Thứ Tư, 2/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 29/8/2008 22:2'(GMT+7)

Rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ở Vĩnh Phúc

Thay mặt tỉnh Vĩnh Phúc, ông Trịnh Đình Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ đã báo cáo khái quát thành tựu mà Vĩnh Phúc đạt được sau hơn 10 năm tái lập tỉnh. Nổi bật là tăng trưởng bình quân của Vĩnh Phúc tăng 17,5%, thu hút trên 600 dự án với vốn đầu tư lên tới gần 4 tỷ USD. Đến năm ngoái, cơ cấu công nghiệp, xây dựng ở Vĩnh Phúc đã chiếm trên 61%; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 350 triệu USD, tăng gấp 25 lần so với thời điểm tái lập tỉnh năm 1997. Sau nửa nhiệm kỳ cụ thể hoá và thực hiện Nghị quyết Đại hội 10 của Đảng, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Hầu hết các chỉ tiêu KTXH chủ yếu đều đạt và vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đề ra, trong đó, GDP bình quân tăng trên 20%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 22 triệu đồng/ một năm (tương đương 1.300 USD). Tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm còn 10%.

Công nghiệp tại Vĩnh Phúc ngày càng khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế, riêng giá trị sản xuất công nghiệp của Vĩnh Phúc trong 8 tháng qua cũng đạt gần 22.000 tỷ đồng, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ là tỉnh đi đầu xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, Vĩnh Phúc còn xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ lĩnh vực này trong thời kỳ công nghiệp hoá, trong đó, tỉnh hỗ trợ thu nhập trong 5 năm cho người nông dân dành đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị, với hình thức hỗ trợ hơn 100 kg thóc cho mỗi sào đất nông nghiệp. Kinh phí đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2006-2010 là khoảng 1.000 tỷ đồng và đến năm 2015 sẽ lên tới 2.000 tỷ đồng…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc với tinh thần trách nhiệm cao nhất đã nỗ lực đạt được nhiều thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Công nghiệp của Vĩnh Phúc đứng thứ 3 phía Bắc chỉ sau Hà Nội và Hải Phòng. Vĩnh Phúc nằm trong số 12 tỉnh có thu nhập bình quần đầu người cao nhất cả nước, đặc biệt là phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực rất tốt. Vĩnh Phúc còn là địa phương xây dựng thí điểm và triển khai nhiều mô hình tốt, cách làm hay trong tổ chức tái định cư, giải phóng mặt bằng cũng như chăm lo phát triển nông nghiệp, nông thôn và đời sống người nông dân. Thủ tướng nêu rõ, nguyên nhân quan trọng để Vĩnh Phúc đạt được những thành tựu toàn diện như vừa qua, chính là nhờ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết nhất trí, đề cao tách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước, tập trung lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, năng động và sáng tạo trong tổ chức thực hiện.

Thủ tướng nêu rõ định hướng phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới là tính toán khai thác tốt hơn tiềm năng lợi thế của địa phương để phát triển bền vững, đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020. Trước hết là phát huy lợi thế về vị trí địa lý tiếp giáp với Hà Nội, nằm trong vùng quy hoạch Thủ đô và nằm trên trục hai hành lang, một vành đại kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vĩnh Phúc còn là địa phương có mặt bằng đất đai lớn, nhất là cần khai thác diện tích đất đồi để phát triển các cụm, khu công nghiệp. Thủ tướng ủng hộ phát triển mạnh công nghiệp nhưng yêu cầu Vĩnh Phúc phải tính toán phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, suất đầu tư trên 1 ha phải lớn, phải có sản phẩm có giá trị gia tăng cao để xuất khẩu… “Lợi thế có nhưng đất đai ít, chúng ta nhận những dự án chiếm nhiều diện tích mà suất đầu tư thấp là không được. Đi liền với phát triển công nghiệp là xây dựng quy hoạch và chính sách phát triển đô thị, chăm lo đến đời sống, nhà ở của người lao động” Thủ tướng chỉ đạo như vậy. 

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc tập trung quy hoạch lại diện tích nông nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết TW, dứt khoát phải giữ được diện tích đất lúa, gắn với xây dựng chính sách hỗ trợ người làm nông nghiệp có thu nhập bình quân không kém những ngành nghề khác. Thủ tướng nêu rõ, đất lúa không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, thu nhập của người nông dân mà còn là môi trường, cảnh quan và sinh thái. Vĩnh Phúc cần tính toán quy hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và nông nghiệp sạch.

Thủ tướng lưu ý tỉnh cần tập trung rút ngắn khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn; giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo, quan tâm đến đời sống người nghèo, người thu nhập thấp và công nhân lao động; tính toán khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ, nhất là của khu vực Tam Đảo, không thể chấp nhận một huyện Tam Đảo có nhiều tiềm năng như thế mà tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 30%, Thủ tướng nhấn mạnh như vậy và yêu cầu lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc từ nay đến cuối năm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhóm biện pháp ưu tiên kiềm chế giảm dần lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, quyết tâm phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 20% trong cả năm nay như đã đề ra, góp phần cùng với cả nước hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển KTXH năm 2008.


Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dâng hương và trồng cây lưu niệm tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ghi sổ lưu niệm tại đây, Thủ tướng nêu rõ: “Chúng ta nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúc Đảng bộ, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất nước ta”./.

Thành Chung-VOV
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất