Thứ Tư, 25/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 27/10/2012 22:47'(GMT+7)

Quốc hội thảo luận dự án Luật Thủ đô

Thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. (Ảnh: VGP)

Thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. (Ảnh: VGP)

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về quy định giới hạn công dân cư trú trong khu vực nội thành Hà Nội, như một “vết gợn” trước khi Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật tại Kỳ họp này.

Dự thảo Luật đưa ra 2 phương án về đăng ký thường trú  ở nội thành (ngoài các trường hợp như vợ về ở với chồng, con về ở với cha mẹ…).

Theo phương án 1, công dân được đăng ký thường trú  ở nội thành, nếu có nhà ở thuộc sở  hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ đủ 03 năm trở lên; nơi  đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

Theo phương án 2, công dân được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn; công dân trước đây đã đăng ký thường trú tại nội thành, nay trở về nội thành sinh sống thì phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở. Trường hợp nhà ở do thuê thì phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu là 5m2/người.

Vẫn trong phương án 2, công dân không thuộc một trong các trường trên thì được đăng ký thường trú ở nội thành, nếu có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ đủ 03 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. Trường hợp nhà ở do thuê thì phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu là 5m2/người.

Về những băn khoăn nói trên, tại tổ đại biểu Quốc hội của  Hải Phòng, Cần Thơ và  Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (đoàn Thanh Hóa) lý giải, Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do cư trú nhưng theo quy định của pháp luật. Hiện Luật Cư trú quy định điều này và áp dụng trong phạm vi cả nước. Trong khi đó, Hà Nội lại đang chịu sức ép rất lớn về mật độ dân cư nên Luật Thủ đô ra đời sẽ giúp hạn chế tình trạng này. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, chỉ có luật (Luật Thủ đô-PV) mới có thể sửa được những vướng mắc của luật (Luật cư trú- PV).

Trong khi đó, ở tổ đại biểu Quốc hội Hà Nội, đại biểu Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã viện dẫn những khó khăn của giáo dục Thủ đô vì mật độ dân số đông trong khu vực nội thành. Trong vài năm qua, số lượng cơ sở giáo dục ở Hà Nội tăng thêm 400 lên 2.500 nhưng vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu của người dân, nhất là khu vực nội thành.

Bà Phạm Thị Hồng Nga và hầu hết các  đại biểu của đoàn Hà Nội đều nhất trí  việc “siết chặt” nhập cư vào nội thành theo phương án 2 của dự án Luật.

Việc hạn chế nhập cư vào nội đô được Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu thêm các giải pháp đi kèm là tăng cường xây dựng cơ sở vật chất ở ngoại thành, phát triển vùng Thủ đô để dãn bớt dân số.

Băn khoăn thực thi

Về một số cơ chế ưu đãi đối với Hà  Nội về tài chính, ngân sách (được để lại phần vượt thu ngân sách Trung ương ngoài dự toán, ưu tiên vốn ODA), các đại biểu chỉ ra rằng các luật khác như (Luật Ngân sách, Pháp lệnh Thủ đô) cũng đã ưu tiên cho Thủ đô về cấp ngân sách và quyền chủ động thực hiện. Tuy nhiên, việc sử dụng hiệu quả cơ chế này còn hạn chế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu  lấy ví dụ từ việc nhỏ như lát vỉa hè ở Hà Nội nhiều nơi còn chưa đẹp, chưa khang trang vì “hay đào lên lấp xuống”, đó là do tổ chức, thực hiện còn chưa thực sự tốt.

Về việc áp dụng mức thu phí giao thông vận tải và xử phạt hành chính vi phạm giao thông trong nội thành cao hơn (không quá 2 lần) các địa phương khác, đại biểu Cù Thị Hậu  (đoàn Hưng Yên) cho rằng Hà Nội cần phải là đầu tầu gương mẫu, để với mức phạt như nơi khác mà vẫn lập được kỷ cương.

Để tăng cường khả năng thực thi cho dự án Luật, một số đại biểu như Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh), Lê Minh Thông (đoàn Thanh Hóa)… cho rằng nên đề cập đến mô hình chính quyền đô thị trong dự án Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng nội dung này sẽ có trong dự án Luật Đô thị đang được xây dựng.

Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật tại hội trường, trước khi biểu quyết thông qua vào ngày 21/11.

Chiều cùng ngày, thảo luận việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng cần tiếp tục thí điểm chế định này trên cơ sở tổng kết kịp thời việc thực hiện thời gian qua, đồng thời mở rộng phạm vi thí điểm ra các địa phương khác.

Đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị nếu Quốc hội có Nghị quyết về vấn đề này thì sau 2 năm tiếp tục thí điểm cần phải xây dựng Luật về vấn đề này./.

(Thành Chung/VGP News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất