Thứ Bảy, 28/9/2024
Thế giới
Thứ Hai, 15/12/2014 8:14'(GMT+7)

Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng 600 tỷ USD

Chiến đấu cơ Mỹ tham gia không kích chống IS ở I-rắc và Xy-ri. (Ảnh: AP).

Chiến đấu cơ Mỹ tham gia không kích chống IS ở I-rắc và Xy-ri. (Ảnh: AP).

Với 89 phiếu thuận và 11 phiếu chống, các nghị sĩ tại Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua Dự luật ủy quyền Quốc phòng (NDAA), một tuần sau khi dự luật này vượt qua “cửa ải” Hạ viện.

Là kết quả của nhiều tháng thương thảo, NDAA phác thảo khoản ngân sách trị giá 585 tỷ USD cho chi tiêu quân sự liên bang trong năm tài khóa 2015, vốn bắt đầu vào ngày 1/10. Trong số tiền này có 521,3 tỷ USD sẽ dành cho ngân sách cơ bản của Lầu Năm Góc và 63,7 tỷ USD là ngân sách cho các hoạt động quân sự ở nước ngoài như Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. “Các mối đe dọa an ninh mà đất nước chúng ta đang đối mặt hiện rất nghiêm trọng và việc chúng ta cung cấp cho quân đội công cụ mà họ cần để giữ an toàn cho nước Mỹ là cấp bách”, AFP dẫn lời chủ tịch Hạ viện, ông Giôn Bâu-nơ (John Boehner) nhấn mạnh.

Ngân sách quốc phòng này cũng bao gồm 5 tỷ USD chi cho các hoạt động quân sự chống các tay súng Hồi giáo cực đoan tại I-rắc và Xy-ri, trong đó 3,4 tỷ USD cho việc triển khai lực lượng Mỹ trong khuôn khổ chiến dịch "Giải pháp Cố hữu" (Inherent Resolve) và 1,6 tỷ USD cho một chương trình huấn luyện và trang bị cho lực lượng người Cuốc ở I-rắc trong vòng 2 năm. Với số tiền này, chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma có thể mở rộng chiến dịch chống IS  ở I-rắc và Xy-ri.

Ngoài ra, việc cung cấp viện trợ sát thương cho U-crai-na trong cuộc chiến chống lực lượng ly khai ở miền Đông và thúc đẩy các hoạt động nhằm chấm dứt nội chiến ở Xy-ri cũng nằm trong tính toán của khoản chi ngân sách này. Dự luật trên cũng đề nghị hạn chế sử dụng nguồn tài chính của Bộ Quốc phòng Mỹ cho quan hệ hợp tác quân sự song phương giữa Nga và Mỹ, do những căng thẳng gần đây giữa hai nước về cuộc khủng hoảng U-crai-na.

Đối với vấn đề tù nhân tại Vịnh Goan-ta-na-mô, dự luật gia hạn lệnh cấm di chuyển các tù nhân đến Mỹ, có hiệu lực từ năm 2011, bất chấp sự phản đối của Tổng thống Ô-ba-ma. Các nghị sĩ Cộng hòa lo ngại các tù nhân ở Goan-ta-na-mô sau khi đến Mỹ có thể được tòa án trả tự do và trở thành mối đe dọa đối với an ninh nước Mỹ.

Dự luật mới cũng quy định rõ về các khoản chi dành cho binh sĩ Mỹ, vốn chiếm khoảng 50% tổng ngân sách quốc phòng. Cụ thể, văn kiện này cho phép binh lính Mỹ được tăng lương 1% và yêu cầu quân đội phải tiến hành kiểm tra sức khỏe tinh thần của các quân nhân hằng năm.

Tuy nhiên, Thượng viện từ chối cho nghỉ hưu phi đội máy bay hỗ trợ mặt đất A-10 Warthog đã già cỗi. Loại máy bay này được các lực lượng mặt đất ưa thích vì khả năng bay thấp và phá hủy các xe tăng của địch. Tuy nhiên, không quân Mỹ muốn "đắp chiếu" phi đội để giảm chi phí và tái huấn luyện quân nhân trên chiến đấu cơ F-35. Thượng viện cũng phản đối ngừng hoạt động tàu sân bay USS George Washington và đồng ý cấp kinh phí để đại tu, tiếp nhiên liệu cho con tàu.

So với năm tài chính trước đó, toàn bộ ngân sách quốc phòng năm tài chính 2015 giảm khoảng 48 tỷ USD, trong đó kinh phí cho chiến dịch ở nước ngoài giảm 16,4 tỷ USD, liên quan đến cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan đang đi tới hồi kết đối với các lực lượng Mỹ.

Cho đến nay, hoạt động quân sự chống IS vẫn lấy kinh phí từ ngân sách quốc phòng hiện tại của Lầu Năm Góc. Việc Mỹ phê duyệt ngân sách riêng cho hoạt động chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là một bước tiến trong cuộc chiến chống tổ chức Hồi giáo cực đoan của nước này.

Tuy nhiên, một số nghị sĩ vẫn tỏ ý lo ngại trước việc Mỹ tiếp tục mở rộng vai trò trong các cuộc xung đột ở nước ngoài. Nghị sĩ Gim Mắc Gâu-vơn (Jim McGovern) cho rằng, nước Mỹ đang ngày càng dính sâu hơn vào cuộc chiến tại I-rắc và Xy-ri. Nghị sĩ Dân chủ hàng đầu tại Tiểu ban quân lực Hạ viện Mỹ A-đam Xmít (Adam Smith) khuyến cáo nước Mỹ nên giới hạn vai trò của mình ở phạm vi huấn luyện, trang bị vũ khí và không kích hơn là triển khai lực lượng tác chiến để thực hiện cuộc chiến trên bộ.

Trước đó, hôm 4/12, dự luật này đã được Hạ viện thông qua với 300 phiếu thuận trên 119 phiếu chống. Hiện khoản ngân sách quốc phòng trị giá hàng trăm tỷ USD đã được trình lên Tổng thống Ô-ba-ma để ký thành luật./.

Ngọc Hà (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất