(TG) – TPHCM cần tăng cường lấy mẫu tầm soát, phát hiện sớm ca bệnh, trong đó trọng điểm là chống dịch bệnh xâm nhập vào khu công nghiệp. TP cần có những giải pháp quyết liệt hơn, mạnh tay hơn để chặn đứng đà lây nhiễm của ổ dịch liên quan hiện nay. Mặc dù chúng ta vẫn ở trong thế chủ động kiểm soát nhưng nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác thì hậu quả sẽ rất khó lường. Đó là những ý kiến được đưa ra tại buổi làm việc của Đoàn Công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID - 19 TPHCM diễn ra sáng 1/6.
Có thể tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thông tin, từ ngày 27/4 đến nay TP xuất hiện 4 chuỗi lây nhiễm COVID - 19, trong đó quan ngại nhất là chuỗi lây nhiễm của nhóm truyền giáo Phục Hưng tại Gò Vấp (phát hiện từ 26/5). Ban đầu nhóm chỉ khai có 22 thành viên, đến chiều hôm qua 31/5 con số này lên đến 55 thành viên. Trong số 55 thành viên này, 40 người đã là F0, tạo thành chuỗi lây nhiễm 200 ca tại 22 quận, huyện. Chuỗi này không chỉ trong phạm vi TP mà đã lan xuống tới Long An, Bạc Liêu. Đối với 3 chuỗi COVID - 19 còn lại có thể nắm chắc và khống chế được.
“TP cho đến giờ phút này vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm rải rác, từ các chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nhiều nguồn lây chưa được phát hiện, ví dự như từ các ổ dịch cũ, từ địa phương khác các nguồn lây nhiễm nhập cảnh từ nước ngoài.” – Đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, việc giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12, đang được triển khai. TP cũng đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn TP, trước mắt tập trung lấy mẫu xét nghiệm các đơn vị bầu cử, tổ bầu cử có quận, huyện thành viên điểm nhóm này đã đi bầu. Trọng điểm thứ 2 lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong sắp tới TP sẽ triển khai gói hỗ trợ thứ 2 trong tình hình dịch bệnh hiện nay để phòng chống dịch cho tốt, mặt khác phải đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng, an sinh xã hội. Đối với vấn đề tiêm vắc - xin phòng COVID - 19, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong kiến nghị, Chính phủ có cơ chế để Bộ Y tế kiểm dịch đầy đủ quyết định nhập vắc - xin nào, chất lượng ra sao, tính toán vấn đề phương thức thanh toán, nguồn thì TP sẽ chủ động để có thể giải quyết được nguồn vắc – xin.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, liên quan đến ổ dịch ở nhóm truyền giáo Phục Hưng, trường hợp đầu tiên có triệu chứng từ ngày 13/5 đến khi được phát hiện đã quá 13, 14 ngày. Bên cạnh đó chủng virus là biến thể SARS - CoV - 2 lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ; chu kỳ lây nhiễm rất ngắn (có thể từ 2 đến 3 ngày, thậm chí còn sớm hơn), đã phát tán mầm bệnh ra môi trường bên ngoài rất nhanh. Như vậy TPHCM đã chậm mất khoảng 4 đến 5 chu kỳ. Mỗi chu kỳ, virus lây lan theo cấp số nhân. Có thể phát triển các chuỗi lây nhiễm không rõ nguồn lây.
“Đây là một trong những ổ dịch nguy hiểm nhất, khó kiểm soát nhất trong phòng chống dịch bệnh ở TPHCM. Thành phố cần xác định từ nay trở đi phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch”. – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Đề cập đến các biện pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu TPHCM tăng cường lấy mẫu tầm soát, phát hiện ca bệnh, trong đó trọng điểm là chống dịch bệnh xâm nhập vào khu công nghiệp; tăng cường lấy mẫu tầm soát, phát hiện ca bệnh. Tất cả các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở khi đến tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn cần phải được xét nghiệm 100%, tránh bỏ sót ca bệnh. Cùng với đó là khẩn trương đàm phán để có vắc - xin sớm nhất để có nhiều nguồn vắc - xin. Bộ Y tế sẽ thẩm định và tạo điều kiện tối đa trong việc cấp phép, đốc thúc nguồn vắc - xin được đưa về nước.
Về điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao việc TP đã chuẩn bị phương án điều trị cho 5.000 người khi xảy ra các tình huống, tuy nhiên, TP phải có phương án cao hơn nữa, nhất là chuẩn bị tốt cho ICU (hồi sức tích cực), những bệnh nhân nặng. Bộ Y tế cũng giao cho Bệnh viện Chợ Rẫy tăng cao năng lực điều trị, chuẩn bị phương án trong trường hợp phải điều trị tích cực cho 200 bệnh nhân, 50 bệnh nhân rất nặng.
Chủ động tiêm vắc - xin cho công nhân
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao nỗ lực của TPHCM trong công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua. TPHCM đã có một số giải pháp quyết liệt và chính xác trong thực hiện cách ly và giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến ổ dịch điểm sinh hoạt của nhóm truyền giáo Phục Hưng, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh, TP cần có những giải pháp quyết liệt hơn, mạnh tay hơn để chặn đứng đà lây nhiễm của ổ dịch này. Mặc dù chúng ta vẫn ở trong thế chủ động kiểm soát nhưng nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác thì hậu quả sẽ rất khó lường. Do đó chúng ta cần kiên quyết, chủ động phòng ngừa, chủ động tấn công, ngăn chặn, kiểm soát không để dịch tiếp tục lây lan.
Từ ổ dịch tại điểm sinh hoạt nhóm truyền giáo Phục Hưng, đồng chí Trương Hòa Bình yêu cầu phải rà soát lại hoạt động của các điểm nhóm sinh hoạt tín ngưỡng trên địa bàn TPHCM. Chúng ta không cấm đoán sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật Nhà nước và cả các quy định về phòng, chống dịch bệnh hiện nay.
TPHCM cần tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung, chủ động để ngăn chặn và xử lý dứt điểm các ổ dịch trên địa bàn; tiếp tục thực hiện phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nêu cao tinh thần đề cao cảnh giác với dịch bệnh trong mọi hoạt động.
Đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị TP cần tính toán để sớm có thể bảo đảm đủ năng lực cách ly cho 30.000 người trong trường hợp xảy ra các tình huống; tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm trong khu cách ly. Đồng chí lưu ý, mỗi phòng cách ly chỉ nên tối đa 2 người, trừ những trường hợp cách ly cho gia đình thì có thể lên 4 người/phòng. Cùng với đó là phải quản lý chặt, không để xảy ra tình trạng người cách ly tụ tập, giao lưu giữa các phòng trong khu cách ly.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị TPHCM rà soát, bổ sung các Bộ tiêu chí an toàn trên từng lĩnh vực để áp dụng vào thực tế. Đồng chí lưu ý, các doanh nghiệp tuyệt đối không được lơ là, phải thường xuyên cập nhật, rà soát, bổ sung các hướng dẫn phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, phải tiếp tục thực hiện “Mục tiêu kép”; duy trì tăng trưởng trong điều kiện tăng cường mạnh mẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. TPHCM cần tính toán kỹ lưỡng các giải pháp để không bị giảm sâu ở khu vực sản xuất.
Về việc tiêm vắc - xin ngừa COVID-19, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Y tế, sớm có văn bản hướng dẫn cho các địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc tìm nguồn vắc - xin. TPHCM phải là địa phương đi đầu trong chủ động tìm nguồn và đẩy nhanh việc tiêm vắc - xin cho người dân. Cùng với các đối tượng ưu tiên như hiện nay, cần chủ động tiêm vắc - xin cho công nhân, đội ngũ người lao động trong các khu công nghiệp, người làm việc trực tiếp trong những khu cách ly tập trung thông qua vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa để mua vắc - xin.
Các bộ, ngành theo thẩm quyền, chức năng của mình, cần sớm có hướng dẫn, hỗ trợ TPHCM triển khai gói hỗ trợ thứ 2 cho doanh nghiệp và người lao động để duy trì sản xuất. Bộ Công thương phối hợp Bộ Y tế, TPHCM xây dựng Bộ tiêu chí an toàn trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; có phương án sẵn sàng dự phòng nhu yếu phẩm và cung ứng đến các địa điểm, khu vực cách ly, giãn cách xã hội.
S. Hải