Thứ Hai, 2/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 30/5/2024 17:19'(GMT+7)

Rà soát kỹ quy định về Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày, đối với việc áp dụng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định nhiều chính sách đặc thù trong xây dựng, phát triển quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, có những nội dung khác quy định của pháp luật liên quan, vì vậy đề nghị bổ sung một điều quy định về áp dụng pháp luật.

Đối với nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là về ngân sách nhà nước, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đầu tư, khoa học công nghệ, chính sách đối với người lao động là chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư...

Để thể chế quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển quốc phòng, an ninh, đồng thời, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vai trò đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong thực hiện các chiến lược về quốc phòng, quân sự, an ninh quốc gia, dự thảo Luật cần có các chính sách đặc thù, đột phá, cơ chế vượt trội, khả thi để thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý nhiều quy định, chính sách đặc thù, vượt trội trong dự thảo Luật theo hướng quy định mới một số chính sách chưa được pháp luật quy định; kế thừa, phát triển các chính sách hiện đã được quy định ở các pháp lệnh và văn bản dưới luật và quy định các chính sách đặc thù, vượt trội hơn so với các chế độ, chính sách hiện hành ở các luật có liên quan.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để thuận lợi, khả thi trong tổ chức thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung một điều quy định về áp dụng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, trong đó quy định cụ thể việc áp dụng những nội dung khác so với các luật hiện hành như Điều 2 dự thảo Luật.

Về tổ chức và hoạt động công nghiệp quốc phòng, tổ chức và hoạt động công nghiệp an ninh (Mục 5, Mục 6 Chương II), có ý kiến đề nghị rà soát quy định hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh để bảo đảm bao quát, đầy đủ, trên cơ sở đó xác định chế độ, chính sách cho phù hợp; nghiên cứu quy định về cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý về tổ chức cơ sở công nghiệp quốc phòng theo hướng: Hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng bao gồm: Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, Cơ sở công nghiệp quốc phòng khác, Cơ sở huy động tham gia công nghiệp quốc phòng, Cơ sở công nghiệp động viên; chỉnh lý về tổ chức cơ sở công nghiệp an ninh theo hướng: Hệ thống cơ sở công nghiệp an ninh bao gồm: Cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt, Cơ sở công nghiệp an ninh khác, Cơ sở huy động tham gia công nghiệp an ninh.

Đồng thời, để bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, phân biệt các loại hình cơ sở công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và thuận lợi trong tổ chức thực hiện, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung 4 điều, gồm: “Tiêu chí, loại hình cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt” (Điều 33); “Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của cơ sở công nghiệp quốc phòng khác” (Điều 35); “Tiêu chí, loại hình cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt” (Điều 38); “Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của cơ sở công nghiệp an ninh khác” (Điều 40) như dự thảo Luật.

Về Tổ hợp công nghiệp quốc phòng (Mục 7 Chương II), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về “Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng” để thể chế đầy đủ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo; rà soát bổ sung cơ chế quản lý phù hợp để tạo hiệu quả hoạt động liên kết, hợp tác của Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng. Ý kiến khác đề nghị thực hiện thí điểm mô hình Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng trước khi quy định trong Luật.

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, rà soát kinh nghiệm quốc tế để xây dựng quy định về Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến hai phương án xin ý kiến: Phương án 1, bổ sung một mục (Mục 7 - Chương II) quy định về “Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng” gồm 4 điều (từ Điều 41 đến Điều 44). Phương án 2, không quy định về Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng mà giao Chính phủ thực hiện thí điểm mô hình Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng.

Sau khi xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan có liên quan, đa số ý kiến tán thành quy định về Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng để làm nòng cốt cho xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng. Quy định này bảo đảm đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, bảo đảm thận trọng, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng 4 điều quy định về Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng tại Mục 7 Chương II dự thảo Luật, bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, thuận lợi trong tổ chức thực hiện./.

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất