Thứ Năm, 10/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 1/6/2010 23:13'(GMT+7)

Sân chơi, nhà trẻ cho trẻ em ở Hà Nội: Thiếu… nhưng vẫn bị bỏ phí

Sân chơi Con Voi ở phường Trung Tự đã bị xuống cấp và bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh.

Sân chơi Con Voi ở phường Trung Tự đã bị xuống cấp và bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh.

Hư hỏng và bị lấn chiếm

Trong khi chủ các cửa hàng game, cửa hàng cho thuê truyện đang hả hê với số lượng khách đông nghịt mỗi ngày, thì các bậc phụ huynh lại phải trăn trở với những câu hỏi: “Hè này cho con học thêm gì?”, ”Gửi con ở đâu”, “Biết đưa con đến điểm vui chơi nào?”... Trong cái nắng gay gắt đầu hè, trẻ em tranh thủ mọi nơi, mọi lúc để tìm cho mình điểm để vui chơi. Những bãi đất hoang tàn, nhếch nhác; vỉa hè, những con ngõ nhỏ, các vòng xuyến… tự bao giờ đã trở thành "sân chơi" của trẻ nhỏ.

Người ta không còn xa lạ với hình ảnh bà cháu dắt nhau len qua những chiếc xe trên con phố nhỏ để đi dạo; những cô bé, cậu bé đi xe đạp trên vỉa hè… Nguyên nhân là do khuôn viên cây xanh và sân chơi cho trẻ em Hà Nội còn quá ít so với nhu cầu của các em.

Đã tồn tại được gần chục năm, nhưng hiện nay sân chơi Con Voi với nhiều cầu trượt hình con voi ngộ nghĩnh ở phường Trung Tự đã bị bỏ hoang. Cầu trượt, đu quay, ghế đã hư hỏng và bỏ không... Thay vì được đầu tư để trở thành điểm vui chơi cho trẻ em, nơi nghỉ mát của các cụ già, thì không gian rộng rãi, thoáng mát ấy giờ đây đã biến thành một bãi cỏ dại; bãi trông giữ xe ngày đêm, điểm bán quần áo, đồ ăn của người dân ngoại tỉnh. Vừa qua, nếu người dân nơi đây không kiên quyết phản đối thì quận Đống Đa đã biến sân chơi này thành một khu chợ...

Hàng loạt các sân chơi khác trong khu tập thể của phường Kim Liên, Nghĩa Tân, Giảng Võ… cũng trong cảnh tương tự. Dù số lượng trẻ em rất lớn, nhưng các khu tập thể phường Nghĩa Tân chỉ có hai sân chơi với diện tích rất nhỏ. Sân chơi cho trẻ em và vườn hoa dành cho người cao tuổi của khu tập thể C1 Bắc Nghĩa Tân hiện cũng đã bị lấn chiếm bởi các hộ kinh doanh đồ ăn, nước uống.

Chị Vũ Thị Mai (quận Đống Đa) cho biết: “Mỗi khi thằng bé nhà tôi đòi đi chơi, tôi lại phải đưa cháu ra mấy cửa hàng truyện tranh, rồi hai mẹ con cùng ngồi đọc. Thỉnh thoảng tôi mua đồ chơi về cho cháu tự chơi ở nhà. Công viên, điểm vui chơi quá ít nên rất đông đúc. Trò chơi thiếu và còn thô sơ”…

Nhiều chung cư, đô thị mới dù đã được thiết kế có sân chơi cho trẻ em, nhưng diện tích sân còn quá nhỏ so với nhu cầu của trẻ. Khuôn viên dành cho trẻ em vui chơi của Làng Quốc tế Thăng Long, chung cư cao cấp Trung Hoà – Nhân Chính đã trở thành bãi tập kết của xe ô tô, xe máy.

Trong khi sân chơi cho trẻ em còn thiếu trầm trọng thì một trường học trong khu đô thị mới Định Công - Hoàng Mai với cơ sở hạ tầng kiên cố, vững chắc lại đang bị bỏ hoang. Nếu không tìm hiểu trước, tôi đã ngỡ đây là một công trình đang được xây dựng và sắp đi vào hoạt động. Theo người dân nơi đây, công trình này đã hoàn thành từ năm 2006 và đã có lúc là trường mầm non Bình Minh.

Ông Trần Văn Tưởng (30B Định Công) cho biết, toà nhà này được trang bị đầy đủ tiện nghi, có sân chơi rộng rãi dành cho học sinh. Vào học được hơn một năm thì trường ngừng hoạt động vì lý do "trục trặc nội bộ" .

Cần lắm sân chơi cho trẻ em

Hầu hết các đô thị, thành phố lớn đều trong tình trạng thiếu sân chơi lành mạnh cho trẻ em. Theo thống kê, cả nước hiện mới có gần 50% xã, phường có khu vui chơi, giải trí cho trẻ em. Mục tiêu năm 2010 sẽ có 70% xã, phường có sân chơi cho trẻ sẽ rất khó thành hiện thực, trong khi nhiều địa phương lúc quy hoạch đất đã “quên” mất quỹ đất dành cho trẻ em.

Trường mầm non Bình Minh bỏ không gần 5 năm nay.

Nhiều trẻ em hư hỏng, bỏ học để đi chơi, phát triển không toàn diện về thể chất và tinh thần, một phần nguyên nhân là do thiếu sân chơi lành mạnh. Một thực tế nữa là, khi không có điểm vui chơi, trẻ em vùng nông thôn đua nhau ra sông, hồ tắm dẫn đến nhiều trường hợp bị chết đuối. Trên các con phố, trẻ em tận dụng những vòng xuyến để đá bóng, gây tai nạn giao thông. Trẻ chơi trong công viên, bắt gặp những hình ảnh thiếu lành mạnh của các đôi nam nữ, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý. Trẻ “say” game quên ăn, quên học… cũng vì thiếu điểm vui chơi lành mạnh, hấp dẫn.

So với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội thiếu nhiều điểm vui chơi hơn. Tại các khu đô thị mới, chúng ta dễ dàng tìm thấy các siêu thị, nhà hàng…nhưng rất khó để tìm được một điểm vui chơi cho trẻ nhỏ.

Ông Nguyễn Trọng An, Cục phó Cục Bảo vệ trẻ em nhấn mạnh, trước hết, mỗi khu dân cư khi làm quy hoạch đất, phải có một phần diện tích dành cho việc đầu tư, xây dựng thư viện, điểm vui chơi, giải trí lành mạnh cho trẻ em. Điều này vừa có lợi về mặt kinh tế, vừa mang lại hiệu quả xã hội rộng lớn. Đừng nghĩ quỹ đất dành cho điểm vui chơi thì không sinh lời và xem nhẹ. Trẻ em là tương lai của đất nước. Đầu tư cho trẻ em phát triển toàn diện chính là sự đầu tư bền vững, hiệu quả và ý nghĩa nhất”./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất