Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel có thể cản trở Washington dẫn dắt một hiệp định hòa bình giữa Israel-Palestine.
Đây là nhận định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong bài phát biểu trên kênh truyền hình CNN của Mỹ ngày 10/12.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres
nói ông hài lòng về việc cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump là Jared
Kushner đã có cuộc gặp với hai bên Palestine và Israel để bàn thảo một
kế hoạch hòa bình mới sau nhiều năm tiến trình hòa bình Trung Đông bị
đình trệ.
Theo Tổng Thư ký Guterres, "đã có hy vọng điều này có thể dẫn tới chấm
dứt cuộc xung đột giữa Israel và Palestine", tuy nhiên, ông cho rằng
"quyết định ông Trump đưa ra hôm 6/12 vừa qua có thể gây tổn hại nỗ lực
này".
Cùng ngày, theo Press TV, trong buổi tiếp Ngoại trưởng Anh Boris Johnson
đang có chuyến thăm Iran, Tổng thống nước chủ nhà Hassan Rouhani cho
rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một quyết định "không đúng"
khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Tổng thống Iran nhấn mạnh: "Khu vực này đang trong tình trạng không được
đổ thêm dầu vào lửa, và quyết định gần đây của Tổng thống Mỹ về việc
chuyển Đại sứ quán của nước này tới Jerusalem là một quyết định không
đúng và là động thái đổ thêm dầu vào lửa ở khu vực này".
Trong khi đó, Thái tử Abu Dhabi Sheikh Mohammed bin Zayed AL Nahayan của
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cảnh báo quyết định của Tổng
thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel có thể
mang lại "phao cứu sinh" cho các nhóm vũ trang và khủng bố sau những
thất bại mà các nhóm này đã hứng chịu trong năm nay. Thái tử UAE bày tỏ
mong muốn Washington sẽ cân nhắc lại quyết định của mình.
Theo hãng tin WAM của UAE, phát biểu tại một cuộc gặp hôm 9/12 với phái
đoàn của Viện Chính sách Cận Đông Washington (Mỹ), ông Sheikh Mohammed
cho rằng quyết định đơn phương của Tổng thống Trump vi phạm các nghị
quyết của Liên hợp quốc. Ông kêu gọi Washington xem xét lại động thái
này trên cơ sở trung lập và hiệu quả nhằm đưa ra các nguyên tắc đúng đắn
vì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Quy chế đối với Jerusalem, nơi đặt các điểm tôn giáo linh thiêng đối với
cả người Hồi giáo, Do Thái giáo và Cơ đốc giáo, là vấn đề hết sức nhạy
cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel-Palestine. Israel coi cả
thành phố này là thủ đô không thể chia cắt của mình, trong khi người
Palestine coi Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai.
Năm 1995, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật chuyển Đại sứ quán nước này từ
Tel Aviv về Jerusalem. Động thái này được xem là mang tính tượng trưng
thể hiện sự ủng hộ của Washington với Nhà nước Israel. Luật này có điều
khoản cho phép các tổng thống nhiệm kỳ sau đó được ban hành và cập nhật
các lệnh trì hoãn thực thi luật này sáu tháng một lần. Những người tiền
nhiệm của Tổng thống Trump luôn lựa chọn gia hạn sắc lệnh tiếp tục đặt
Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv để tránh gây thêm căng thẳng ở Trung Đông.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng đặt Đại sứ quán tại Tel Aviv để
Israel và Palestine quyết định quy chế cuối cùng đối với Jerusalem thông
qua các thỏa thuận. Tuy nhiên, bất chấp mọi cảnh báo từ các quốc gia
Arab và các đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU), ngày 6/12, Tổng
thống Trump đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và cho rằng đây
là bước đi cần thiết nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình trong khu vực vốn
đã bị trì hoãn quá lâu./.
(TTXVN)