Thứ Bảy, 12/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 17/12/2008 15:13'(GMT+7)

Rắc rối vì "mượn tên" bản dịch cũ

Bìa hai cuốn sách của Dale Catnegie do First News mua bản quyền độc quyền xuất bản ấn phẩm tiếng Việt

Bìa hai cuốn sách của Dale Catnegie do First News mua bản quyền độc quyền xuất bản ấn phẩm tiếng Việt

Hai cuốn sách do Trí Việt mua bản quyền vẫn giữ nguyên tiêu đề "Đắc nhân tâm" và "Quẳng gánh lo đi và vui sống" theo cách mà học giả Nguyễn Hiến Lê đã dịch.

Lý do mà First News quyết định biên dịch lại tác phẩm nổi tiếng (vốn có 50 năm gắn bó với bạn đọc VN qua bản dịch của Nguyễn Hiến Lê) là vì ấn bản mới "How to win Friends & Influence People" (tức "Đắc nhân tâm") năm 2005 có nhiều sửa đổi, bổ sung so với ấn bản xuất bản năm 1936. Rất nhiều ví dụ, nhân vật và dẫn chứng minh hoạ đã quá cũ và xa lạ với bạn đọc đương thời, nên gia đình Dale Carnergie thay thế, chỉnh sửa và cập nhật.

Cty đã mua được bản quyền từ Tập đoàn xuất bản Simon & Schuster, Hoa Kỳ. Trường doanh nhân Đắc Nhân Tâm - đại diện chính của Tổ chức Dale Carnegie toàn cầu ở VN - cùng tham gia trong quá trình biên dịch để tác phẩm được hoàn thiện hơn. Hơn thế nữa, bản dịch của tác giả Nguyễn Hiến Lê mang tính chất phóng tác nhiều hơn là dịch sát văn bản gốc.

Tuy nhiên, đại diện gia đình ông Nguyễn Hiến Lê - ông Nguyễn Quyết Thắng - cho biết:

"Thời trước, mỗi lần dịch tác phẩm của ai, cụ Nguyễn Hiến Lê đều có xin phép và có đề rõ trong ấn phẩm dịch. Nhiều nhà xuất bản từng đến xin phép chúng tôi để in lại hai cuốn sách này và thậm chí có khi không xin phép, nhưng họ đã đổi tiêu đề cho khác một chút với tên gốc, cho dù bên trong vẫn là bản dịch của Nguyễn Hiến Lê. Đơn cử, NXB Hồng Đức thì ghi là "Thuật đắc nhân tâm dụng nhân" và "Quẳng gánh lo vui sống trong mọi hoàn cảnh", còn NXB Văn hoá Thông tin thì giữ nguyên tựa đề. Ở đây, tôi muốn nói là cách ứng xử với bản dịch cũ như thế nào cho phải. Không phải như lời ông Phước tuyên bố trên một tờ báo mới đây là những bản dịch nào trước đó đều vi phạm bản quyền và phải tịch thu. Và ông Phước cũng chưa từng thương thảo với gia đình về việc này, chỉ đến nhà tôi một lần mà không gặp tôi".

Song khi được hỏi về giấy tờ, thư từ chứng minh về việc được phép dịch tác phẩm ngày trước, thì ông Thắng không trình được.

Ông Nguyễn Văn Phước - GĐ First News - cho rằng: "Chúng tôi lấy lại tựa đề hai cuốn sách trên vì nhận thấy đó là hai cái tựa quá gắn bó thân thiết với bạn đọc VN. Trước đây, tôi cũng từng đọc tác phẩm này qua bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê và trân trọng tâm sức cũng như sự sáng tạo của ông. Tôi có đến nhà ông Thắng, gửi lại cho gia đình bản hợp đồng, nhưng không thấy trả lời. Tôi chưa hề công bố hay phát ngôn về việc sẽ đề nghị tịch thu những ấn phẩm dịch trước đó, bởi đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải của riêng Cty nào".

Mấu chốt cần làm rõ là việc dùng lại tựa đề cũ của bản dịch trước cho bản dịch mới (đã mua bản quyền) của First News liệu có sai phạm hay không? Trả lời câu hỏi này, luật sư Nguyễn Văn Viễn - Viện trưởng Viện Sở hữu trí tuệ TPHCM - khẳng định: "Một tác phẩm có thể có nhiều bản dịch khác nhau và mỗi người dịch đều được giữ bản quyền của bản dịch đó. Rất khó coi việc dùng lại ngôn từ của người khác là vi phạm bản quyền tác phẩm.

Bởi có nhiều phương án dịch và có thể bị trùng nhau do dịch từ một nguồn mà ra. Trong bản quyền không có khái niệm bảo hộ ý tưởng, mà chỉ bảo hộ chống sao chép. Việc chứng minh một tựa đề có bị sao chép hay không chưa có tiền lệ". Tuy nhiên theo chúng tôi, hai tựa đề trên của dịch giả Nguyễn Hiến Lê rất độc đáo, đã dịch rất thoát tên sách gốc.

Minh Thi-LaoDong.com.VN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất