Thứ Sáu, 20/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Năm, 28/8/2014 21:49'(GMT+7)

Ra mắt sách "Nhật ký chiến trường"

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi lễ

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi lễ

Chiều ngày 28/8, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách Nhật ký chiến trường của Trung tướng Nguyễn Tiến Bình, nhân kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945 - 2014) và Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam (1944 - 2014). Đến dự có các đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương  Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Hoàng Phong Hà, quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật.

Phát biểu tại buổi ra mắt sách, đồng chí Hoàng Phong Hà, quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật  cho biết: Sau ngày Trung tướng, PGS. TS. Nguyễn Tiến Bình ra đi, vì giá trị của cuốn nhật ký, được sự đồng ý của gia đình ông, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã quyết định xuất bản cuốn sách Nhật ký chiến trường. Cuốn nhật ký giản dị, chân thực này được tác giả viết trên hai cuốn sổ tay trong thời gian từ đầu năm 1970 đến cuối năm 1975 - từ khi tác giả lên đường ra trận cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đó là gần 6 năm tác giả chiến đấu ở chiến trường - giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất, để đến ngày toàn thắng. Qua các trang nhật ký, bạn đọc sẽ biết về thế giới riêng vô cùng cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ thời chống Mỹ. Thế hệ ấy được thừa hưởng, được giáo dục về về lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, về trách nhiệm của thanh niên khi Tổ quốc lâm nguy; và họ đã xây dựng được nghị lực phi thường để vượt qua gian khó với ý chí quyết chiến, quyết thắng không gì lay chuyển nổi để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 
 Giới thiệu sách "Nhật ký chiến trường" tại Lễ ra mắt

Trên đường hành quân vượt qua Trường Sơn, Nguyễn Tiến Bình và đồng đội quyết tâm: “Dù có ngã xuống trên đường hành quân thì đầu cũng quay về hướng Nam Tổ quốc”, hay như anh viết: “Dù có phải là người ngã xuống cuối cùng trước giờ ngừng bắn chúng con cũng sẵn sàng vì chúng con hiểu rõ hơn ai hết: Không có chiến công nào không có mất mát, hy sinh. Những điều mà vì chúng, chúng con phải chấp nhận hy sinh, phải chịu đựng mất mát, đau thương hôm nay sẽ góp phần cùng cả nước giành lại cuộc sống yên vui, hạnh phúc vĩnh viễn cho toàn dân tộc. Những ai biết sống xứng đáng với tư cách của một con người thì không thể trốn tránh trách nhiệm lớn lao, nặng nề và vẻ vang đó”…

Với gần 400 trang sách của cuốn nhật ký được xuất bản lần này, thì có tới 200 trang được tác giả ghi khi hoạt động ở chiến trường Phnôm Pênh, đây là những trang viết hào hùng, xúc động song cũng rất đau xót về những trận đánh, những chiến công cùng sự mất mát, hy sinh của đồng đội, đồng chí rất cụ thể. Trong 3 năm gian khổ và ác liệt ấy, không phải lúc nào anh cũng ghi được nhật ký vì khi vào trận, các anh phải để lại giấy tờ sổ sách ở hậu cứ hoặc căn cứ bàn đạp, rồi lại lao mình vào các trận đánh. Có giai đoạn tới 5 tháng, và thường xuyên một vài tháng anh không ghi được dòng nào, nhưng khi có điều kiện, anh như trút vào cuốn sổ những nỗi niềm, những buồn vui của người chiến sĩ, và những trận đánh xuất quỷ nhập thần. Đặc biệt, từ góc nhìn của người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường nước bạn, từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước, Nguyễn Tiến Bình và đồng đội đã nhận ra bộ mặt phản bội, tráo trở của Khmer đỏ qua những biểu hiện bất thường, đặc biệt là khi đơn vị anh được lệnh hành quân về nước, Khmer đỏ đã phục kích bắn chết người đồng đội, người chỉ huy - Tham mưu trưởng của Đoàn 367.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Chiến tranh đã lùi xa, nhưng khi đọc những trang nhật ký còn nóng hổi hơi thở chiến trường viết cách đây mấy chục năm, thế hệ những người làm nên lịch sử năm nào như gặp lại chính mình những năm tháng gian lao đó đã sống, chiến đấu xả thân vì Tổ quốc như những người anh hùng. Cho nên việc ra mắt Nhật ký chiến trường của Trung tướng, PGS. TS. Nguyễn Tiến Bình không chỉ là sự tri ân với người đi trước mà còn hy vọng qua cuốn sách này và các cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi,… bạn đọc hôm nay và các thế hệ tương lai có điều kiện hiểu thêm nhiều hơn về thế hệ cha anh đã trải qua chiến tranh, đã quên mình hy sinh để giành lại nền độc lập, để nước nhà thống nhất, và từ đó mỗi người sẽ xác định sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trung tướng Nguyễn Tiến Bình, sinh năm 1950, quê ở Đáp Cầu, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1968, ông nhập ngũ, được huấn luyện trở thành lính đặc công nước thuộc Binh chủng Đặc công. Sau hai cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc, đây là cuốn nhật ký thứ ba ghi lại những cảm xúc chân thực của người chiến sĩ trong kháng chiến chống Mỹ./.

Duy Hưng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất