(TG) - Từ câu “đức trọng, quyền cao” rất giàu ý nghĩa của ông cha mà thời nay người ta lại nói chệch sang là “chức trọng, quyền cao” với hàm ý là trọng chức tước, quyền lực chứ không phải là trọng nhân cách, đạo đức.
Khá lâu tôi mới gặp ông - người mà tôi rất mực kính trọng bởi hồi còn đương chức, ông là một cán bộ cao cấp luôn cống hiến vì việc chung và nặng lòng với quốc gia đại sự. Sau những câu hỏi thăm thân tình, tôi nhã ý hỏi ông: - Khoảng chục năm ở vị trí chức trọng quyền cao của một địa phương và một ngành, điều gì khiến ông chưa toại nguyện?.
Ông nhẹ nhàng hỏi lại: - Thế cậu hiểu thế nào là “chức trọng quyền cao?.
Tôi thật thà đáp: - Chức trọng quyền cao hiểu hôm na là người có chức vụ quan trọng, địa vị xã hội cao, quyền lực lớn, được nhiều người vị nể.
- Cậu hiểu thế không sai nhưng lại chưa đúng với lời ông cha ta truyền dạy. Xuất xứ của câu nói đó là “đức trọng, quyền cao”, nhưng sau này nhiều người nói chệch là “chức trọng, quyền cao”. Người có chức trọng thì sở hữu quyền hành cao và ngược lại, người ở địa vị cao, có quyền lực lớn thì phải xuất phát từ chức vụ quan trọng rồi. Điều hiển nhiên đó có gì mà bàn luận!
“Đức trọng, quyền cao” là một châm ngôn giàu ý nghĩa. “Đức” chính là đạo đức, tâm đức; “đức trọng” là đức lớn. Chữ “trọng” còn có nghĩa là “sức nặng”, hiểu khái quát là có trọng lượng, giá trị. “Đức trọng, quyền cao” có thể hiểu là dựa trên đạo đức nhân cách tốt đẹp để mà trao quyền lực. Tại sao phải lựa chọn người có đạo đức, nhân cách tử tế để trao quyền lực chính trị cho họ? Bởi ông cha ta rất coi trọng chữ đức, chữ hiền, chữ tâm. “Có đức mặc sức mà ăn” (tục ngữ); “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” (Thân Nhân Trung); “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du)…
Ông cha ta hay nói “đức cao vọng trọng”, “trọng nghĩa khinh tài” (“tài” trong trường hợp này được hiểu là tài lợi, vật chất), mà không phải là “quyền cao vọng trọng” hay “tài cao vọng trọng”. Bởi vì văn hóa truyền thống của dân tộc ta luôn đề cao nhân nghĩa, đạo đức. Người có “đức cao” mới được “vọng trọng”, tức là người có tư cách, phẩm hạnh đạo đức hơn người mới thu hút sự trân quý, kính trọng, ngưỡng mộ của người khác. Ở nghĩa sâu xa hơn, đức hạnh của một người khi được đo lường bằng cả mức độ lớn - bé, chiều kích cao - thấp, trọng lượng nặng - nhẹ mới là mấu chốt để họ được giao/trao quyền lực, chức trách, nhiệm vụ tương xứng với “mức độ, chiều kích, trọng lượng” của đạo đức. Cái danh đi liền cái vọng. Người có tâm đức khi làm được những điều muôn dân mong muốn, kỳ vọng thì danh tiếng, danh vọng của họ sẽ được người dân coi trọng, trân trọng, kính trọng. Hay nói cách khác, một người có đức hạnh cao quý thì mới thực tâm làm những việc tốt đẹp để đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, từ đó họ mới được người dân tôn trọng, quý mến.
Lời người xưa truyền lại, tiếc thay hậu thế đã nói chệch, hiểu khác đi, thế nên chốn quan trường mới xảy ra bao chuyện phiền toái, nhiễu nhương. Đáng lẽ trong công tác nhân sự, người ta phải coi trọng những người có tâm đức thực sự để trao quyền lực, mà địa vị càng cao, quyền lực càng lớn thì người sở hữu nó càng phải có tâm đức cao thượng. Người có phẩm hạnh đạo đức là mười thì chỉ có thể giao cho quyền lực đến bảy, tám là vừa, tức là trao quyền lực ít/nhẹ hơn thì người ta sẽ gánh vác được công việc, chức trách một cách thuận lợi. Ngược lại, tư cách đạo đức thấp, mà lại giao địa vị cao, trao quyền nhiều, quyền lớn thì khác chi người thấp bé nhẹ cân mà phải gồng gánh trên vai trọng lượng quá sức lực. Khi đạo đức không tương xứng với địa vị, quyền lực, thì chẳng khác nào “gửi trứng cho ác”, sai lầm, tai họa cũng từ đó mà ra.
Nhà Phật có câu “hậu đức tải vật” với một hàm ý rằng chỉ khi chúng ta có đức dày thì mới mang tải được vạn vật. Ngược lại là câu “đức phối bất vị” với ngụ ý, nếu đức hạnh của chúng ta không tương xứng với địa vị thì sẽ gặp quả báo. Nhà Phật cũng khuyên răn, đức mỏng mà quyền cao, công lao ít mà hưởng tài lộc nhiều, trí tuệ nhỏ mà âm mưu lớn, hành xử sai thì đều gieo những mầm tai họa khôn lường.
Đáng buồn thay, từ câu “đức trọng, quyền cao” rất giàu ý nghĩa của ông cha mà thời nay người ta lại nói chệch sang là “chức trọng, quyền cao” với hàm ý là trọng chức tước, quyền lực chứ không phải là trọng nhân cách, đạo đức. Phải chăng đó chính là căn nguyên sâu xa khiến cho tình trạng“chạy chức, chạy quyền” như một cuộc “đọ sức marathon”diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành? Và phải chăng đó cũng là một trong những nguồn cơn khiến một bộ phận quan chức tha hóa quyền lực nghiêm trọng khiến lòng dân khó yên?./.
THIỆN VĂN