Những ngày đầu Xuân, đặt chân đến huyện vùng cao Tủa Chùa (tỉnh Điện
Biên) - nơi có hơn 70% dân số là người dân tộc Mông sinh sống, du khách
được hòa mình trong những trò chơi dân gian.
Ngày hội du Xuân đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông ở các bản làng rẻo cao vào dịp đầu năm mới.
Vượt quãng đường gần 150km từ thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi đến xã
Sính Phình (huyện Tủa Chùa). Xã Sính Phình nằm ở phía Bắc huyện Tủa
Chùa. Xã có 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông, hơn 1.000 hộ dân với
hơn 5.000 nhân khẩu.
Năm nay, tại Sính Phình có hàng nghìn đồng bào người Mông trong xã và ở các xã lân cận về du Xuân.
Tất cả mọi người đều chọn bộ trang phục dân tộc đẹp nhất để mặc vào dịp
Tết. Tất cả trang phục mà đồng bào Mông ở Sính Phình mặc trong những
ngày du Xuân đều có màu tím đậm; với phái nữ, trang phục sẽ xen lẫn một
ít họa tiết hoa màu đỏ nhạt lên nền áo.
Tại bãi đất trống rộng rãi ở trung tâm xã Sính Phình, khoảng 9-10 giờ,
dòng người trở nên tấp nập hơn, gương mặt ai cũng rạng ngời trong cái
nắng đầu Xuân của vùng cao.
Những chiếc lán nhỏ cũng được một số gia đình dựng lên quanh bãi đất để
phục vụ nhu cầu ăn uống, giải khát cho những người đến đây du Xuân.
Chính giữa bãi đất trống có là 1 lán được Ủy ban Nhân dân xã Sính Phình
dựng lên để đặt loa máy, phục vụ việc biểu diễn văn nghệ và thông báo về
các trò chơi, nội dung thi đấu do xã tổ chức. Ném pao là trò chơi được
đồng bào Mông chơi nhiều nhất trong những ngày du Xuân.
Từ các cháu nhỏ cho đến cụ già đều ưa thích trò chơi này, tùy theo lứa
tuổi, họ sẽ tự chọn bạn chơi với mình. Các cụ già ném pao với nhau nhẹ
nhàng, các em nhỏ lại có cách chơi tinh nghịch hơn, nam nữ thanh niên có
cách ném pao mạnh mẽ nhưng tình cảm. Cứ thế, từng cặp một chơi ném pao
rồi dần xếp thành những hàng dài, đôi bên ném nhau qua lại.
Ông Giàng A Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Sính Phình cho biết, ném pao là trò
chơi phổ biến nhất trong ngày hội du Xuân nói riêng hay tất cả các ngày
hội của người Mông nói chung. Ném pao chính là cách người Mông bày tỏ
tình cảm với nhau.
Hầu hết những nam thanh nữ tú về đây đều mong tìm được bạn tình qua trò
chơi pao. Khi ném pao, họ bắt đầu trò chuyện và "ném" cho nhau những ánh
nhìn, nụ cười quý mến. Khi đôi trai gái có tình cảm với nhau, họ sẽ
"hẹn hò" trong suốt thời gian du Xuân và sau đó sẽ tìm hiểu để đi đến
quyết định gắn bó lâu dài.
Chị Sùng Thị Xá và anh Vàng A Dia đã trở nên khá thân thiết với nhau sau
hai ngày cùng ném pao. Chị Xá vui vẻ cho biết, nhà chị ở xã Tả Phìn,
cách Sính Phình 20km. Xuân năm nay, chị quyết định xuống xã Sính Phình
du Xuân để tìm người gắn bó suốt đời.
Ngoài ném pao, các hoạt động khác như múa khèn, ném cù quay cũng diễn ra sôi nổi trong ngày Xuân.
Khi nắng trưa đứng bóng, nhiều đôi nam nữ đã ngừng ném pao, di chuyển
vào bóng râm của hàng cây dưới chân núi. Ở đó họ lại trò chuyện, tỏ tình
với nhau bằng tiếng kèn lá chứa chan tình cảm.
Bên ngoài bãi, những chiếc ô che nắng cứ lấp ló, xoay tròn ngại ngùng…
Tiếng khèn, tiếng kèn lá cùng tiếng cười nói vang rộn cả bản làng.
Tại lán trung tâm, cụ Vàng Thị Cống (72 tuổi) hát liền 5 bài hát trong ngày du Xuân bằng cả tiếng Kinh và tiếng Mông.
Cụ Vàng Thị Cống cho biết nhà cụ ở Tủa Thàng nhưng năm nay nghe cán bộ
bảo Sính Phình tổ chức du Xuân nhộn nhịp lắm nên cụ cùng cháu gái xuống
đây du Xuân.
Nhờ ơn Nhà nước mà cuộc sống bà con vùng cao bây giờ thay đổi nhiều, được vui chơi dịp năm mới. Cụ Cống thấy rất vui.
Tại những điểm vui chơi ở trung tâm các xã khác như Tả Phìn, Xá Nhè cũng
có rất đông người dân tụ hội du Xuân. Ngoài những người dân bản địa,
nhiều du khách từ trong và ngoài huyện Tủa Chùa cũng về đây, cùng hòa
mình vào ngày hội du Xuân.
Không khí nhộn nhịp, sự hòa đồng mến khách của người dân khiến những vị khách đã đến đây chẳng muốn ra về.
Chị Nguyễn Hiền, một người đam mê chụp ảnh cho biết: "Đây là lần đầu
tiên tôi đến Tủa Chùa vào những ngày người dân du Xuân. Đến nơi, tôi
được hòa mình vào các trò chơi dân gian, chiêm ngưỡng những bộ trang
phục dân tộc đặc sắc và hiểu thêm về những nét văn hóa dân tộc Mông. Tôi
đã chụp được rất nhiều bức ảnh đẹp nhờ chuyến đi này."
Năm nay, huyện Tủa Chùa có 11 điểm tổ chức cho đồng bào Mông ở toàn huyện chơi Xuân.
Ngày hội du Xuân của người Mông ở đây thường kéo dài từ mùng 1-15 tháng
Giêng âm lịch, cao điểm là các ngày từ mùng 3-10 tháng Giêng.
Thông qua ngày hội, các làn điệu hát đối đáp, các trò chơi dân tộc như ném pao, múa khèn, thổi kèn được gìn giữ, bảo tồn./.
(TTXVN)