DẤU ẤN THÁNG CÔNG NHÂN NĂM 2021
Thấm nhuần ý nghĩa đặc biệt sâu xa của ngày Quốc tế lao động tại Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thống nhất với đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ năm 2012, quyết định dành tháng 5 hằng năm là Tháng Công nhân với phương châm hướng về cơ sở, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện sống, làm việc của công nhân, viên chức, lao động; trong đó, tập trung cho hoạt động tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giải quyết những khó khăn, bức xúc của công nhân, viên chức, lao động, thực hiện tốt việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động.
Sau 10 năm thực hiện, các hoạt động Tháng Công nhân không chỉ dành cho đối tượng công nhân lao động ở các doanh nghiệp mà bao gồm cả công chức, viên chức, người lao động ở khối hành chính sự nghiệp. Cách thức tổ chức thực hiện có nhiều đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ để tổ chức nhiều chương trình, hoạt động, tạo sự lan tỏa, tăng hiệu ứng.
Tháng Công nhân năm 2021 diễn ra trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; một bộ phận người lao động bị nhiễm bệnh, cách ly, phong tỏa, mất việc, giãn việc, thu nhập giảm sút. Vượt qua mọi khó khăn, bằng nỗ lực, các cấp công đoàn đã cùng chính quyền, doanh nghiệp đồng loạt tổ chức một số hoạt động trọng tâm mà ở đó đều có những điểm nhấn và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của thủ trưởng cơ quan, người sử dụng lao động; sự vào cuộc tích cực của cán bộ công đoàn các cấp. Với 250.177 sáng kiến mang lại giá trị làm lợi, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động cả nước đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của cơ quan, doanh nghiệp và kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ. Trong thư khen về Chương trình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc viết: “Đây là Chương trình rất thiết thực vì lao động sản xuất là nguồn gốc tạo ra của cải và sự thịnh vượng của quốc gia. Những người có khả năng đóng góp tốt nhất cho công việc hằng ngày là những người lao động trực tiếp va chạm với công việc, biết rõ vướng mắc ở đâu và hiểu rõ cần làm gì để cải thiện hiệu suất của tổ chức trên từng khía cạnh nhỏ nhất. Chương trình giúp khơi dậy và thúc đẩy kiến tạo văn hóa mới trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp: Mỗi nhân viên đều hăng say, nhiệt huyết, trăn trở, đóng góp vào sự phát triển của tổ chức nơi mình làm việc”. Phát biểu tại Lễ tuyên dương các điển hình tiên tiến của Chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có sáng kiến cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của tổ chức Công đoàn và đất nước trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội bằng việc tổ chức Chương trình ý nghĩa này”.
Lãnh đạo Công ty Cao su Kon Tum trao tặng nhà tình thương cho công nhân. (Ảnh: qdnd.vn)
Chương trình “Lắng nghe - Thấu hiểu - Chia sẻ” lần đầu tiên được triển khai để đoàn viên, người lao động trong các doanh nghiệp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc, những câu chuyện cảm động trong lao động và cuộc sống. Từ hơn 7.500 diễn đàn, công đoàn lựa chọn nội dung cấp bách, có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng đến đông đảo đoàn viên, người lao động để có biện pháp giải quyết phù hợp, có hiệu quả và truyền thông thông kịp thời kết quả thực hiện để đoàn viên, người lao động hiểu biết rõ hơn vai trò, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.
Hoạt động “Cảm ơn người lao động” đã được thực hiện nhiều năm, khá sinh động; được sự đồng thuận của nhiều người sử dụng lao động, góp phần thể hiện sự trân trọng, ghi nhận người lao động là vốn quý của doanh nghiệp; được đông đảo người lao động cảm nhận hạnh phúc hơn. Các cấp công đoàn đã phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động thực hiện chính sách hỗ trợ tiền, tăng lương; tổ chức siêu thị công nhân bán hàng giá rẻ; cho người lao động vay tiền giải quyết khó khăn; vay vốn làm kinh tế, hỗ trợ cho cuộc sống, sinh hoạt gia đình; thăm hỏi, tặng quà cho công nhân, lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động; tặng Mái ấm công đoàn… Từ đó, góp phần đoàn kết, tập hợp người lao động và thực hiện có hiệu quả công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.
THIẾT THỰC NGÀY HỘI LỚN CHO CÔNG NHÂN NĂM 2022
Tháng Công nhân năm 2022 diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực nhiều hơn để thành công hơn trong thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và khẩn trương phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định tổ chức Tháng Công nhân năm 2022 với chủ đề “Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng” cùng một số hoạt động trọng tâm thể hiện trách nhiệm của tổ chức Công đoàn Việt Nam với người lao động. Từ thực tế của địa phương, ngành, đơn vị và tình hình dịch bệnh, các cấp công đoàn lựa chọn ít nhất một trong 10 nội dung hoạt động theo kế hoạch; trong đó có 4 hoạt động trọng tâm theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Chương trình “Đối thoại tháng 5” được tổ chức để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương gặp gỡ, đối thoại với cán bộ công đoàn và công nhân, viên chức, lao động. Diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp - doanh nghiệp vì công nhân” do Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức, tạo cơ hội lắng nghe, chia sẻ, cùng nỗ lực vượt khó, phục hồi phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó là một loạt hoạt động tổ chức hoạt động kết nối, giới thiệu việc làm, đảm bảo thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động, công đoàn cấp trên đề xuất, phối hợp với các ngành chức năng của địa phương để tổ chức các chương trình, hoạt động kết nối, giới thiệu việc làm. Các công đoàn cơ sở căn cứ nhu cầu tuyển dụng tại doanh nghiệp để thương lượng với người sử dụng lao động chính sách thu hút lao động và tham gia tổ chức hoạt động tuyển dụng tại doanh nghiệp. Chủ động nắm bắt tình hình tiền lương, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn mình, ngành mình. Theo dõi sát tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… của các doanh nghiệp.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà đến người lao động; tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ người lao động trong thực hiện các thủ tục để nhận gói hỗ trợ của Chính phủ được tăng cường. Các cấp công đoàn tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động về mục đích, ý nghĩa, các hoạt động Tháng Công nhân; truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; ý nghĩa lịch sử, tinh thần bất diệt của Ngày Quốc tế Lao động 1/5; tuyên truyền phòng chống dịch bệnh COVID-19; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tuyên truyền mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả của các cấp Công đoàn trong triển khai các hoạt động Tháng Công nhân - Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động; tuyên truyền về kết quả triển khai giai đoạn 1 Chương trình “Một triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”. Một số sáng kiến tiêu biểu được triển khai tại Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Phước với hoạt động tổ chức hội thi tiếng hát sau giờ tan ca trên mạng xã hội; Liên đoàn Lao động tỉnh Bến Tre tổ chức hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát; Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội thi vũ điệu công nhân tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022; Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức Liên hoan “Tiếng hát thợ mỏ” tại các khu tập thể, khu chung cư; Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh tổ chức Chương trình “Kết nối trái tim”...
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn các cấp trong việc giám sát thực hiện Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, bảo vệ quyền lợi của người lao động, thúc đẩy việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận bảo đảm phúc lợi cho người lao động trong quá trình thực hiện Nghị quyết này.
Tại Hà Nội, Tháng Công nhân đã trở thành "điểm hẹn" hằng năm với cao
điểm chăm lo của công đoàn đối với đoàn viên, người lao động trong tháng
5. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)
Đón nhận chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều liên đoàn lao động cấp tỉnh, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên trực tiếp và công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đã tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân - Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động. Nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa với đoàn viên, công nhân viên chức lao động diễn ra như: tổ chức “Ngày hội cảm ơn người lao động”, “Ngày hội sáng kiến”, “Ngày hội văn hóa thể thao”; tôn vinh, biểu dương công nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua; tổ chức hội thi thợ giỏi.
Đáng chú ý là Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điểm mới trong Tháng Công nhân năm 2022. Các cấp Công đoàn thành phố sẽ thiết lập các điểm “Phúc lợi đoàn viên” gắn với đời sống hằng ngày của công nhân; tổ chức “Ngày hội sức khoẻ người lao động” khám, tầm soát sức khỏe, phân loại, tư vấn hỗ trợ điều trị phục hồi sau nhiễm COVID-19 cho 500 nữ công nhân tại quận Bình Tân. Trong đó, còn diễn ra nhiều chương trình như Ngày hội cán bộ, đoàn viên công đoàn tình nguyện tiêu biểu năm 2022; tuyên dương 50 cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19; triển lãm ảnh “Dấu ấn tình nguyện viên”; khai mạc hội thi online “Tìm hiểu về công tác an toàn vệ sinh lao động” cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên và người lao động trên địa bàn Thành phố; phát động Cuộc thi Thiết kế biểu trưng (Logo) Đại hội Công đoàn Thành phố lần thứ XII nhiệm kỳ 2023- 2028
Tại Hà Nội, Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2022 được tại sân nhà điều hành Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) với hơn 1.000 người tham gia.
Với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, các hoạt động Tháng Công nhân năm 2022 nhằm khơi dậy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, đồng thời phát huy vai trò tiên phong, tinh thần trách nhiệm của giai cấp công nhân Việt Nam trong thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để chiến thắng đại dịch. Qua đó, thúc đẩy sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và toàn xã hội trong chăm lo xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới./.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Tú
Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam