Hòa cùng không khí rộn rã đầu Xuân, ngay từ những ngày đầu năm mới Ất
Mùi, nông dân khắp các vùng quê trên cả nước đã khẩn trương bước vào vụ
sản xuất mới, nô nức tham gia ngày hội xuống đồng với tâm trạng phấn
chấn, hy vọng một vụ mùa bội thu.
Rộn ràng sản xuất đầu năm
Ngay từ ngày 21/2 (mùng 3 Tết Ất Mùi), tại huyện Vĩnh Hưng (Long An), hàng ngàn hộ nông dân đã cùng nhau thu hoạch lúa đông xuân. Nông dân Đỗ Quốc Trưởng, ấp Láng Lớn, xã Thái Trị (huyện Vĩnh Hưng) nói: “Nhà tôi có 35 ha ruộng cấy lúa nếp, mùng 6 là ngày đẹp nên chúng tôi bắt đầu xuống đồng, phun thuốc dưỡng lúa, chuẩn bị đến rằm thu hoạch”.
Theo ông Lê Quốc Bổn, Hội nông dân huyện Vĩnh Hưng, lúa được xuống giống từ cuối tháng 10, trước Tết và cận Tết, nông dân toàn huyện đã thu hoạch được hơn 1.000 ha. Hiện nay, nông dân đang xuống đồng thu hoạch nốt lúa đông xuân. Sau đó, một số hộ sẽ trồng xen canh mè, dưa hấu…, một số phơi đất để chuẩn bị cho vụ hè thu.
Tuy nhiên, theo nông dân Đỗ Quốc Trưởng, do nhiệt độ thay đổi thất thường nên năng suất lúa năm nay kém nhiều so với năm ngoái. Trung bình các năm cho thu hoạch 8 -9 tấn/ha, nhưng năm nay dự kiến chỉ đạt 6 -7 tấn/ha. Bên cạnh đó, giá lúa giảm chỉ còn 4.600 - 4.700 đồng/ha, khiến nông dân thất thu khoảng 5 triệu đồng/ha, gia đình anh thất thu khoảng 150 triệu đồng.
Không giống như các tỉnh miền Nam, ở các tỉnh miền Trung, nông dân tranh thủ ra đồng sớm chăm sóc diện lúa đông xuân cấy trước Tết. Nhà làm 6 sào ruộng (3.000 m2), trồng toàn giống lúa Ấn Độ (giống lúa lai), mới mồng hai Tết, bà Hà Thị Thuyết, xóm Tây Vinh, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tĩnh Hà Tĩnh đã tranh thủ đi thăm đồng. Vụ đông xuân năm nay, lúc mới xuống giống thời tiết khá lạnh, nên lúa phát triển không được thuận lợi.
Theo bà Thuyết, qua Tết là nông dân ra đồng thăm ruộng, xem diện tích lúa của gia đình phát triển có tốt không; tranh thủ làm cỏ bờ và dặm lại những đám lúa bị ốc bươu vàng phá. Vụ hè thu vừa qua, thời tiết nắng nóng, cộng với giá cả phân bón, giống, thuốc trừ sâu... đều đắt đỏ nên nông dân không lời lãi bao nhiêu. Năm nay, mới ra Tết nhưng thời tiết đã nắng ấm, thuận lợi cho lúa phát triển, hi vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Tương tự, tại miền Bắc, ở Thái Nguyên, từ ngày mùng 3 Tết Âm lịch, người dân đã nô nức về huyện Phổ Yên để tham dự lễ hội xuống đồng. Chị Nguyễn Thị Phương, xã Đông Cao, huyện Phổ Yên cho biết: Lễ hội là dịp để bà con tổ chức sản xuất đầu năm, tạo sự phấn khởi trước khi bước vào vụ sản xuất mới. Năm nay, nông dân Thái Nguyên đã tích cực đưa những giống lúa lai mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.
Còn tại Thái Bình, những ngày đầu năm mới Ất Mùi, tranh thủ thời tiết nắng ấm, nông dân tích cực làm đất gieo cấy lúa xuân. Bên cạnh phương thức cấy tay truyền thống, năm nay nông dân Thái Bình mạnh dạn áp dụng rộng rãi phương thức gieo sạ. Mỗi người một việc, người làm đất, người vãi hạt, cánh đồng rộn vang tiếng cười nói tươi vui, phấn khởi.
Tay thoăn thoắt đặt từng khóm mạ chuẩn bị mang ra đồng, ông Đặng Văn Cẩn, thôn 8, xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương phấn khởi chia sẻ, gia đình ông có một mẫu ruộng, chủ yếu cấy giống lúa nếp. Dù bận rộn chuẩn bị Tết nhưng gia đình ông vẫn tích cực cấy từ ngày 26 tháng chạp. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, trước Tết gia đình ông đã gieo sạ được một nửa diện tích, hiện tại vợ chồng ông đang cấy tay diện tích còn lại để kịp thời vụ.
Mong một năm được giá, được mùa
Một năm mới đã bắt đầu. Mặc dù công việc đồng áng còn nhiều vất vả nhưng trên khuôn mặt của những người nông dân vẫn rạng rỡ và tràn đầy hi vọng về một vụ sản xuất nhiều may mắn, thắng lợi. Nông dân nhiều địa phương cho rằng, đầu năm thời tiết thuận lợi, nên tất cả hi vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đồng thời, giá cả nhích lên giúp người dân tăng thêm thu nhập.
Ông Lê Quốc Bổn, Hội nông dân Huyện Vĩnh Hưng (Long An) cho biết, năng suất lúa hiện nay đã tăng lên nhưng giá cả chưa được như ý muốn. Đầu vụ, khi giá xăng còn cao, người dân đã đầu tư nhiều để làm đất, bơm nước… Đến cuối vụ, khi thu hoạch thì giá lúa giảm mạnh, lợi nhuận của nông dân giảm gần 50%. Năm ngoái, nông dân thu nhập 15 - 20 triệu đồng/ha, nhưng năm nay chỉ còn 8 -10 triệu đồng/ha. Nguyên nhân là do thương lái ép giá vì lý do giá xăng giảm. Cũng theo ông Bổn, trước Tết, giá lúa chỉ còn hơn 4.000 đồng/kg, sau khi Nhà nước có chính sách thu mua tạm trữ, giá lúa đã tăng lên xấp xỉ 5.000 đồng/kg, nhưng vẫn thua xa mức giá của năm ngoái là trên 6.000 đồng/kg.
Còn theo nông dân Đỗ Quốc Trưởng, ấp Láng Lớn, xã Thái Trị (huyện Vĩnh Hưng), mong năm mới, Nhà nước có chính sách giúp nông dân tiêu thụ lúa gạo, tăng giá thu mua.
Còn tại Hà Tĩnh, bà Hà Thị Thuyết, xóm Tây Vinh, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc cho biết, năm nay ốc bươu vàng gây hại khá nhiều, nhất là trên diện tích lúa Ấn Độ, hoặc diện tích lúa cấy ở vùng trũng, nhưng bà con đã phun thuốc trị ốc bươu vàng. Đầu năm mới, thời tiết nắng ấm, hi vọng lúa sẽ phát triển tốt.
Bên cạnh đó, theo nhiều nông dân, năm nay, giá xăng giảm nên giá phân bón cũng giảm. Vì vậy, nhiều hộ nông dân rất phấn khởi, hi vọng năm mới thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh, mùa màng bội thu.
Dự kiến, hôm nay (25/2, mùng 7 tháng giêng), tại Duy Tiên, Hà Nam, sẽ diễn ra Lễ hội Tịch Điền. Đây là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, đề cao vai trò sản xuất nông nghiệp.
Tịch Điền có nghĩa là đích thân vua đi cày ruộng, do vua Lê Đại Hành là người khởi xướng. Trải qua hơn 1.000 năm (từ năm 987), lễ hội này ngày nay được tái hiện ở chân núi Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Theo TTXVN