng
của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của nhà
nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn
mới.
Theo đại biểu Hoàng Hữu Phước (Thành phố Hồ Chí Minh), Việt Nam đã nhiều
lần sửa đổi Hiến pháp, mỗi lần sửa đổi đều là dấu mốc quan trọng trong
lịch sử xây dựng và phát triển của đất nước. Dự thảo Hiến pháp nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp lần
này đã củng cố niềm tin cho toàn dân, tạo đà cho Việt Nam vững bước đi
lên trong giai đoạn mới.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Vinh (Hải Phòng) đánh giá việc Quốc hội thông qua
Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) với tỷ lệ rất cao hơn 97% đã chứng tỏ sự
đồng thuận, nhất trí rất cao trong các đại biểu Quốc hội. Ban soạn thảo
đã có sự tiếp thu, chắt lọc các ý kiến của cử tri, các đại biểu Quốc hội
cũng như các nhà khoa học trong bản Dự thảo trình Quốc hội.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh tâm đắc với những điểm mới nổi bật trong Hiến
pháp lần này, đó là về quyền con người được quan tâm và chú trọng bảo
vệ; thể hiện nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong
việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và
nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) thể hiện phấn khởi khi Quốc hội
thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao. Với góc nhìn của một cán bộ công
tác trong ngành tòa án, đại biểu tin tưởng bản dự thảo Hiến pháp (sửa
đổi) được thông qua sẽ tạo điều kiện và làm tiền đề để ngành tòa án đóng
góp xây dựng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Đại biểu cho rằng, cùng với việc thông qua Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi)
và dự kiến ngày mai, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa
đổi), sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động xét xử của ngành
tòa án.
Đánh giá cao việc Quốc hội nhất trí thông qua bản Hiến pháp, đại biểu
Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng Hiến pháp lần này đã thể hiện được ý chí,
nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt, Hiến pháp đã thể hiện rõ nhiều nội
dung về quyền con người như: quyền sống, quyền học tập và những quyền
khác đã được pháp luật quy định./.
TTX