Chủ Nhật, 10/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 18/10/2013 22:20'(GMT+7)

Cần tạo động lực cho doanh nghiệp thực thi

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Cộng đồng doanh nghiệp là đối tượng chính chịu sự tác động của Luật Phá sản. Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, sau gần 10 năm (từ 2004) bộ luật này có hiệu lực, đến nay dường như vẫn còn nhiều điều bất cập - chưa đi vào cuộc sống. Nền kinh tế khó khăn, đã có hàng trăm ngàn doanh nghiệp không còn tồn tại, thế nhưng, tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn hình thức rời khỏi thị trường theo các quy định của Luật Phá sản là rất ít, nếu không muốn nói là không có.

Một trong những nguyên nhân chính khiến Luật Phá sản không phát huy được vai trò và sứ mệnh là do các quy định liên quan đến chủ nợ và con nợ (doanh nghiệp) không tạo được động lực cho doanh nghiệp sử dụng luật. Dự thảo sửa đổi đang xin ý kiến góp ý dường như cũng vẫn chưa khắc phục được bất cập này.

Theo Dự thảo sửa đổi, quy định về các đối tượng có quyền tham gia “hội nghị chủ nợ” không thấy đề cập đến người bảo lãnh nợ (trong trường hợp nghĩa vụ bảo lãnh chưa phát sinh) được quyền tham gia. Điều này có vẻ như chưa hợp lý và chưa bảo vệ quyền lợi của chủ nợ là người bảo lãnh. Nếu không được tham gia thủ tục phá sản của “con nợ”, người bảo lãnh sẽ bị bất lợi. Bởi lẽ, trong trường hợp nợ có bảo đảm, người bảo lãnh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho “con nợ”. Nếu không được tham gia thủ tục phá sản của “con nợ”, sau khi đã thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay, người bảo lãnh có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi nợ bảo lãnh vì “con nợ” đã chấm dứt tồn tại với tư cách là chủ thể kinh doanh...

Ngoài ra, chế tài đối với những người có chức vụ đối với doanh nghiệp bị phá sản cũng khá nặng nề. Dự thảo quy định, người nắm giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện hoặc lĩnh vực công ích nhà nước bị tuyên bố phá sản không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, không được làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn từ một đến ba năm kể từ ngày tuyên bố phá sản. Điều này có thể sẽ khiến các doanh nghiệp không tự giác nộp đơn xin giải quyết theo thủ tục phá sản và không hợp tác trong quá trình giải quyết thủ tục phá sản.

Một số doanh nhân cho rằng, bản thân thị trường đánh giá việc điều hành doanh nghiệp đi đến phá sản đã là một hình thức trừng phạt nặng nề với chủ doanh nghiệp. Việc cấm đảm nhiệm chức vụ trong thời gian dài đối với những người có chức vụ quản lý trong doanh nghiệp đã bị phá sản có thể hình hành một định kiến tiêu cực khi nhìn nhận về doanh nghiệp phá sản, trong khi phá sản được cho là một điều bình thường trong các hoạt động kinh tế./.

Quỳnh Lan
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất