Thứ Sáu, 27/9/2024
Pháp luật
Thứ Năm, 19/3/2009 21:58'(GMT+7)

Công bố hai Pháp lệnh ngành Điều tra hình sự và Tư pháp

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Lục đọc Lệnh của Chủ tịch nước. Ảnh: Chinhphu.vn

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Lục đọc Lệnh của Chủ tịch nước. Ảnh: Chinhphu.vn

Thiếu tướng Triệu Văn Đạt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết: “Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự sẽ tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động phòng, chống tội phạm về ma túy của lực lượng phòng chống ma túy Bộ đội biên phòng và lực lượng cảnh sát biển thuộc Bộ Quốc phòng, cũng như hoạt động phòng, chống tội phạm về môi trường của lực lượng cảnh sát môi trường, Bộ Công an”.

Thiếu tướng Đạt cho biết thêm, từ tháng 11/2004, Bộ Quốc phòng đã thành lập một số đơn vị chuyên trách phòng chống tội phạm về ma túy trong Bộ đội biên phòng và lực lượng Cảnh sát biển.

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng, do thành lập sau khi Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự đã ban hành nên Pháp lệnh chưa quy định cho lực lượng này có quyền hạn điều tra với một số tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, mà quyền hạn này được giao cho Cục Trinh sát Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Đó là một trong những vướng mắc làm hạn chế hoạt động của lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng thời gian qua.

Tương tự như vậy, ra đời vào tháng 11/2006, lực lượng Cảnh sát môi trường cũng chưa được tiến hành một số hoạt động điều tra tội phạm về môi trường, trong khi chỉ trong 2 năm đi vào hoạt động, lực lượng này đã phối hợp điều tra và xử lý hơn 750 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, truy thu phí môi trường với tổng số tiền trên 130 tỷ đồng.

Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2009.

Đối với Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, ông Từ Văn Nhũ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, khái niệm án phí được hiểu là khoản tiền để chi phí cho hoạt động tố tụng khi giải quyết vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính do người bị kết án, đương sự nộp cho Nhà nước để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí tố tụng theo quyết định của tòa án.

Điều 11 của Pháp lệnh nêu rõ, người lao động sẽ được miễn án phí nếu khởi kiện đòi bồi thường tai nạn lao động, giải quyết những thiệt hại hoặc bị sa thải, chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.

Ngoài ra, các đối tượng sau đây cũng sẽ được miễn toàn bộ án phí: Người khởi kiện các vụ án hành chính là thương binh, bố mẹ liệt sĩ, người có công; các hộ nghèo hoặc những người yêu cầu bồi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.

Pháp lệnh cũng quy định về các loại án phí, lệ phí toà án; điều kiện, thủ tục miễn; những trường hợp không phải nộp tiền; cơ quan có thẩm quyền thu; xử lý tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí toà án; giải quyết khiếu nại về án phí, lệ phí. Mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại cũng được điều chỉnh tăng 4 lần so với quy định hiện hành.

(
Theo VietNamNet)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất