Đây là bước thứ hai trong các bước tiến hành Tổng điều tra cũng là bước quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của cuộc Tổng điều tra.
Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 bao gồm 3 bước chính: bước chuẩn bị, bước điều tra thu thập thong tin và bước xử lý, tổng hợp, công bố kết quả điều tra. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng đi ều tra Dân số và Nhà ở Trung ương (DSNƠ T Ư) cho rằng, n ếu công tác chuẩn bị được thực hiện tốt thì cuộc Tổng điều tra đã thành công được 50%. Vì vậy, cần phải chuẩn bị tích cực, đầy đủ, sẵn sàng nhất cho công tác tổng điều tra trên phạm vi cả nước.
Các địa phương đã sẵn sàng cho cuộc Tổng điều tra dân số 2009
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Hòa kiêm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc Tổng điều tra cho biết, tính đến nay công tác chuẩn bị đã được BCĐ Tổng điều tra các cấp, ngành triển khai quyết liệt với nỗ lực cao và khẩn trương nên hầu hết các công việc đã được thực hiện đúng kế hoạch đề ra.
Tất cả các địa phương đã hoàn thành việc phân định địa bàn điều tra, vẽ sơ đồ và lập bảng kê và đang triển khai công tác lập danh sách nhân khẩu đặc thù. BCĐ các cấp đã chỉ đạo tiến hành rà soát, hiệu chỉnh kết quả vẽ sơ đồ, lập bảng kê tại các xã/phường nhằm tránh xảy ra tình trạng bỏ sót hộ, nhân khẩu có thể xảy ra.
Đối với tập huấn nghiệp vụ điều tra và công tác giám sát, trên phạm vi cả nước đã tiến hành 5.000 lớp tập huấn cho BCĐ các cấp về công tác quản lý Tổng điều tra, tập huấn nghiệp vụ điều tra cho 30.000 người trực tiếp tham gia điều tra…Việc giám sát các khâu trên cũng đã và đang được thực hiện. Thứ trưởng Nguyễn Đức Hòa cho biết thêm, kết quả giám sát cho thấy sai sót không nhiều. Tuy nhiên cũng đã phát hiện ra sự thiếu hụt và một số địa phương bị trùng về số hộ và nhân khẩu. Vấn đề này đã được BCĐ TƯ kịp thời chỉ đạo và các địa phương đang tiếp tục khẩn trương rà soát, hiệu chỉnh cho sát, đúng với thực tế. Các phiếu điều tra, các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, văn phòng phẩm đều đã được chuyển xuống các địa phương.
Đến nay, các địa phương đều khẳng định công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra DSNƠ toàn quốc ở địa bàn mình đã sẵn sàng. Tuy nhiên, một số địa phương nhất là những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc huy động lực lượng lớn các điều tra viên gặp khó khăn. Ngoài ra, kinh phí phục vụ cho công tác điều tra còn hạn chế...
Tháng 7/2009, công bố sơ bộ kết quả Tổng điều tra
BCĐ Tổng điều tra DSNƠ TƯ yêu cầu việc tập huấn nghiệp vụ điều tra phải hoàn thành chậm nhất là ngày 26/3/09; công tác tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh, tập trung tối đa trong thời gian từ nay đến thời điểm Tổng điều tra cũng như trong suốt quá trình điều tra thu thập thông tin (dự kiến là 15 ngày).
BCĐ TƯ cũng yêu cầu, các khâu tiếp theo phải tri ển khai thực hiện ngay sau khi kết thúc bước điều tra thu thập thông tin. Trong đó, việc tổng hợp sơ bộ, giao nhận và bảo quản tài liệu phải được các hộ, tổ trưởng và điều tra viên bàn giao lên BCĐ xã, phường vào ngày 20/4/2009, BCĐ xã, phường bàn giao c ho BCĐ cấp quận, huyện trước ngày 25/4/2009, BCĐ cấp quận, huyện bàn giao tiếp lên cấp tỉnh, thành phố trước ngày 5/5/2009 và BCĐ cấp tỉnh, thành phố bàn giao cho BCĐ TƯ trước 10/5/2009.
Ngoài ra các khâu như kiểm tra và ghi mã số; phúc tra kết quả điều tra phải được tiến hành đầy đủ, đúng phương pháp nghiệp vụ chuyên môn, tránh tình tr ạng bỏ qua hoặc tiến hành một cách không nghiêm túc theo yêu cầu, kế hoạch đ ề ra.
Công tác xử lý, tổng hợp kết quả Tổng điều tra 2009 do 3 Trung tâm Tin học Thống kê ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng thực hiện. Kết quả Tổng điều tra sẽ được phổ biến kịp thời, rộng rãi minh bạch đúng quy định: kết quả sơ bộ của Tổng điều tra sẽ được công bố vào tháng 7/2009. Kết quả điều tra mẫu công bố vào tháng 12/2009. Kết quả điều tra toàn bộ công bố vào quý III/2010.
Không để bất kỳ khó khăn nào làm ảnh hưởng đến cuộc Tổng điều tra DSNƠ 2009
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu như vậy, sau khi nghe ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương. Phó Thủ tướng đề nghị, cần nhận thức tầm quan trọng của tổng điều tra DSNƠ, bởi 10 năm mới tiến hành 1 lần. Mặt khác, trên phạm vi rộng với dân số gần 87 triệu người, trên 21 triệu hộ cuộc Tổng điều tra năm 2009 không chỉ điều tra về dân số mà còn điều tra về nhà ở. Đây là 2 chỉ tiêu quan trọng để làm căn cứ kiểm điểm chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm qua cũng như hoạch định chủ trương, chiến lược phát triển trong 10 năm tới, từ năm 2011 đến năm 2020 về kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, đây là nhiệm vụ của cấp uỷ chính quyền, của toàn Đảng, toàn dân. Nếu không coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng để tập trung lực lượng từ TƯ đến địa phương thì cuộc điều tra sẽ gặp khó khăn.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị, phải chú trọng và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền vận động, tuyên truyền đến từng gia đình để mỗi người dân hiểu và ủng hộ cuộc Tổng điều tra này. Riêng đối với công tác điều tra, thu thập thông tin phải được triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước, bắt đầu từ ngày 1/4/2009 (tiến hành trong 20 ngày).
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, việc thống kê sẽ khó tránh khỏi sai số, tuy nhiên nguyên tắc không cho phép sai số dù là 1%. Ngoài ra, các công việc hậu cần, phương tiện, kinh phí phải bảo đảm kịp thời trong giai đoạn chuẩn bị tiến hành điều tra. Không để bất cứ khó khăn nào cản trở cuộc tổng điều tra. BCĐ TƯ phải kịp thời nắm bắt tình hình để giải quyết, BCĐ địa phương phải sát sao tới từng hộ dân.
Liên quan tới bảo đảm an ninh và an toàn cho cuộc Tổng điều tra, Phó Thủ tướng yêu cầu, BCĐ phải quan tâm đến việc bảo đảm an toàn cho cán bộ điều tra, tổ trưởng, kiểm soát, phúc tra, cán bộ chỉ đạo cũng như cho từng làng, bản, thôn xóm và bản thân mỗi người dân./.
(Theo: chinhphu.vn)