Thực tế
những năm qua cho thấy, Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các
quyền cơ bản của con người. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn,
gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người và là
thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm các vấn đề
về nhân quyền. Các thành tựu về nhân quyền được thể hiện trong tất cả
các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, y tế, văn hóa...
Chỉ
số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng đều qua các năm: từ
0,682 năm 2016 lên 0,706 năm 2020. Trong các thành tựu về quyền về con
người của Việt Nam, quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân
luôn được ưu tiên hàng đầu bởi mỗi cá nhân khi được chăm sóc tốt về sức
khỏe thì mới có thể thụ hưởng và thực hiện được các quyền cơ bản khác.
Mặt khác, việc thực hiện quyền chăm sóc sức khỏe cũng gắn liền với các
quyền con người khác như: quyền sống, quyền có lương thực, thực phẩm,
quyền về nhà ở, việc làm, giáo dục, quyền được bảo vệ đời tư, tiếp cận
thông tin, bình đẳng, không phân biệt đối xử...
Các quốc gia đều
có nghĩa vụ bảo đảm người dân phải được chăm sóc sức khỏe trong những
điều kiện cơ bản của quốc gia đó. Nghĩa vụ quốc gia trong việc bảo đảm
quyền được chăm sóc sức khỏe đã được cộng đồng quốc tế khẳng định trong
một số văn bản pháp lý quan trọng. Điều 12 ICESCR (Công ước quốc tế về
các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa) quy định: mọi người dân có quyền
được thụ hưởng những cơ sở vật chất, hàng hóa, dịch vụ và điều kiện cần
thiết để đạt được tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất có thể.
Tại Việt
Nam, quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân được ghi nhận
trong các Công ước quốc tế mà Chính phủ ký kết và tham gia; đồng thời,
được ghi nhận trong Hiến pháp và nhiều đạo luật như: Luật Bảo vệ sức
khỏe nhân dân năm 1989, Luật Khám chữa bệnh năm 2009, Luật Bảo hiểm y tế
sửa đổi bổ sung năm 2014, Luật Dược năm 2016... Đây là những cơ sở pháp
lý quan trọng để bảo đảm việc thực hiện quyền chăm sóc sức khỏe của
toàn dân. Thực tế, với một hệ thống các văn bản pháp luật hỗ trợ, quyền
được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đã được thực hiện thông
qua nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Cụ thể như: đầu tư nguồn lực
cho y tế gồm nhân lực (đội ngũ bác sĩ, cán bộ y tế) và vật lực (trang
thiết bị y tế, các bệnh viện, trạm y tế...) luôn được Chính phủ quan
tâm; dịch vụ công về y tế cũng có nhiều cải tiến, phần lớn người dân cảm
thấy hài lòng; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hơn 90% số dân; trẻ em dưới 6
tuổi không phải đóng các khoản phí tham gia bảo hiểm y tế và được làm
thẻ bảo hiểm y tế miễn phí... Những chính sách của Đảng và Nhà nước cho
thấy, quyền và lợi ích của người dân luôn được ưu tiên, người dân được
bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm
sóc sức khỏe.
Đặc biệt, trong hơn hai năm xảy ra đại dịch
COVID-19, quyền được chăm sóc về sức khỏe của người dân càng được thể
hiện rõ nét. Ngay từ khi có thông tin chính thức về đại dịch toàn cầu
này, mọi quyết sách và các biện pháp y tế của Việt Nam đều nhất quán
theo quan điểm tính mạng người dân là quan trọng, cả hệ thống chính trị
phải ưu tiên bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân. Mọi người dân
đều được tiếp cận với các thông tin cũng như cơ sở, dịch vụ y tế, được
tiêm vaccine miễn phí theo đúng lộ trình và được điều trị miễn phí.
Đây
là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của Việt Nam trong bối cảnh bệnh nhân
mắc COVID-19 ở nhiều quốc gia trên thế giới phải tự chi trả mọi chi phí.
Trước làn sóng biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron trên thế giới và bắt
đầu xâm nhập vào Việt Nam, hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương
đang tích cực triển khai tiêm vaccine COVID-19, liều nhắc lại lần 2 (mũi
4) từ tháng 6/2022 để bảo đảm an toàn sức khỏe cho cả cộng đồng.
Những
ứng phó với đại dịch COVID-19 của Chính phủ Việt Nam nhân văn, ưu việt,
hoàn toàn phù hợp nghĩa vụ thực hiện quyền được bảo vệ và chăm sóc sức
khỏe của người dân trong tình huống khẩn cấp y tế dựa theo yêu cầu cơ
bản của quyền này dựa trên các yếu tố: tính sẵn có của cơ sở, hàng hóa,
dịch vụ y tế; khả năng tiếp cận với cơ sở, hàng hóa, dịch vụ, thông tin y
tế với chi phí hợp lý và không có sự phân biệt đối xử với bất kỳ nhóm
đối tượng nào; phù hợp về mặt y học và với điều kiện đặc thù về kinh tế,
xã hội, văn hóa của từng quốc gia và bảo đảm nền y tế có chất lượng.
Nỗ
lực nâng cao sức khỏe người dân không chỉ được thể hiện ở các con số mà
còn thể hiện ở niềm tin của người dân vào Đảng, vào chính quyền, vào hệ
thống y tế; cũng như sẵn sàng sát cánh cùng hệ thống chính trị trong
các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Đảng
và Nhà nước ta luôn thấu hiểu rằng, bên cạnh việc giữ vững, phát huy
những thành tựu đã đạt được còn rất nhiều việc phải làm để bảo đảm quyền
được chăm sóc sức khỏe của người dân được thực hiện toàn diện, triệt để
hơn. Chẳng hạn như cần nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ những khó
khăn, bất cập trong thể chế, chính sách, tạo cơ sở pháp lý quan trọng
cho việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe và các quyền liên quan.
Ngoài ra cần chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về quyền được
chăm sóc sức khỏe, từ đó, có những đề xuất, kiến nghị phù hợp khả năng
đáp ứng về y tế.
Đối với ngành y tế, cần thiết phải đưa ra nhiều
giải pháp đồng bộ, tiến tới nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, chăm sóc
sức khỏe cho người dân. Đặc biệt là các giải pháp về phát triển y tế cơ
sở và y tế dự phòng; nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y
tế; ứng dụng khoa học y học, phát triển các ngành khoa học phục vụ bảo
vệ, chăm sóc sức khỏe con người; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ
thuật, công nghệ thông tin, công nghệ số trong khám, chữa bệnh; xây dựng
một số trung tâm y tế chuyên sâu, các cơ sở khám, chữa bệnh tầm cỡ khu
vực và quốc tế; phát triển mô hình bác sĩ gia đình...
Dư luận
tiến bộ trên thế giới đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong
các nỗ lực về bảo đảm nhân quyền, trong đó có quyền được chăm sóc sức
khỏe của người dân. Tuy nhiên, vì những mục đích cá nhân đen tối, một số
đối tượng cực đoan, phản động thiếu thiện chí vẫn không ngừng ra sức
xuyên tạc, phủ nhận những thành quả về nhân quyền, chống phá Đảng, Nhà
nước bằng nhiều thủ đoạn khác nhau.
Vụ án nâng giá kit xét
nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á gần đây là
một vụ án nghiêm trọng và có liên quan đến nhiều cán bộ y tế. Lợi dụng
sự việc này, trên các trang mạng xã hội, thế lực thù địch, phản động
không ngừng tuyên truyền các luận điệu sai trái nhằm bôi nhọ, hạ uy tín
của Đảng, Nhà nước, cho rằng đứng sau đó có “nhóm lợi ích”, là “đấu đá
nội bộ” và đưa ra những suy diễn vô căn cứ về “trùm cuối” khiến dư luận
hết sức bức xúc. Cần khẳng định đây là vụ việc rất đau xót, nhưng cũng
cho thấy Đảng và Nhà nước ta không khoan nhượng với cái xấu, cái tiêu
cực.
Các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt,
với tinh thần không có “vùng cấm”. Chỉ trong vài tháng qua, đã có hàng
chục cán bộ trong ngành y tế bị khởi tố liên quan vụ án này, trong đó,
có cả những cán bộ cấp cao. Việc xử lý các cá nhân sai phạm liên quan
đến vụ án Việt Á cho thấy sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước với các hành
vi sai phạm liên quan đến tham nhũng, đồng thời tiếp tục khẳng định chủ
trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là bảo đảm tốt nhất quyền được
chăm sóc sức khỏe của người dân. Bởi y tế là lĩnh vực liên quan trực
tiếp, mật thiết đến sức khỏe, tính mạng người dân; đội ngũ những người
làm y tế phải thật sự trong sạch, liêm chính thì người dân mới được chăm
sóc, điều trị trong điều kiện tốt nhất. Các trang thiết bị y tế là để
phục vụ việc khám, điều trị bệnh cho nên cần được bảo đảm cao nhất về
chất lượng, hiệu quả.
Sự việc nêu trên khiến nhiều người nhớ lại
thời điểm chống dịch COVID-19 căng thẳng, những đối tượng phản động
không ngừng xuyên tạc các chính sách y tế nhằm bảo đảm quyền sống, quyền
được chăm sóc sức khỏe của người dân mà Chính phủ áp dụng để đẩy lùi
dịch COVID-19. Chúng đưa ra luận điệu cho rằng Việt Nam vi phạm các
quyền tự do đi lại, quyền tự do hội họp, các quyền riêng tư khác khi yêu
cầu cách ly, cung cấp thông tin cá nhân, giãn cách xã hội...
Chúng
cố tình bỏ qua các quy định pháp luật rất rõ ràng về thực hiện quyền
con người trong những điều kiện y tế khẩn cấp. Cụ thể, khoản 2 Điều 14
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân
chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết
vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức
xã hội, sức khỏe cộng đồng”. Theo đó, việc bảo đảm quyền con người còn
đòi hỏi mỗi cá nhân phải tôn trọng quyền của người khác, đồng thời, bảo
đảm quyền con người cũng phải gắn liền với việc thực hiện trách nhiệm
của công dân với đất nước và trách nhiệm của con người với cộng đồng xã
hội.
Những năm qua, Việt Nam luôn cho thấy sự tôn trọng, bảo vệ,
và thúc đẩy quyền con người trong những tình huống khẩn cấp cũng như
trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Sự lựa chọn ưu tiên thực hiện
“quyền được chăm sóc sức khỏe” của Đảng, Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn,
phù hợp điều kiện và bối cảnh thực tế, thực hiện mục tiêu bảo đảm tốt
nhất an toàn tính mạng và sức khỏe của mọi người dân./.
Minh Anh (nhandan.vn)