Dự thảo Nghị quyết về dự toán
ngân sách nhà nước năm 2025 quyết nghị thông qua dự toán ngân sách nhà
nước năm 2025. Cụ thể số thu ngân sách nhà nước là 1.966.839 tỷ đồng
(một triệu, chín trăm sáu mươi sáu nghìn, tám trăm ba mươi chín tỷ
đồng). Trong đó, sử dụng 60.000 tỷ đồng (sáu mươi nghìn tỷ đồng) nguồn
tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và 50.619 tỷ
đồng (năm mươi nghìn, sáu trăm mười chín tỷ đồng) nguồn cải cách tiền
lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố
trí dự toán năm 2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để
thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.
Tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.548.958 tỷ đồng (hai triệu, năm trăm
bốn mươi tám nghìn, chín trăm năm mươi tám tỷ đồng). Mức bội chi ngân
sách nhà nước là 471.500 tỷ đồng (bốn trăm bảy mươi mốt nghìn, năm trăm
tỷ đồng), tương đương 3,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Về điều hành ngân sách nhà nước năm 2024: Bổ sung dự toán thu ngân sách
trung ương năm 2024 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là 21.284 triệu
đồng và bổ sung tương ứng dự toán chi thường xuyên năm 2024 nguồn vốn
viện trợ không hoàn lại là 21.284 triệu đồng cho các bộ, cơ quan trung
ương và địa phương. Về thực hiện chính sách tiền lương, một số chính
sách xã hội, Nghị quyết nêu rõ chưa tăng tiền lương khu vực công, lương
hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người
có công trong năm 2025.
Báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện
ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và Dự
thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 cho thấy, nhiều ý
kiến đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm
xây dựng phương án sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, sớm cụ thể hóa Nghị
quyết số 18-NQ/TW ngày 16/9/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, có
cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền
thuê đất giữa Trung ương và địa phương.
Một số ý kiến đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, nhất
là những công trình trọng điểm quốc gia, cũng như những công trình trọng
điểm ở địa phương, chuyển kinh phí tại các công trình triển khai chậm
sang thực hiện các công trình, dự án có khả năng thực hiện, giải ngân
cao. Có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của dự kiến giải ngân 95% như
Báo cáo của Chính phủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9
tháng năm 2024 của một số Bộ, ngành, địa phương còn chậm; trung bình cả
nước mới chỉ đạt 47,3% dự toán Quốc hội giao, giảm cả về giá trị và tỷ
lệ so với cùng kỳ; trong đó vốn ngoài nước chỉ đạt 24,33% kế hoạch, thấp
hơn so với cùng kỳ (28,37%).
Vì vậy, trong những tháng cuối năm, với mục tiêu giải ngân 95% dự toán
được giao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo sát
sao, quyết liệt, chủ động có giải pháp khắc phục, nâng cao trách nhiệm,
tính chủ động của các bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ giải
ngân đầu tư công, nhất là những công trình trọng điểm quốc gia, cũng như
những công trình trọng điểm ở địa phương để bảo đảm hoàn thành được mục
tiêu đã đề ra.
Nhiều ý kiến nhất trí với dự toán thu Ngân sách nhà nước năm 2025 như
phương án Chính phủ trình. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc, tính toán dự
toán thu cân đối xuất nhập khẩu, thu từ dầu thô ở mức cao hơn. Một số ý
kiến đề nghị cho phép các địa phương được phép sử dụng nguồn cải cách
tiền lương còn dư để thực hiện đầu tư.
Có ý kiến đề nghị cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc
quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án, kiên quyết
loại bỏ những dự án không cần thiết, dàn trải, kém hiệu quả và phải tập
trung tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất
lượng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại
Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Nghị quyết về phân bổ
ngân sách Trung ương 2025 đã quy định theo hướng phân bổ vốn đầu tư ngân
sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ
điều kiện, thứ tự ưu tiên quy định trong Luật Đầu tư công, Nghị quyết
của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ưu tiên thanh
toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật; thu hồi
toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công
trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn
thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2025, vốn đối ứng các dự án ODA
và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các
dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, các dự án
chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2025; bố trí vốn theo tiến độ cho
các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý
nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại bố trí
cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư. Siết chặt kỷ cương, kỷ
luật tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm
tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu
trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành
nhiệm vụ được giao./.