Thứ Sáu, 6/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 20/8/2018 7:57'(GMT+7)

Quy tụ tài năng vì Việt Nam thịnh vượng

Đó là thông điệp được nhấn mạnh và lan tỏa tại Lễ công bố chương trình “Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018”, diễn ra chiều 19-8, tại Hà Nội, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Cùng dự buổi lễ có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương... Lễ công bố này là một trong những hoạt động quan trọng của Chương trình "Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức.

SỰ KHỞI ĐẦU TỪ 100 TRÍ THỨC TIÊU BIỂU

Chính phủ Việt Nam coi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0)-cốt lõi là trí tuệ nhân tạo, là cơ hội lớn, là con đường ngắn nhất đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng. Việt Nam cần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện thành công cuộc CMCN 4.0. Nhấn mạnh rõ quan điểm này, mở đầu buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, khoa học-công nghệ sẽ là chìa khóa để các nước bước vào kỷ nguyên phát triển nhanh và bền vững, quốc gia nào chậm chân sẽ không thể thành công. Chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn muốn tận dụng mọi cơ hội của quá trình phát triển. Hiện có hàng triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, trong đó có hàng trăm nghìn trí thức, chuyên gia, với những thành tựu, công trình nghiên cứu mang tầm cỡ quốc tế trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ mới. Chính vì vậy, việc tập hợp, quy tụ người Việt tài năng trong các lĩnh vực khoa học công nghệ để phục vụ, đóng góp cho đất nước luôn được Đảng, Nhà nước coi trọng nhằm thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong tương lai.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sáng kiến tổ chức Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm quy tụ và huy động tối đa nguồn lực chất xám, đặc biệt là từ các chuyên gia người Việt được đào tạo bài bản và đang làm việc tại các quốc gia có nền tảng khoa học-công nghệ phát triển. Nòng cốt tham gia chương trình lần này là 100 người Việt trẻ tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học-công nghệ ở nước ngoài được mời tham dự. Đây là những cá nhân có những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu và lao động; được trực tiếp ghi nhận bởi cơ sở đào tạo, các tổ chức quốc tế có uy tín, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước. “100 chuyên gia trẻ được lựa chọn tham gia chương trình đầu tiên là sự khởi đầu. Bước tiếp theo là mở rộng mạng lưới, kết nối với trí thức đỉnh cao toàn cầu và các trí thức Việt. Các nhà khoa học, trí thức trẻ có thể đến từ nhiều nơi khác nhau, có học hàm, học vị khác nhau nhưng cùng là người con đất Việt, đều có khát khao xây dựng đất nước. Đất nước luôn mong chờ và đặt niềm tin vào các tài năng trẻ”-Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

CẦN CÓ NHỮNG ĐƠN ĐẶT HÀNG CỤ THỂ

Tại lễ công bố, câu hỏi làm thế nào để kết nối được mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam được lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các trí thức tiêu biểu của Việt Nam nhắc lại nhiều lần. Đa số các ý kiến đều nhấn mạnh, Chính phủ hay cộng đồng doanh nghiệp cần đưa ra những đơn đặt hàng cụ thể, sát với nhu cầu của thực tế. Khi đó, cộng đồng trí thức trên toàn thế giới sẽ tự động kết nối khi cùng phải giải một bài toán chung. “Muốn kết nối được mạng lưới trí thức thì yếu tố đầu tiên phải xuất phát từ nhu cầu. Cạnh tranh trên thương trường hiện nay không dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà là cạnh tranh quốc gia. Sự khác biệt vượt trội xuất phát từ sự sáng tạo đột phá của nguồn nhân lực. Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) luôn đi tìm những nhân tố sáng tạo đó trên khắp thế giới. Sự tìm kiếm chính là sự kết nối. Do đó, để kết nối thành công, yếu tố quan trọng là doanh nghiệp có nhu cầu về sản phẩm, công nghệ hay không”-Phó tổng giám đốc Viettel Hoàng Sơn nêu rõ.

Đánh giá cao ý tưởng kết nối mạng lưới trí thức để phục vụ cho phát triển đất nước, ông Võ Quang Huệ, người đã rời bỏ chức vụ Tổng giám đốc (CEO) Bosch Việt Nam để đầu quân cho Tập đoàn Vingroup với tư cách là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup phụ trách ngành ô tô, đặt câu hỏi: Vấn đề quan trọng là hiện thực hóa nguồn tri thức quý giá này như thế nào? Chính phủ phải có kế hoạch xây dựng hệ sinh thái phát triển khoa học- công nghệ một cách bài bản, cụ thể và đi tới tận cùng vấn đề.

“Nếu không có quy trình kết nối, tạo ra hệ sinh thái phát triển khoa học-công nghệ rõ ràng thì mãi mãi chúng ta mới dừng lại ở ý tưởng”-Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cùng góp ý.

Gợi ý giải pháp cụ thể cho chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo của Việt Nam, thay mặt cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam đang làm việc tại Mỹ, TS Bùi Hải Hưng-nhà nghiên cứu khoa học cao cấp Google Deepmind đang hoạt động trong ngành AI (trí tuệ nhân tạo) cho biết, thế giới thu hút được rất nhiều tài năng của Việt Nam, và nguồn nhân lực này có nhiều công trình nghiên cứu mang tính ảnh hưởng toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa có tên tuổi trên bản đồ AI của thế giới. Theo TS Bùi Hải Hưng: “Việt Nam cần tập trung vào xây dựng trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu của Việt Nam. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng quy trình đào tạo AI tại Việt Nam nên chú trọng đầu tư cơ sở điện toán đám mây".

Còn PGS, TS Hồ Anh Văn, Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu về robot mềm-Viện Khoa học và Kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản, đưa ra công thức thành công của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ dựa trên ba yếu tố, đó là nhiệt huyết của lớp trí thức nước ngoài và sự đón nhận, hợp tác của trí thức trong nước thông qua cầu nối quan trọng là những chính sách cụ thể của Chính phủ. “Chính phủ cần tạo ra môi trường khoa học và công nghệ minh bạch, đầu tư và cạnh tranh minh bạch để thúc đẩy hợp tác”-PGS, TS Hồ Anh Văn nhấn mạnh.

TẠO ĐIỀU KIỆN TỐI ĐA CHO CÁC NHÀ KHOA HỌC, TRÍ THỨC TRẺ

Những tài năng của Việt Nam đang có mặt ở khắp các quốc gia trên thế giới. Thực tế cho thấy, dù rất mong muốn được trở về xây dựng quê hương, đất nước, nhưng cơ hội phát triển sự nghiệp khi trở về Tổ quốc chưa rõ ràng khiến nhiều nguồn lực chất xám quý báu của người Việt Nam chưa được tận dụng. Chia sẻ với tâm tư của nhiều tài năng Việt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học, trí thức trẻ được sống và làm việc thoải mái tại quê hương. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chia sẻ cơ hội, hợp tác với các nhà khoa học để biến các cơ hội thành hiện thực. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao việc quay trở về của nhiều nhà khoa học, nhất là trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang bùng nổ và trở thành cơ hội lớn ngàn năm có một đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, trong đó xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo và huy động nhân tài, trí thức trong lĩnh vực khoa học-công nghệ làm nòng cốt với sáng kiến mạng lưới đổi mới sáng tạo.

Khẳng định không phải công nghệ mà chính là con người với tư duy sáng tạo sẽ quyết định sự thành bại của một quốc gia trong cuộc đua phát triển để mang lại sự thịnh vượng cho người dân và đất nước, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh chia sẻ, Việt Nam cần dựa vào nhân tố con người như một lợi thế cạnh tranh quốc gia để thúc đẩy sự phát triển. “Nhìn vào nguồn vốn con người trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, Việt Nam có một nguồn lực vô cùng quý báu và đầy tiềm năng, đó là các nhà khoa học, chuyên gia người Việt đang làm việc tại nước ngoài. Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ có rất nhiều đơn đặt hàng dành cho các trí thức tiêu biểu"-Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định.

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất