Chủ Nhật, 6/10/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 11/11/2008 20:41'(GMT+7)

Quyết định tuyệt đối cấm melamine trong sản phẩm thực phẩm

Người tiêu dùng băn khoăn chọn sữa cho con. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Người tiêu dùng băn khoăn chọn sữa cho con. Ảnh: ĐỨC THÀNH

* PV: Vì sao Bộ Y tế không ban hành giới hạn an toàn của melamine trong sữa và sản phẩm sữa?

* Ông CAO MINH QUANG:
Bộ Y tế hiện chưa đưa ra “mức giới hạn an toàn của melamine” trong thực phẩm vì melamine là một chất hóa học được dùng trong công nghiệp và thường được sử dụng trong sản xuất phân bón, chất dẻo, bọt xốp, keo dán... và tuyệt đối không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm. Hiện tại, mức giới hạn an toàn của melamine trong thực phẩm chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) thống nhất đưa ra trên phạm vi toàn thế giới. Melamine từ trước đến nay chưa bao giờ được công nhận là một thành phần được phép có trong thực phẩm.

Hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế 10 nước ASEAN tổ chức vào ngày 8 đến 11-10-2008 tại Manila - Philippines, đã nhất trí rằng: Melamine, dù một lượng rất nhỏ, cũng tuyệt đối bị cấm cố ý cho vào thực phẩm.

* Nhưng theo kết quả của một số nghiên cứu khoa học thì melamine vẫn có mức độ dung nạp an toàn là 0,63mg/kg thể trọng/ngày. Điều này có ý nghĩa gì với ngưỡng an toàn của melamine không, thưa ông?

* Dựa trên một số nghiên cứu được tiến hành trên động vật, Cơ quan Dược phẩm - thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) ước tính mức độ dung nạp an toàn cho cơ thể mỗi ngày của melamine là 0,63mg/kg thể trọng/ngày. Nhưng cần lưu ý là đến nay chưa có nghiên cứu nào về độ an toàn của chất melamine được tiến hành trên người.

Việc công bố chính thức giới hạn an toàn (cho dù ở bất kỳ giới hạn nào) trên người của một chất độc hại không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm là một việc làm không cần thiết của các cơ quan chức năng. Điều này dễ dẫn đến việc hợp pháp hóa cho những hành vi không hợp pháp của một số doanh nghiệp làm ăn không chân chính, sẵn sàng vì lợi nhuận sẽ cho thêm vào các sản phẩm sữa một tỷ lệ nhất định melamine vừa dưới ngưỡng cho phép. Điều này khá nguy hiểm khi khả năng tích lũy của melamine trong cơ thể con người có thể gây ra một tình trạng ngộ độc trường diễn khi uống sữa có nồng độ thấp của melamine (nếu được cho phép) trong thời gian lâu dài.

Trong giai đoạn này nếu như Bộ Y tế Việt Nam ban hành mức giới hạn an toàn của melamine trong thực phẩm nói chung và trong sản phẩm sữa nói riêng thì đồng nghĩa với việc Bộ Y tế tạo điều kiện để người Việt Nam phải uống những loại sữa có chứa chất độc melamine ở hàm lượng thấp (trong trường hợp quy định giới hạn an toàn của melamine được ban hành chính thức) và khả năng bị ngộ độc mãn tính sau một thời gian dài uống sữa có melamine là khả năng không thể loại trừ.

* Tại sao Bộ Y tế cương quyết không ban hành ngưỡng an toàn của melamine trong thực phẩm nói chung và trong sữa nói riêng nhưng lại chấp nhận giới hạn 50ppb trong xét nghiệm?

* Việc chấp nhận “giới hạn 50ppb” (50 part per billion: 50 phần tỷ) trong xét nghiệm là một vấn đề khoa học khác, hoàn toàn không phải là giới hạn an toàn cho phép melamine có trong thực phẩm. 50ppb là giới hạn độ nhạy của thiết bị có thể phát hiện được trong phương pháp kiểm nghiệm melamine. Mức giới hạn này phụ thuộc vào năng lực của thiết bị kiểm nghiệm. Việt Nam quy định mức giới hạn kỹ thuật là 50ppb là hài hòa với các nước trong khu vực và thế giới, đồng thời phù hợp với năng lực kỹ thuật thực tế của các phòng thí nghiệm hiện nay của Việt Nam.

* Một số DN cho rằng họ không cố ý cho melamine vào sản phẩm sữa nhưng sản phẩm của họ vẫn bị thu hồi và tiêu hủy thì dường như việc tuyệt đối cấm melamine trong thực phẩm là một quyết định quá cứng nhắc, duy ý chí và thiếu công bằng. Ông nghĩ sao về điều này?

* Đối với Bộ Y tế, bảo đảm an toàn cho sức khỏe nhân dân luôn được đặt là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong khi xem xét các yếu tố liên quan và ra các quyết định. Bất cứ một giải pháp nào không chứng minh được sự an toàn cho sức khỏe nhân dân đều không được thực hiện cho đến khi có bằng chứng là không có hại đối với sức khỏe con người.

Việc xuất hiện tình trạng một số sữa và sản phẩm sữa có chất melamine trong thời gian vừa qua có thể cho đó là một “tai nạn”, nằm ngoài sự kiểm soát của các nhà sản xuất, kinh doanh và quản lý ở Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới. Khi đưa ra quyết định về xử lý đối với các sản phẩm thực phẩm có chất melamine, Bộ Y tế và các bộ ngành cũng đã tính đến quyền lợi của các DN nên đã đề nghị và được Thủ tướng đồng ý “giao Bộ Tài chính xem xét bổ sung, hỗ trợ kinh phí cho việc xử lý, tiêu hủy sữa và các sản phẩm sữa nhiễm melamine”. Mặt khác, trong quá trình ra quyết định, các bộ ngành đã thảo luận rất cẩn trọng trước khi đưa ra các giải pháp ưu tiên mục tiêu y tế (sức khỏe người tiêu dùng) hơn là mục tiêu kinh tế (quyền lợi của các DN kinh doanh sữa).

Vả lại, lượng sữa và sản phẩm sữa bị thu hồi và phải tiêu hủy trong đợt vừa qua rất nhỏ, chỉ chiếm 1,43% tổng lượng sữa nhập khẩu. 

Trứng gà nhập lậu không có melamine

(SGGP).- Ngày 10-11, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã công bố kết quả kiểm tra chất melamine trong các mẫu trứng gia cầm được thu thập tại các chợ biên giới thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Qua kiểm định, cả 4 loại mẫu trứng gà được lấy ngẫu nhiên tại chợ Kỳ Lừa và trứng nhập lậu qua đường biên giới ở khu vực cửa khẩu Chi Ma đều cho kết quả âm tính với chất melamine.

Trước đó, các mẫu trứng gà được lấy tại một số trang trại nuôi gà công nghiệp lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng được kết luận là không hề có melamine.

Như vậy, đến thời điểm này, trứng gà nhập lậu cũng chưa hề phát hiện có melamine.


Theo Kim Liên (SGGP điện tử) 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất