Thứ Tư, 27/11/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 26/12/2014 22:56'(GMT+7)

Quyết liệt thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Ngày 26/12, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã chủ trì cuộc họp tổng kết công tác năm 2014 của Ban Chỉ đạo.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, 2014 là năm ghi nhận những chỉ đạo sát sao của Chính phủ đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị về công tác này.

Các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương đã ban hành Thông tư liên tịch phân công rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm giữa ba bộ; khắc phục sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra từ Trung ương đến địa phương; thống nhất về quy trình, thủ tục, đơn giản hóa việc xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩ̉m cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Công tác truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh, duy trì thường xuyên, các hình thức tuyên truyền được đa dạng hóa đã tác động tốt đến các đối tượng trong việc thay đổi hành vi bảo đảm an toàn thực phẩm.

Công tác thanh, kiểm tra được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng; số lượng cơ sở thực phẩm được thanh, kiểm tra nhiều hơn trong khi số cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố được phân cấp rõ cho từng ngành, từng cấp, hạn chế sự chồng chéo trong thực hiện.

Ngoài việc thanh, kiểm tra theo kế hoạch, các bộ, ngành đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành, phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản trên phạm vi toàn quốc.

Ngành Y tế đã thành lập 5 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra tại một số địa bàn trọng điểm, nơi diễn ra các sự kiện quan trọng, bảo đảm an toàn thực phẩm một số lễ hội tại địa phương; tổ chức các đoàn kiểm tra tại nhiều cơ sở sản xuất nước đóng chai, sản xuất kinh doanh sữa, cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm, bếp ăn tập thể...; xử lý hành chính hơn 3.000 cơ sở với hơn 5,3 tỷ đồng.

Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý hơn 9.000 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt hành chính trên 31 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường toàn quốc đã phát hiện hơn 21 nghìn vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm với 661 tổ chức, 1.300 cá nhân vi phạm; xử lý hành chính 1.200 vụ, tổng số tiền phạt hơn 12 tỷ đồng.

Việc kiểm soát và xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc chưa qua kiểm dịch được các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ, giải quyết triệt để.

Tuy nhiên, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm còn một số bất cập, việc xử lý vi phạm còn chưa kiên quyết, đặc biệt tại xã, phường; tình hình ngộ độc thực phẩm còn diễn biến phức tạp. Việc vi phạm về an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm vẫn còn phổ biến, tỷ lệ vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm đối với những người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn cao. Tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, hóa chất công nghiệp trong chế biến thực phẩm còn phổ biến, gây bức xúc trong dư luận. Sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn và cơ quan truyền thông báo chí chưa chặt chẽ...

Để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội Xuân 2015, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã đề ra kế hoạch cụ thể: giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và trong thời gian diễn ra Lễ hội Xuân so với cùng kỳ năm 2014; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã, phường bảo đảm số cơ sở được thanh, kiểm tra trên cả nước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014; huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng đến người dân. Thời gian triển khai kế hoạch từ 15/12/2014 đến hết 30/3/2015, trên phạm vi toàn quốc.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến nhiều khâu, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân, bởi vậy các cấp, ngành, địa phương phải quyết tâm, quyết liệt thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh việc thực hiện các Nghị quyết về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm các địa phương cần nâng cao trách nhiệm, quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ, kế hoạch đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp cần phối hợp chặt chẽ trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn tới các địa phương.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, trong đó có sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội: Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh...; tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường thời lượng tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm; biểu dương những mặt tốt, lên án những hạn chế, bấp cập, nhất là kết quả xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm cần công khai đến nhân dân được biết.

Trước mắt, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành cần thực hiện tốt kế hoạch của Ban Chỉ đạo về bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội Xuân 2015, phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, ổn định sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm...

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất