Chiều 2/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về dự án
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Quản
lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VKVLNCCHT).
Sau kỳ họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ủy ban
Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan
hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gửi Thường
trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các đoàn đại biểu
Quốc hội cho ý kiến.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), tại phiên họp
thứ 9, UBTVQH tiếp tục chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo
Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Dự án Luật có bố cục gồm 8 chương, 79 điều, quy định về quản lý, sử
dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; nguyên
tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ
khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an
ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người,
quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ
quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế cư trú, nhập cảnh,
xuất cảnh, quá cảnh và hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những nội
dung còn có ý kiến khác nhau của dự án luật liên quan đến: Phạm vi điều
chỉnh của dự thảo luật; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa
chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí; đối tượng được trang bị vũ khí quân
dụng, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; quản lý, sử dụng
vật liệu nổ...
Đề cập đến đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thể
thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, một số ý kiến đề nghị quy định cụ
thể đối tượng được trang bị trong dự thảo luật theo hướng chỉ trang bị
vũ khí quân dụng cho các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, các đơn vị
trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn
xã hội.
Đồng quan điểm nêu trên, Đại biểu Bùi Thanh Liêm (Đồng Nai), Hứa Văn
Nghĩa (Trà Vinh) đề xuất cần cần có các quy định cụ thể hơn trong quản
lý các loại vũ khí tự chế; vũ khí, công cụ hỗ trợ là đồ gia bảo, đồ
triển lãm, hiện vật trưng bày...
Một số ý kiến đề nghị quy định chỉ giao doanh nghiệp nhà nước thực
hiện hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ;
đồng thời phân định rõ doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp kinh doanh
vật liệu nổ, không để doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa kinh doanh vật
liệu nổ.
Liên quan đến quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh,
sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí (Điều 17), dự án luật nêu lên 2
phương án. Trong đó, phương án 1 quy định các tổ chức, doanh nghiệp
thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh
doanh, sửa chữa vũ khí. Phương án 2 quy định các tổ chức, doanh nghiệp
thuộc Bộ Quốc phòng được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa
chữa vũ khí. Nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với phương án 2; các đại
biểu Hồ Văn Thái (Kiên Giang) và Hứa Văn Nghĩa (Trà Vinh) cho rằng, nếu
quy định cả công an, quân đội đều nghiên cứu, sản xuất vũ khí thì sẽ
gây nên sự phân tán, lãng phí và chồng chéo, trong khi quân đội đang
thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Trái ngược với quan điểm trên, các đại biểu Vũ Mậu Quân (Hải Dương),
Trần Ngọc Khánh (Khánh Hòa) lựa chọn phương án 1 và cho rằng không nên
tách bạch công nghiệp quốc phòng là do quân đội quản lý, công nghiệp an
ninh là do công an quản lý; công tác bảo đảm an ninh-quốc phòng luôn là
nhiệm vụ chung vì vậy để cho 2 lực lượng đều thực hiện nhiệm vụ này cũng
là phù hợp nhiều quy định của luật pháp cũng như tạo sự chủ động cho cả
2 lực lượng.
Cùng bày tỏ sự đồng tình với phương án 1, đại biểu Phan Thái Bình
(Quảng Nam) đề xuất Quốc hội nên lấy phiếu xin ý kiến đại biểu đối với 2
phương án như đã nêu trong dự án để xem xét quyết định.
Quy định về nổ súng cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại
biểu, một số ý kiến đề nghị luật này chỉ quy định mang tính nguyên tắc
"nổ súng", còn việc "nổ súng" trong các trường hợp cụ thể đề nghị quy
định trong các luật chuyên ngành. Một số ý kiến khác cho rằng, luật này
cần quy định cụ thể về nguyên tắc và các trường hợp "nổ súng", không
giao các luật khác quy định về "nổ súng" để bảo đảm thực hiện thống
nhất, một số trường hợp đặc biệt có thể quy định trong luật chuyên ngành
nhưng phải bảo đảm tuân thủ các quy định về "nổ súng" tại luật này.
Ngoài ra, vấn đề về tiêu chuẩn, trách nhiệm của người sử dụng, người
quản lý kho vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; việc thu hồi giấy phép
về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; vấn đề xuất
nhập khẩu vũ khí; loại vũ khí quân dụng trang bị cho lực lượng kiểm
lâm, cơ yếu, kiểm ngư, an ninh hàng không, hải quan cửa khẩu... thủ tục
cấp giấy phép trang bị vũ khí thô sơ và giấy xác nhận đăng ký vũ khí thô
sơ... cũng là những vấn đề lớn được các đại biểu tập trung thảo luận và
đóng góp ý kiến đối với dự án luật./.
Theo chinhphu.vn