Thứ Tư, 6/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 1/9/2015 10:38'(GMT+7)

Quốc hội chính là hiện thân của nền dân chủ

Toàn cảnh phiên toàn thể lần thứ nhất của Hội nghị Thế giới các Chủ tịch Quốc hội với bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. (Ảnh: TTXVN)

Toàn cảnh phiên toàn thể lần thứ nhất của Hội nghị Thế giới các Chủ tịch Quốc hội với bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. (Ảnh: TTXVN)

Đúng 10 giờ sáng 31/8 (theo giờ New York, Mỹ tức đêm 31/8, rạng sáng 1/9 theo giờ Việt Nam), ​Hội nghị Thế giới các Chủ tịch Quốc hội lần thứ tư đã chính thức khai mạc với sự tham dự của của 140 đoàn nghị viện cấp cao từ các quốc gia trên thế giới.

Đoàn Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu. Tạp chí xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội tại lễ khai mạc sự kiện này. Toàn văn như sau:

Thưa Ngài Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới,
Thưa các vị Chủ tịch Quốc hội,
Thưa các quý vị đại biểu,

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, tôi xin gửi tới Ngài Chủ tịch IPU cùng tất cả các quý vị đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới lần thứ tư lời chào trân trọng và những lời chúc tốt đẹp.

Mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới đều tha thiết với ước vọng về một thế giới hoà bình cũng như quyết tâm xây dựng một nền dân chủ. Để phát huy dân chủ, chúng ta cần không ngừng xây dựng, củng cố lòng tin lẫn nhau, đảm bảo hòa bình vững chắc thông qua hợp tác, thông qua đối thoại. Khi hòa bình và dân chủ được bảo đảm, cơ sở để thúc đẩy thịnh vượng và phát triển bền vững mới được đảm bảo và ngược lại có dân chủ và phát triển bền vững chúng ta sẽ có điều kiện để củng cố hòa bình một cách vững chắc.

Quốc hội chính là hiện thân của nền dân chủ. Hội nghị Thượng đỉnh Chủ tịch Quốc hội các nước trên thế giới lần này là dịp để tất cả chúng ta cùng nhìn lại những cam kết mà chúng ta đã đưa ra và tái khẳng định những cam kết đó với những nội hàm mới phù hợp với tình hình quốc tế đang đổi thay hàng ngày, hàng giờ.

Cộng đồng thế giới đang chung tay nỗ lực xây dựng một chương trình nghị sự phát triển bền vững mới với mục tiêu chấm dứt đói nghèo, thu hẹp sự bất bình đẳng và bảo vệ hành tinh của chúng ta cho thế giới mai sau. Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, các Nghị viện thành viên của IPU đã thông qua Tuyên bố Hà Nội “Các Mục tiêu Phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” tại Đại hội đồng IPU-132 được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3/2015 vừa qua. Các Nghị viện đã khẳng định tầm nhìn phát triển bền vững lấy người dân làm trung tâm thực hiện các quyền con người, trao quyền cho mọi người phát huy hết tiềm năng, dựa trên ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường; đồng thời đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Thưa các quý vị đại biểu,

Trải qua nhiều năm đấu tranh giành độc lập dân tộc, cùng với nhân dân các nước trên thế giới, nhân dân Việt Nam luôn khao khát được sống trong một thế giới hòa bình và dân chủ. Vì lẽ đó, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” luôn là mục tiêu hướng tới và động lực phát triển của dân tộc Việt Nam chúng tôi.

Việt Nam luôn cho rằng để đảm bảo dân chủ trong quan hệ quốc tế, các nước cần tôn trọng và nêu cao vai trò của hợp tác quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế trong giải quyết các vấn đề vướng mắc giữa các quốc gia. Ở tầm quốc gia, để đảm bảo dân chủ, Quốc hội cần đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường vai trò của Nhà nước pháp quyền, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo thực hiện các quyền tự do cơ bản của người dân.

Với mong muốn gìn giữ hòa bình, Việt Nam luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, của luật pháp quốc tế, cam kết không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, vì lợi ích và an ninh chung của khu vực và trên toàn thế giới. Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực, đe dọa sử dụng vũ lực, khủng bố trên toàn cầu.

Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam xác định rõ ba trụ cột của phát triển là kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó đề cao và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, coi phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn dân.

Khát vọng và ước nguyện chính đáng của mỗi người dân trên trái đất này là được sống trong một thế giới hòa bình, dân chủ, ấm no và hạnh phúc. Chúng tôi tin tưởng rằng Tuyên bố Hội nghị lần này sẽ góp phần phản ánh tiếng nói về cam kết của nghị viện các quốc gia, thể hiện trách nhiệm của các nghị viện trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thông qua luật pháp và chính sách dân chủ, đáp ứng khát vọng và nguyện vọng của mọi người dân trên thế giới.

Xin cám ơn tất cả quý vị đại biểu đã lắng nghe./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất