Đây là hoạt động mừng Đảng – mừng Xuân góp phần tăng cường xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, tăng cường giao lưu tình cảm, động viên tinh thần, phấn khởi đón mừng xuân mới với khí thế mới của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Mở đầu cho các chuỗi sự kiện, đúng vào ngày Lễ tiễn Táo quân của người Kinh ngày 23 tháng Chạp năm Nhâm Thìn (ngày 3/2/2013), Lễ dựng cây nêu theo nghi thức truyền thống đã diễn ra Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Lễ dựng cây nêu và lễ hạ nêu là phong tục đẹp, giàu ý nghĩa của nhiều dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Cây nêu với nhiều dân tộc Việt Nam có một vị trí đặc biệt, không chỉ để trừ ma quỉ mà còn là biểu tượng của cây vũ trụ, chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.
Lễ dựng cây nêu tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Hồ Anh Tuấn cùng toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên, người lao động thuộc Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cùng đại diện sư thầy, bô lão, nhà nho đến từ các địa phương…
Lễ dựng cây nêu được thực hiện theo đúng nghi thức truyền thống của người Kinh vào dịp Lễ tiễn Táo quân. Cây nêu được dựng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một cây tre cao khoảng 5 - 6m. Sau khi tiến hành lễ cúng Ông Công Ông Táo, nhà nho trang trí cây nêu, chọn tranh Tết, viết câu đối. Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các cán bộ thuộc Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã thực hiện nghi thức treo câu đối, tranh, khánh nhà Phật, chuông, cá chép mã… lên ngọn cây. Tiếp đó, cây nêu được dựng ở chính giữa Quảng trường Tây Nguyên - Khu các làng dân tộc II, nghi thức thả các chép tại hồ Đồng Mô cũng đã hoàn thành.
Bô lão Nguyễn Vân Đài, 75 tuổi đến từ thôn Hậu, xã Liên Chung, Tân Yên, Bắc Giang, người chỉ huy dựng cây nêu chia sẻ: Tại quê hương Bắc Giang, mỗi dịp Tết đến xuân về, để chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền không chỉ có gói bánh chưng, bánh tét, quét dọn nhà cửa và bàn thờ gia tiên… mà cứ đến ngày 23 tháng Chạp nhà nào cũng dựng cây nêu trước nhà để trừ tà ma, quỷ quái, khẳng định mảnh đất đã có chủ quyền và không có thế lực nào có thể xâm phạm, xâm lấn. Đây cũng là nghi thức để đầu năm ngọn nêu vươn lên đón ánh nắng, sức sống mùa xuân với mong muốn mang lại sức khỏe, may mắn cho gia đình, làng xóm… Hôm nay, được chuẩn bị và cùng thực hiện nghi thức dựng cây nêu tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam là niềm vinh dự, niềm vui được hòa chung niềm vui của Làng trong không khí đón mừng xuân mới. Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam là gia đình lớn của 54 dân tộc anh em, bởi vậy việc dựng cây nêu lại càng có ý nghĩa lớn hơn đối với cộng đồng các dân tộc như câu đối “Gắn bó anh em vì đất nước/ Nêu cao khí phách giữa trời xanh”.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn: Năm nay, để phục vụ đồng bào, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo tổ chức 12 đoàn biểu diễn về tận các vùng sâu, vùng xa phục vụ đồng bào biên giới, hải đảo. Bộ cũng đã chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát việc tổ chức lễ hội tại các địa phương, làm sao tổ chức lễ hội vui vẻ, tiết kiệm. Đặc biệt là hướng các lễ hội về cơ sở, chuyển giao cho nhân dân, dân gian tổ chức. Năm 2012 là năm nền kinh tế có nhiều khó khăn, nhưng càng khó khăn càng cần phải tổ chức những ngày Tết vui vẻ, đầm ấm, tiết kiệm cho cộng đồng các dân tộc.
Thu Lê