Thứ Hai, 25/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 12/11/2009 16:42'(GMT+7)

Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát năm 2010

Đại biểu Ngô Minh Hồng (TPHCM) phát biểu trước quốc hội.

Đại biểu Ngô Minh Hồng (TPHCM) phát biểu trước quốc hội.

Sáng nay (12/11), dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội làm việc tại Hội trường cho ý kiến về Dự thảo Luật nuôi con nuôi.

Đa số ý kiến của các đại biểu nhất trí với Ban soạn thảo và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về sự cần thiết phải ban hành Luật Nuôi con nuôi. Hiện nay, Việt Nam vẫn còn hơn 100.000 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, hàng trăm nghìn trẻ bị tàn tật… Nuôi con nuôi là một hiện tượng bình thường trong xã hội, mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, nhằm giúp trẻ tàn tật, mồ côi có một mái ấm gia đình. Việc ban hành Luật Nuôi con nuôi là thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta về trẻ em, đảm bảo cho trẻ được chăm sóc, giáo dục trong điều kiện tốt nhất.

Tuy nhiên, nuôi con nuôi, tức là tìm một gia đình thay thế cho những trẻ em không may mắn, trước hết nên ưu tiên ở trong nước. Đại biểu Lưu Thị Chi Lan (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng cần phải coi trọng mục tiêu nuôi con nuôi trong nước và mục tiêu này phải là chủ đạo, phải được tô đậm hơn để thể hiện sự cố gắng đảm bảo của nguyên tắc này. Bởi lẽ tìm được mái ấm gia đình cho các em ở quê hương gốc sẽ góp phần làm dịu đi nỗi đau bị bỏ rơi, mồ côi, hoặc có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Nuôi con nuôi nước ngoài là biện pháp tình thế khi không còn cách nào khác và không thu xếp được ở trong nước.

Không nên quy định thu phí nhận con nuôi

Theo ý kiến của các đại biểu Đinh Ngọc Lượng (đoàn Cao Bằng), Lý Kiều Vân (đoàn Quảng Trị), Nguyễn Thị Kim Thuý (đoàn Đà Nẵng), dự thảo Luật quy định khoản phí và lệ phí mà người nhận nuôi con nuôi phải nộp là chưa phù hợp. Nuôi con nuôi là nhằm tìm cho trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có một gia đình thay thế; đảm bảo cho lợi ích của trẻ phải là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Nếu quy định việc nộp phí, lệ phí, rất dễ bị hiểu lầm sang ý nghĩa không trong sáng và dễ phát sinh tiêu cực, như cơ chế “tiền vào trẻ ra”, hoặc là tình trạng móc nối thu gom trẻ em như thời gian qua ở một số địa phương.

Đại biểu Lý Kiều Vân (đoàn Quảng Trị) đề nghị không quy định việc thu phí và lệ phí nhận con nuôi ở trong luật. Vì nuôi con nuôi là một vấn đề mang tính nhân đạo, đặc biệt đối với những trẻ em có hoàn cảnh cần có mái ấm gia đình thì việc nuôi con được xem là vấn đề cần thiết. Đại biểu cho rằng, nếu quy định như dự thảo Luật sẽ không khuyến khích được người nhận nuôi con nuôi vì mục đích này.

Về căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi, theo ý kiến của nhiều đại biểu, quy định như trong dự thảo luật còn quá hẹp; cần bổ sung thêm những quy định về quyền của người nuôi con nuôi, như quyền đề nghị, yêu cầu toà án chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi; quy định điều kiện của người nhận con nuôi là phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên và không được quá 50 tuổi. Một số ý kiến đề nghị không nên thay đổi nguồn gốc của đứa trẻ nuôi nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của trẻ. Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định việc nuôi con đẻ thành con nuôi, tức là lợi dụng chính sách để hưởng ưu đãi. Về độ tuổi trẻ em được nhận làm con nuôi, đa số ý kiến đề nghị nên ở mức dưới 16 tuổi, đặc biệt, cần thu hẹp đối tượng trẻ em được nhận làm con nuôi để tránh tình trạng lạm dụng nuôi con nuôi phục vụ cho mục đích khác.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) quan tâm vấn đề bình đẳng giới chưa được quy định rõ trong dự thảo luật. Đại biểu cho rằng về đối tượng nhận con nuôi mới chỉ được quy định chung chung, bởi nếu đối tượng nhận con nuôi là một cặp vợ chồng thì không có vấn đề gì, nhưng nếu chỉ có người bố hoặc người mẹ xin nhận con nuôi thì phải có quy định rõ trong dự thảo luật về quyền và nghĩa vụ của đối tượng nhận con nuôi, tránh tình trạng lạm dụng sức lao động, lạm dụng tình dục.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Gia Lai) cho rằng, quy định như trong dự thảo Luật về việc bố mẹ nuôi phải báo cáo với Uỷ ban Nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú trước khi được nhận làm con nuôi và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cha mẹ nuôi thường trú về tình hình trẻ được nhận nuôi trong 3 năm đầu tiên, định kỳ 6 tháng một lần là phù hợp, nhưng chưa chặt chẽ. Bởi trong trường hợp cha mẹ nuôi có thể bỏ nơi ở cũ, để tránh cho cha mẹ đẻ của đứa trẻ tìm được con mình. Đại biểu đề nghị cần quy định trong luật, trong 2 năm đầu khi nhận con nuôi, cha mẹ nuôi trong được đi khỏi nơi tạm trú, trong trường hợp bất khả kháng phải có báo cáo với Ủy ban Nhân dân xã nơi cha mẹ nuôi đang thường trú.

Chưa giám sát hiệu quả gói kích cầu trong năm 2010

Cũng trong sáng nay, với trên 85% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010. Theo đó, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học ở kỳ họp thứ 7 và chuyên đề thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII.

Có nhiều ý kiến đại biểu đề nghị đề nghị Quốc hội giám sát một số chuyên đề liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai; hiệu quả của các gói kích cầu của Chính phủ; thực hiện chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn và một số vấn đề khác.

Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận các vấn đề đại biểu nêu ra đều rất quan trọng, bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do điều kiện có hạn, nếu đưa quá nhiều nội dung vào chương trình giám sát của Quốc hội thì càng khó thực hiện, do vậy xin chưa đưa vào chương trình giám sát năm 2010.

Về ý kiến đề nghị giám sát hiệu quả thực hiện gói kích cầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chưa nên tiến hành giám sát nội dung này trong năm 2010. Bởi đây là vấn đề mới được tổ chức thực hiện, Chính phủ đang điều hành tiếp tục và các cấp, các ngành, các doanh nghiệp đang tập trung mọi sự nỗ lực để vượt qua những khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế, trong đó có việc sử dụng gói kích cầu tái cấu trúc nền kinh tế.

Chiều nay, Quốc hội làm việc ở tổ, thảo luận về Dự án Luật thuế nhà đất./.

Theo VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất