Ngày 12/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành Quy
định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch
COVID-19".
Theo nội dung Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", Tổ chức Y tế Thế giới,
các nhà khoa học và các quốc gia nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm
soát được hoàn toàn trước năm 2023; có thể xuất hiện các chủng virus mới
nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường.
Tuy nhiên, việc bao phủ vaccine, có thuốc điều trị giúp giảm số ca
nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc. Do vậy, đã có nhiều quốc gia thay đổi
chiến lược ứng phó dịch bệnh, từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống
chung an toàn với dịch bệnh.
Đối với Việt Nam, một số kinh nghiệm đã bước đầu được đúc kết từ thực
tiễn phòng, chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước
được nâng lên; diện bao phủ vaccine, nhất là đối với nhóm người có nguy
cơ cao, các đô thị lớn tăng nhanh giúp chúng ta chủ động hơn trong
phòng, chống dịch.
Từ thực tiễn tình hình, ý kiến phân tích của các nhà khoa học, chuyên
gia, ý kiến của các địa phương và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống
dịch COVID-19,
Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ
trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi
phục, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã
hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (sau đây gọi là Quy định).
BẢO VỆ TỐI ĐA SỨC KHỎE VÀ TÍNH MẠNG NGƯỜI DÂN, KẾT HỢP PHẤN ĐẤU ĐƯA ĐẤT NƯỚC CHUYỂN SANG BÌNH THƯỜNG MỚI TRONG NĂM 2021
Quy định nhằm mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người
dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong
do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh,
trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang
trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.
Trong khi tỷ lệ bao phủ vaccine đang được đẩy nhanh nhưng chưa đạt độ
bao phủ toàn dân và các loại thuốc điều trị COVID-19 đang được phát
triển, đưa vào sử dụng nhưng chưa có thuốc đặc trị; nhằm đảm bảo sự
thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành; đồng
thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát
tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát
triển kinh tế-xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại
tình trạng bình thường mới, không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban
hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu
cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.
Quy định nhằm bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng
người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải
dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất
nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp
cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây
ách tắc cho lưu thông, sản xuất.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; huy động cả hệ thống chính
trị; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm
người đứng đầu trong phòng, chống dịch, thực hiện mục tiêu kép; bảo đảm
sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc, đồng thời phát huy tính
chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở.
Trong phòng, chống dịch phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài; y tế
là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng quân đội, công an... nhưng
phải huy động sự tham gia của tất cả các lực lượng, tầng lớp trong xã
hội. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ
thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an
toàn.
Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch
COVID-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt, đảm bảo
hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính,
kinh tế-xã hội. Các giải pháp y tế phải đồng bộ giữa cách ly với xét
nghiệm, điều trị, vaccine, theo phương châm “cách ly, xét nghiệm là then
chốt, vaccine thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết."
QUY ĐỊNH HƯỚNG DẪN CỤ THỂ VỀ PHÂN LOẠI ĐÁNH GIÁ, XÁC ĐỊNH CẤP ĐỘ DỊCH
Theo đó, phân loại cấp độ dịch theo 4 cấp: Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình
thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng
với màu vàng; cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4: Nguy cơ
rất cao tương ứng với màu đỏ.
Phạm vi đánh giá cấp độ dịch: Đánh giá từ quy mô cấp xã. Khuyến khích
đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo
linh hoạt, hiệu quả.
Tiêu chí đánh giá cấp độ dịch dựa trên: Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng
đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ
cao, tỷ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỷ lệ tiêm đủ liều); khả năng thu dung,
điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị
hiện có và kế hoạch bổ sung).
Về xác định cấp độ dịch, Bộ Y tế hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch. Căn cứ vào Hướng dẫn của Bộ Y tế về đánh giá và xác định cấp độ dịch và tình hình dịch trên địa bàn.
Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định
chuyển đổi cấp độ dịch. Trong trường hợp nâng cấp độ dịch thì phải thông
báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết,
có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.
Về biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch, các biện pháp y tế bao gồm
cách ly y tế, xét nghiệm, thu dung, điều trị, tiêm chủng thực hiện theo
hướng dẫn của Bộ Y tế ở tất cả các cấp độ (đối với tổ chức, cơ quan,
doanh nghiệp; cá nhân).
PHONG TỎA Ở PHẠM VI HẸP NHẤT CÓ THỂ; TẠM THỜI KHÔNG ÁP DỤNG CÁC CHỈ THỊ 15, 16 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Quy định này được áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Căn cứ vào các
hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành
phố quyết định các biện pháp hành chính phù hợp bao gồm các quy định,
hướng dẫn cụ thể về công suất, số lượng người tham gia các hoạt động sản
xuất, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, văn nghệ, sự kiện tập trung đông
người... và có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng
không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng
hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân.
Trường hợp các quy định, hướng dẫn của Trung ương không phù hợp,
không khả thi thì kịp thời báo cáo cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn.
Cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn phải có chỉ đạo ngay để tháo gỡ
vướng mắc đồng thời nghiên cứu sửa đổi quy định, hướng dẫn.
Sinh
viên ngành sức khỏe Trường Đại học Nguyễn Tất Thành ở Thành phố Hồ Chí Minh tham gia
tình nguyện, thực hiện ghi dữ liệu mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định cách ly y tế vùng (phong
tỏa ổ dịch) nhanh nhất, ở phạm vi hẹp nhất có thể và triển khai các hoạt
động đảm bảo an sinh xã hội, tiếp cận dịch vụ y tế để người dân yên tâm
tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.
Tạm thời không áp dụng các quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết
86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ và các Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày
27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020
của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ
tướng Chính phủ, Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ
đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch
trên quy mô toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn các biện
pháp tại Quy định này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Y
tế, Thủ tướng Chính phủ./.
TTXVN