Theo Quyết định 240/QĐ-TTg, sẽ quy hoạch ít nhất 1 tổ chức hành nghề công chứng trên một địa bàn cấp huyện.
Tiêu chí Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020 (Tiêu chí Quy hoạch) vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Theo Tiêu chí Quy hoạch, sẽ lấy đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) làm đơn vị quy hoạch các tổ chức hành nghề công chứng.
Trong đó, việc xác định số lượng các tổ chức hành nghề công chứng quy hoạch trên một địa bàn cấp huyện từ nay đến năm 2020 phải căn cứ vào nguyên tắc sau:
- Quy hoạch ít nhất 1 tổ chức hành nghề công chứng trên một địa bàn cấp huyện;
- Quy hoạch tối đa không quá 2 tổ chức hành nghề công chứng đối với những địa bàn cấp huyện có nhu cầu công chứng trung bình (dưới 6.000 hợp đồng, giao dịch/năm);
- Quy hoạch tối đa không quá 4 tổ chức hành nghề công chứng đối với những địa bàn cấp huyện có nhu cầu công chứng cao (từ 6.000 đến dưới 12.000 hợp đồng, giao dịch/năm);
- Quy hoạch tối đa không quá 5 tổ chức hành nghề công chứng đối với những địa bàn cấp huyện có nhu cầu công chứng rất cao (trên 12.000 hợp đồng, giao dịch/năm).
Thủ tướng Chính phủ lưu ý việc quy hoạch các tổ chức hành nghề công chứng cần bảo đảm tính phát triển bền vững, hiệu quả và bình đẳng, tránh xu hướng phát triển lệch lạc, cạnh tranh không lành mạnh.
Trong những trường hợp đặc biệt cần phát triển thêm tổ chức hành nghề công chứng so với mức tối đa đã quy định, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần giải trình rõ về căn cứ trong đề xuất Quy hoạch gửi về Bộ Tư pháp để Bộ này xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong Quy hoạch tổng thể.
Lộ trình phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 2011 - 2015 và Giai đoạn 2016 - 2020, bảo đảm sự phát triển phù hợp trong từng năm, từng giai đoạn, không quy hoạch phát triển quá 2 tổ chức hành nghề công chứng trên một đơn vị quy hoạch trong một năm./.
(Theo: chinhphu.vn)