Thứ Sáu, 20/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 22/10/2013 23:42'(GMT+7)

Quyết liệt hơn trong xử lý nợ xấu

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Theo số liệu báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 8/2013 vẫn ở mức khá cao, khoảng 4,64% (số liệu này tăng hơn 0,2% so với mức nợ xấu đầu năm 2013). Trong khi đó, khối lượng nợ xấu được chính hệ thống các ngân hàng thương mại tự xử lý thông qua trích lập dự phòng rủi ro trong cả năm 2012 và 7 tháng đầu năm 2013 mới chỉ được khoảng 86.300 tỷ đồng.

Việc thành lập Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC) để xứ lý nợ xấu (tháng 7/2013) có thể nói là một bước đi phù hợp. Sau khi mua lại nợ xấu từ 11 khách hàng của Agribank với giá trị ghi sổ 2.534 tỷ đồng (mua là 1.723 tỷ đồng) và của 3 ngân hàng SHB, PGBank, SCB với giá trị nợ sổ sách 1.159 tỷ đồng (mua là 846 tỷ đồng), ngày 11/10 vừa qua, VAMC đã tiếp tục ký kết với ngân hàng SCB mua nợ xấu đợt 2 với giá trị gần 1.300 tỷ đồng. Điều này đã tạo ra hiệu ứng tích cực, ngoài việc một khối lượng nợ xấu của các ngân hàng nêu trên đã được đưa vào kế hoạch xử lý của VAMC, thì một số nhà đầu tư tài chính quốc tế có uy tín như Blackstone Group, Công ty Tài chính quốc tế (IFC)... đã ngỏ ý muốn mua lại nợ xấu từ VAMC. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng bởi việc xử lý nợ xấu ngoài các giải pháp điều hành còn cần phải có một nguồn lực tài chính rất lớn.

Tuy nhiên, khối lượng nợ xấu VAMC mua lại từ hệ thống các tổ chức tín dụng cũng chưa đáng kể so với khối lượng nợ xấu khổng lồ đang hiện hữu. Hơn nữ, khi số nợ xấu VACM mua lại rồi xử lý ra sao cũng là một câu hỏi cần trảv lời thuyết phục.

Trong khi đó, theo Đề án Tái cơ cấu ngân hàng thương mại giai đoạn 2011 - 2015 được Thủ tướng phê duyệt đã đề ra nhiệm vụ là đến năm 2014 phải hoàn thành cơ bản việc tái cơ cấu tài chính (xử lý nợ xấu). Muốn hoàn thành mục tiêu đề án, các chuyên gia cho rằng, cần phải có nhiều giải pháp quyết liệt hơn.

Một số chuyên gia cho rằng, việc xử lý nợ xấu trong thời gian tới cần tiếp tục tạo sự đồng thuận chính trị cao hơn nữa với sự phối hợp liên ngành hiệu quả. Phải tạo được niềm tin cho doanh nghiệp và ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC và huy động thêm nguồn lực tài chính hỗ trợ cho VAMC, bởi nguồn kinh phí cấp cho VAMC hiện nay không thể đủ để xử lý khối lượng nợ xấu đang tồn tại. Cần có cơ chế cụ thể hơn bảo lãnh tín dụng cho VAMC với thủ tục đơn giản, hiệu quả để tái cơ cấu doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục sang nhượng, chuyển đổi tài sản áp dụng đặc biệt cho VAMC. Khuyến khích thị trường mua bán nợ (ưu đãi thuế, tạo điều kiện về sở hữu hoặc thuê tài sản đối với người nước ngoài...).

Cần phải tăng cường thanh tra, giám sát kỷ cương, kỷ luật về tính minh bạch của hệ thống ngân hàng nói chung và trong mua bán nợ nói riêng (kế toán, báo cáo tài chính, hợp đồng tín dụng và mua bán nợ, tuân thủ chỉ tiêu an toàn hệ thống...); xử lý hiệu quả vấn đề liên quan đến sở hữu và lợi ích của cổ đông, thúc đẩy các ngân hàng thương mại xây dựng chiến lược kinh doanh trên nền tảng các chuẩn mực kế toán và an toàn mới; hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý và các chỉ tiêu giám sát từ xa, giám sát cẩn trọng.../.

Thiện Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất