Chủ Nhật, 29/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 16/10/2015 14:22'(GMT+7)

Rà soát quy định của pháp luật, đảm bảo phù hợp với quy định của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương

Chủ trì buổi họp báo, ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết công tác xây dựng, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được triển khai tích cực, góp phần nâng cao chất lượng và đẩy mạnh tiến độ soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Quý III/2015, các bộ đã trình Chính phủ 14 dự án luật, pháp lệnh, trong đó có 3 luật và 1 pháp lệnh do Bộ chủ trì soạn thảo. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 22 văn bản, gồm 11 nghị định, 1 quyết định, 9 thông tư, 1 thông tư liên tịch. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính từng bước vào cuộc sâu hơn, quý III, Bộ đã tham gia ý kiến, đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ 88/103 thủ tục hành chính tại 26 dự thảo văn bản (chiếm 85%); trong 23 dự thảo văn bản thẩm định có thủ tục hành chính, đã đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ 63/67 thủ tục hành chính (chiếm 94%). 


Kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2015 (từ ngày 1/10/2014-30/9/2015), về việc, đã giải quyết xong 533.985 việc trong tổng số việc có điều kiện giải quyết, đạt tỷ lệ 89,08%, vượt 1,08% so với chỉ tiêu được Quốc hội giao (tăng 2.890 việc và tăng 0,61% về tỷ lệ so với năm 2014). Về tiền, đã giải quyết xong hơn 42.819 tỷ đồng trong tổng số có điều kiện giải quyết, đạt tỷ lệ 76% (tăng 3.837 tỷ đồng). 


Về kết quả tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), tính đến ngày 5/10, Bộ Tư pháp đã nhận được báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của tất cả các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức Trung ương, 63 HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 26 cơ quan, tổ chức khác. Qua tổng hợp cho thấy, dự thảo Bộ luật nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân, đa số có cùng quan điểm với Chính phủ về 7/8 vấn đề trọng tâm đưa ra lấy ý kiến. 


Bộ Tư pháp đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng các văn bản do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2015; đẩy mạnh việc đôn đốc các bộ, ngành xây dựng các văn bản thuộc Danh mục các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành 11 luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 và các văn bản còn nợ đọng; xây dựng các dự án luật, pháp lệnh theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tập trung rà soát các quy định của pháp luật trong nước để đề xuất sửa đổi, bổ sung, đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP)… 


Liên quan đến thông tin cho rằng, Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 do Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành có một số quy định không phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý, ông Trần Tiến Dũng cho biết, Bộ đã thành lập Tổ để rà soát lại tất cả các quy định trong Đề án. Bộ Tư pháp khẳng định, không có quy định nào trong Đề án trái với Luật Trợ giúp pháp lý. Điểm mới của Đề án là đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý, thu hút luật sư tham gia. Mới đây, Chính phủ đã ban hành nghị định, trong đó đã quy định tăng phí luật sư trợ giúp pháp lý, một buổi là 500 nghìn đồng, 1 ngày là 1 triệu đồng. 


Khẳng định trợ giúp pháp lý là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta nhằm bảo vệ cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Nguyễn Thị Minh cho biết Bộ Tư pháp tham mưu trình Chính phủ ban hành Đề án xuất phát từ những bất cập nội tại của hoạt động trợ giúp pháp lý thời gian qua. Việc Đề án ra đời là bước đột phá, có tác động rất lớn tới hoạt động trợ giúp pháp lý. Hiện nay một số trung tâm, tổ chức trợ giúp pháp lý còn cồng kềnh, hoạt động chưa hiệu quả, Đề án đã tác động đến các tổ chức thực hiện trợ giúp, đến người trợ giúp và đến đối tượng được trợ giúp. Đề án lấy người được trợ giúp là trung tâm, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Cục trưởng Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh một nội dung quan trọng của Đề án là người trợ giúp pháp lý, đặc biệt là các tổ chức, trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước phải tập trung thực hiện vào các vụ việc, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng - liên quan tới quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng được trợ giúp. Đặc biệt, Đề án yêu cầu các trung tâm trợ giúp không thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền về pháp luật nói chung mà phải thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý vụ việc, đặc biệt là quan tâm nhiều tới vấn đề truyền thông để người dân biết nhiều hơn đến hoạt động này, từ đó sử dụng hệ thống trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Mục đích của Đề án tập trung vào đối tượng được trợ giúp pháp lý, đảm bảo chất lượng trợ giúp pháp lý được nâng cao và đảm bảo đối tượng được trợ giúp không bị bỏ lọt - Cục trưởng Nguyễn Thị Minh nêu rõ. 


Liên quan đến việc năm 2015, công tác bồi thường nhà nước mới giải quyết xong 41/94 vụ việc, thấp hơn nhiều so với năm 2014, ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước cho biết, nguyên nhân do nhận thức của một bộ phận cán bộ chưa đánh giá đúng tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác bồi thường nhà nước. Khi có vụ việc xảy ra, lãnh đạo một số cơ quan chưa quan tâm đúng mức để xử lý. Trong khi đó, đội ngũ công chức tham mưu giải quyết là kiêm nghiệm, nên từ thụ lý đến giải quyết bồi thường nhà nước có hạn chế nhất định. Về khách quan, vụ việc liên quan đến bồi thường nhà nước thường rất phức tạp, cần sự phối hợp của rất nhiều cơ quan, nhất là trong các cơ quan tố tụng. Các vụ việc có số tiền bồi thường lớn, mất nhiều thời gian xác minh, xem xét yêu cầu bồi thường… cũng ảnh hưởng đến quá trình giải quyết. Đặc biệt, nguyên nhân khách quan cơ bản do những bất cập từ quy định của Luật Bồi thường nhà nước hiện hành… 


Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề về thi hành án, lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)… đã được trao đổi, làm rõ./. 

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất