Thủ tướng Chính phủ vừa ký phê duyệt “Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020” nhằm bảo đảm yêu cầu nhân lực thực hiện thành công đường lối công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nhanh những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế so sánh với quốc tế.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một bản quy hoạch về phát triển nguồn nhân lực đầy đủ và toàn diện nhất kể từ năm 1975 đến nay.
Quy hoạch cũng đưa ra dự báo sơ bộ tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển nhân lực (bao gồm cả giáo dục-đào tạo, dạy nghề, y tế-chăm sóc sức khỏe và các chi phí khác dành cho phát triển nhân lực) cả giai đoạn 2011-2020 ước tính khoảng 2.135 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, tổng vốn đầu tư trực tiếp cho giáo dục-đào tạo và dạy nghề dự kiến khoảng 1.225-1.300 nghìn tỷ đồng.
Mục tiêu của Quy hoạch là tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong nền kinh tế dưới các hình thức, trình độ khác nhau từ mức 40% năm 2010 lên mức 70% năm 2020, trong đó tỷ lệ nhân lực qua đào tạo ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng tương ứng từ 15,5 lên 50%; ngành công nghiệp từ 78 lên 92%, ngành xây dựng từ 41 lên 56%; ngành dịch vụ tăng từ 67 lên 88%. Đồng thời, phát triển đồng bộ đội ngũ nhân lực với chất lượng ngày càng cao, đủ mạnh ở mọi lĩnh vực, tập trung ưu tiên những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Xây dựng được đội ngũ giáo viên có chất lượng cao để đào tạo nhân lực có trình độ cho đất nước.
Việt Nam đã bước vào thập kỷ thứ 3 của công cuộc Đổi mới với nhiều thành tựu khả quan. Tuy nhiên, trong khi các quy hoạch khác như: Vốn, đất, các ngành công nghiệp, dịch vụ, giao thông, nông nghiệp, khoáng sản... đều đã được hoạch định từ cấp địa phương lên đến Trung ương, thì quy hoạch nguồn nhân lực vẫn là bài toán để ngỏ. Với cách làm chắp vá trước đây, thiếu tính chuyên nghiệp và bền vững, hệ quả là tình trạng nơi thừa nơi thiếu nhân lực kéo dài, dẫn đến sự lãng phí không nhỏ và đặc biệt gây nên trạng thái tâm lý bất an đối với người lao động. Đây là một khiếm khuyết gây ảnh hưởng rất lớn tới quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Trong mọi công cuộc phát triển, con người luôn là yếu tố “lõi”, khẳng định chất lượng của sự phát triển xã hội. Từ việc thiếu một chiến lược về quy hoạch nguồn nhân lực, dẫn tới việc quy mô cũng như hình thức đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của thị trường nhân lực. Từ đó dẫn tới tình trạng chúng ta khai thác thiếu hiệu quả nguồn nhân lực khổng lồ trong giai đoạn dân số “vàng” của Việt Nam.
Với bản quy hoạch phát triển nhân lực lần đầu tiên này, chúng ta có một bức tranh tổng thể về đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội cả nước nói chung và từng ngành, từng địa phương nói riêng. Từ đó, ngành giáo dục đào tạo, dạy nghề và các ban ngành phối hợp làm cho đào tạo nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước của chúng ta. Đây là căn cứ có tính chiến lược, quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, gắn bó cung và cầu trong đào tạo nhân lực.
Bản quy hoạch phát triển nhân lực vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ trở thành nền tảng quan trọng để triển khai đồng bộ, để phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá làm cho nhân lực gắn với khoa học công nghệ; là một giải pháp then chốt thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội giai đoạn tới.
(Sĩ Bình/QĐND)