Tiếp tục kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, chiều 11/6, Quốc hội làm việc ở Hội
trường thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm
2014.
Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội do Chủ
nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
đề nghị Quốc hội giám sát hai chuyên đề tại hai kỳ họp; Ủy ban Thường vụ Quốc
hội giám sát hai chuyên đề tại phiên họp; Hội đồng dân tộc giám sát 1-3 chuyên
đề, các Ủy ban giám sát từ 1-2 chuyên đề, báo cáo kết quả với Ủy ban Thường vụ
Quốc hội và gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội.
Việc lựa chọn nội dung đưa vào chương trình giám sát dựa trên các tiêu chí cơ
bản: những vấn đề bức xúc nổi lên, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân
quan tâm; không trùng các chuyên đề trong chương trình giám sát của Quốc
hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian gần đây; đảm bảo cân đối, phù hợp
giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các
cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến giao chủ trì giám sát.
Tính đến ngày 1/4 vừa qua, Văn phòng Quốc hội đã nhận được 207 nội dung kiến
nghị từ 76 cơ quan cần xin ý kiến. Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu
chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 3 nội dung để tiến hành
giám sát tại hai kỳ họp trong năm 2014 là: Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính
sách, pháp luật trong quy hoạch, quản lý đầu tư, xây dựng và vận hành các công
trình thủy điện (Giao Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường chủ trì
thực hiện). Chuyên đề 2: Việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế
trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng (Giao
Ủy ban kinh tế chủ trì thực hiện). Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách,
pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012 (Giao Ủy ban về các vấn đề
xã hội chủ trì thực hiện).
Đa số các đại biểu tán thành với nội dung Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014 và cho rằng Tờ trình đã
được chuẩn bị kỹ lưỡng, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Các đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Bình Phước), Danh Út (Kiên Giang), Lê Trọng
Sang (Thành phố Hồ Chí Minh), Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) đều tán thành với việc
Quốc hội sẽ tiến hành giám sát hai chuyên đề “Việc thực hiện Đề án tổng thể tái
cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống
ngân hàng” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn
2005-2012" tại kỳ họp thứ 7 (dự kiến vào tháng 5-6/2014) và kỳ họp thứ 8 (dự
kiến vào tháng 10-11/2014).
Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Bình Phước), "Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh
tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng" là
vấn đề lớn, bức xúc được nhiều cử tri cả nước quan tâm. Việc giám sát sẽ thúc
đẩy tiến trình thực hiện Đề án mà dư luận đang đánh giá là chậm chạp, có nhiều
bất cập. Thứ hai, việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo là một
trong những trọng tâm của chính sách an sinh xã hội. Trong quá trình thực hiện
đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ song cũng đặt ra nhiều vấn đề Quốc hội
cần phải xem xét như vấn đề về giảm nghèo; hỗ trợ vốn, đất đai, việc làm cho
người nghèo... Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, cần được kiểm tra,
đánh giá để rút kinh nghiệm trong thời gian tới.
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề nghị không vì số lượng mà cần nâng chất
lượng giám sát để việc triển khai kết quả các cuộc giám sát trong Quốc hội, các
cơ quan của Quốc hội chính xác, thực sự đi vào cuộc sống.
Trong ba chuyên đề trên, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) nhất trí chuyên
đề “Việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư
công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng” sẽ được đưa vào chuyên đề
giám sát năm 2014; đồng thời kiến nghị Quốc hội giám sát đối với một trong các
chuyên đề: về việc thực hiện chính sách pháp luật trong bảo vệ, giữ gìn nền văn
hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc hoặc tình hình thực hiện Luật thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí trong thực hiện Ngân sách Nhà nước.
Các chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng là nội dung được nhiều
đại biểu quan tâm. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc
hội giám sát các chuyên đề: về thực hiện chính sách pháp luật trong quy hoạch,
quản lý đầu tư các công trình thủy điện; việc đối phó với vấn đề biến đổi khí
hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình giám
sát những tháng cuối năm 2013 về thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện,
quận, phường vì cuối năm 2008, Quốc hội đã có Nghị quyết về việc thực hiện thí
điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường tại 10 tỉnh, thành phố.
Việc triển khai đến nay đã được hơn 4 năm mà chưa có cuộc giám sát nào.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập
trung giám sát thực hiện pháp luật về xử lý nợ xấu và hàng tồn kho. Theo đại
biểu, việc giám sát này sẽ hỗ trợ Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về “Việc
thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công,
doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng,” giúp hoạt động giám sát của Quốc
hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có định hướng thống
nhất, tập trung; đồng thời giúp Chính phủ, các bộ, ngành khắc phục khó khăn
trong giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc
hội xem xét, quyết định chuyên đề giám sát thực hiện pháp luật về thủ tục hành
chính, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Các đại biểu cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, hoàn chỉnh Nghị
quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014 để Quốc hội cho ý
kiến vào cuối kỳ họp thứ 5; chỉ đạo về tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao
chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát; kiện toàn bộ máy tham mưu, giúp việc và
các điều kiện đảm bảo, nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ để hoạt động
giám sát được tiến hành một cách thuận lợi, đạt chất lượng, hiệu quả cao.../.
Phúc Hằng (TTXVN)