Tiếp bước Thượng viện, ngày 13/1, Hạ viện Mỹ thông qua một biện pháp
khởi động tiến trình bãi bỏ Obamacare bất chấp việc chưa có phương án
thay thế.
Với 227 phiếu
thuận và 198 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua việc yêu cầu các ủy
ban soạn thảo và phải trình một dự luật trước ngày 27/1 nhằm bãi bỏ Đạo
luật Bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền năm 2010
(PPACA), còn gọi là Obamacare.
Cuộc bỏ phiếu tại
Thượng viện Mỹ trước đó 1 ngày cũng có kết quả tương tự. Như vậy, cả 2
viện Quốc hội Mỹ đã thúc đẩy việc bãi bỏ Obamacare bất chấp những quan
ngại rằng chưa có một phương án thay thế hợp lý và nguy cơ tốn kém khi
triển khai kế hoạch này.
Tương lai bị “khai tử” của Obamacare đã được đoán trước
Bãi bỏ Obamacare
vốn là cam kết chủ chốt của phe Cộng hòa cũng như Tổng thống đắc cử
Donald Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Không một thành viên
đảng Dân chủ nào ủng hộ bước tiến này của đảng Cộng hòa.
Tổng thống Trump
hoan nghênh kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội với dòng trạng thái trên
Twitter rằng “Đạo luật Bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc sức khỏe hợp túi
tiền sẽ sớm trở thành lịch sử”.
Nghị quyết mà 2
viện Quốc hội Mỹ vừa thông qua không cần có sự cho phép của Tổng thống
bởi nó là tiến trình nội bộ cơ quan lập pháp. Một khi dự luật bãi bỏ
Obamacare được công bố thì cả 2 viện Quốc hội sẽ phải bỏ phiếu thông qua
và cần có chữ ký phê chuẩn của Tổng thống.
Nhưng tới lúc đó
ông Trump đã nhậm chức Tổng thống và ông chắc chắn sẽ đề nghị Quốc hội
nhanh chóng thông qua việc bãi bỏ một trong những di sản lớn nhất của
người tiền nhiệm Barack Obama.
Vì sao Obamacare bị phản đối dữ dội?
Obamacare mở rộng
chi trả bảo hiệm y tế thêm cho khoảng 20 triệu người tuy nhiên nó bị
phản đối mạnh mẽ vì gia tăng phí bảo hiểm, các khoản khấu trừ và khiến
nhiều hàng bảo hiểm lớn rời khỏi hệ thống này.
Obamacare được
ban hành gần 7 năm trước bất chấp sự phản đối của phe Cộng hòa khi đó
còn chưa nắm quyền kiểm soát cả 2 viện Quốc hội Mỹ.
Từ đó tới nay, Hạ
viện Mỹ đã bỏ phiếu hơn 60 lần để bãi bỏ hoặc thay đổi Obamacare nhưng
phe Cộng hòa không thể làm được điều đó chừng nào ông Obama còn là Tổng
thống, nghĩa là còn có quyền phủ quyết dự luật mà họ đã thông qua.
Chủ tịch Hạ viện
Mỹ Paul Ryan cho rằng Obamacare đang sụp đổ và cần phương án thay thế
khẩn cấp. Ông cũng cho rằng, với những người được bảo hiểm y tế nhờ hệ
thống Obamacare, “các khoản khấu trừ quá cao đến mức họ chẳng có cảm
giác được bảo hiểm ngay từ bước đầu”. Chủ tịch Hạ viện Mỹ kêu gọi sự can
thiệp “trước khi mọi việc trở nên tồi tệ”. Ông coi đây là “một sứ mệnh
giải cứu”.
Liệu bỏ Obamacare có gây ra thiệt hại khôn lường?
Lãnh đạo phe Dân
chủ Nancy Pelosi phản đối những ý kiến cho rằng Obamacare là một thất
bại. Bà nêu rõ: “Tốc độ tăng chi phí chăm sóc y tế trong nước đã giảm
rất nhiều nhờ Đạo luật Bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc sức khỏe hợp túi
tiền. Trong hơn 50 năm ghi nhận, tốc độ tăng chi phí chăm sóc y tế chưa
bao giờ chậm hơn bây giờ”. Bà cho rằng các nghị sỹ đang đứng trước sự
lựa chọn giữa “chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền và sự hỗn loạn”.
Reuters dẫn lời
nhà kinh tế học đại học Harvard David Cutler cảnh báo rằng thị trường
bảo hiểm Mỹ có thể gặp rắc rối nếu các nghị sỹ thực sự bãi bỏ Obamacare
mà lại chậm trễ đưa ra phương án thay thế.
Một số thành viên
đảng Cộng hòa cũng đã bày tỏ lo lắng về việc bắt đầu bãi bỏ Obamacare
khi mà họ còn chưa nhất trí về biện pháp thay thế đạo luật phức tạp này.
Bằng chứng là có tới 9 thành viên đảng Cộng hòa bỏ phiếu phản đối việc
bãi bỏ Obamacare.
Ủy ban chịu trách
nhiệm về ngân sách liên bang ước tính việc bãi bỏ hoàn toàn Obamacare
có thể tiêu tốn khoảng 350 tỷ USD suốt 10 năm tới.
Tuy nhiên, phe
Cộng hòa biện luận rằng một biện pháp thay thế tốt hơn sẽ giúp chính phủ
kiểm soát tốt hơn chương trình chăm sóc y tế và đảm bảo sự ổn định cho
phí bảo hiểm y tế.
Lãnh đạo phe Cộng
hòa có thể sẽ hoàn tất tiến trình bãi bỏ Obamacare trong vài tuần nhưng
một số nghị sỹ cho rằng tiến trình này có thể kéo dài hơn./.
Theo VOVnews