Phiên họp thứ năm của Hội đồng bầu cử quốc gia
Tiếp tục triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, sáng 18/5, Hội đồng bầu cử quốc gia họp phiên thứ năm tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân. Tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia; đại diện lãnh đạo Ban tổ chức Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Ban Công tác đại biểu và đại diện các Tiểu ban giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Phiên họp toàn thể lần thứ năm nhằm đánh giá lại những công việc đã làm thời gian qua. Công việc chuẩn bị cho công tác bầu cử đã được triển khai tích cực, khẩn trương từ Trung ương tới địa phương theo đúng tiến độ đề ra. Các công việc như: Thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; lập và niêm yết danh sách cử tri; tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để các ứng cử viên thực hiện quyền vận động bầu cử; việc giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử cũng như giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan tới bầu cử; công tác thông tin tuyên truyền, đảm bảo an ninh, an toàn cho bầu cử đã được tiến hành theo đúng quy định.
Nhấn mạnh chỉ còn 4 ngày nữa là tới ngày bầu cử 22/5/2016, thay mặt Hội đồng bầu cử quốc gia, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương và các cơ quan có liên quan tích cực, chủ động triển khai tất cả các công việc lãnh đạo, chỉ đạo để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công tốt đẹp, để ngày 22/5/2016 thực sự là ngày hội của toàn dân.
Tại phiên họp này, Hội đồng bầu cử quốc gia dành thời gian xem xét, thảo luận về: Báo cáo tình hình triển khai công tác chuẩn bị bầu cử từ sau khi công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đến nay, một số nhiệm vụ trọng tâm cần chỉ đạo từ nay đến ngày bầu cử; Báo cáo tình hình công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau ngày bầu cử; Báo cáo tình hình và kết quả triển khai thực hiện công tác tuyên truyền về bầu cử trong cả nước; Báo cáo tình hình giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Báo cáo của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia về tình hình triển khai công tác chuẩn bị bầu cử cho thấy, vào thời điểm hiện tại công tác bầu cử đã bước vào giai đoạn nước rút, với việc tổ chức vận động bầu cử, hoàn thành việc lập, niêm yết danh sách cử tri, kịp thời giải quyết, xử lý và trả lời đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân về những người tham gia ứng cử. Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu, Khánh Hòa đã có một số khu vực tổ chức bầu cử sớm. Ngoài ra, Báo cáo cũng nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai từ nay đến ngày bầu cử và một số vấn đề đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia quan tâm chỉ đạo, gồm những nội dung công việc chủ yếu sau:
Hoàn thành việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri và công tác vận động bầu cử của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, bảo đảm để các ứng cử viên được tiếp xúc, truyền tải đầy đủ chương trình hành động, thông tin về bản thân tới cử tri và nhân dân nơi ứng cử. Chỉ đạo việc cấp phát kinh phí còn lại, bổ sung kinh phí cho những địa phương đặc biệt khó khăn; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết phục vụ ngày bầu cử bảo đảm kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả.
Tổ chức họp báo về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử (dự kiến họp báo vào ngày 20/5/2016); chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền về bầu cử, đặc biệt là về ý nghĩa của cuộc bầu cử, ngày bầu cử, danh sách những người ứng cử, cách thức bỏ phiếu… tạo không khí phấn khởi, hồ hởi trong nhân dân bằng các hình thức tuyên truyền đa dạng, sinh động, hiệu quả để cử tri, nhất là các đối tượng bước vào độ tuổi đi bầu nắm được thông tin, tích cực tham dự bỏ phiếu đông đủ, đúng giờ; đẩy mạnh trang trí, trang hoàng ở các khu dân cư, khu công cộng, điểm bỏ phiếu …
Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đề phòng sự phá hoại của các thế lực thù địch, phản động. Giao ban thường xuyên, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng bảo vệ bầu cử. Kiên quyết không để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo quần chúng, phá hoại cuộc bầu cử. Bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng của nhân dân trong dịp bầu cử.
Nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử của các Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban bầu cử; lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước, gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trình Quốc hội khóa mới.
Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV trong cả nước chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử; xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội. Chuyển các hồ sơ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến công tác bầu cử mà chưa được giải quyết đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV; trình Quốc hội khóa mới báo cáo tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu. Bàn giao biên bản tổng kết và hồ sơ tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Giao lưu trực tuyến "Ngày hội non sông"
Sáng 18/5, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Ngày hội non sông”. Cuộc giao lưu được tổ chức ngay trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021, ngày 22/5. Đây là ngày hội lớn của đất nước, cử tri cả nước nêu cao tinh thần làm chủ, ý thức tự giác tham gia bầu cử lựa chọn những người tiêu biểu nhất đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tham gia vào Quốc hội và HĐND các cấp.
Khách mời của cuộc giao lưu có ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Ủy viên Tiểu ban Văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền, Hội đồng bầu cử Quốc gia; ông Trần Đình Long - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Các câu hỏi của độc giả tham gia cuộc giao lưu tập trung vào công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng quy định, đúng tiến độ và đạt kết quả tốt đẹp. Công tác hiệp thương lựa chọn những người ưu tú nhất, đủ tiêu chuẩn, điền kiện, năng lực và phẩm chất tham gia Quốc hội và HĐND. Công tác vận động bầu cử được tiến hành công bằng, dân chủ, bình đẳng và đúng pháp luật thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri...
Trả lời câu hỏi về những nét mới trong tổ chức cuộc bầu cử bảo đảm dân chủ, công bằng, bình đẳng và đúng pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến cho biết: Trước ngày hội bầu cử, công tác chuẩn bị được chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương tiến hành rất chu đáo, bài bản. Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Đó là những căn cứ pháp lý quan trọng để cử tri tiến hành bầu cử bảo đảm dân chủ, công bằng, bình đẳng và đúng pháp luật.
Công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử được tiến hành liên tục, thành nhiều đợt. Trước hết là tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của Ngày hội non sông, tuyên truyền để cử tri hiểu được pháp luật về bầu cử. Giai đoạn tiếp theo là tuyên truyền về các ứng cử viên – người mà cử tri sẽ lựa chọn bầu vào các cơ quan quyền lực ở trung ương và địa phương. Cận kề đến ngày bầu cử, công tác thông tin tuyên truyền tập trung vào việc động viên cử tri hăng hái đi bầu, thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với đất nước. Trong và sau ngày bầu cử, tuyên truyền sâu đậm về thắng lợi to lớn của cuộc bầu cử.
Xung quanh câu hỏi về việc bảo đảm dân chủ, công bằng, bình đẳng giữa các ứng cử viên trong vận động bầu cử, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long nêu rõ: Dân chủ, công khai, bình đẳng là một trong những nguyên tắc vận động bầu cử của ứng cử viên. Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thì Ủy ban MTTQ Việt Nam, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan báo chí có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, vận động bầu cử nói chung; đồng thời, tổ chức cho ứng cử viên vận động bầu cử. Việc tuyên truyền vận động bầu cử phải được công khai từ việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử đến việc niêm yết danh sách cử tri, danh sách ứng cử viên, tiểu sử tóm tắt của ứng cử viên và chương trình hành động của từng ứng cử viên. Việc đăng trên báo phát thanh, truyền hình phải bình đẳng về thời gian, thời lượng giữa các ứng cử viên trên từng đơn vị bầu cử.
Về hình thức vận động bầu cử của từng ứng cử viên, chủ yếu có hai hình thức chính. Một là tiếp xúc cử tri thông qua Hội nghị cử tri do Ủy ban MTTQ tổ chức. Hai là hình thức đăng trên báo, phát trên đài phát thanh, truyền hình và các loại hình báo chí khác. Đồng thời, Luật cũng quy định các hành vi bị cấm trong quá trình vận động bầu cử và đó là điều mà các cơ quan tuyên truyền và các ứng cử viên phải tuân thủ.
Đối với câu hỏi hội phụ nữ các cấp có kế hoạch, giải pháp tuyên truyền như thế nào để động viên các tầng lớp nhân dân đi bỏ phiếu với tỷ lệ cao, theo đúng quy định của luật, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho biết có nhiều hình thức để tuyên truyền tới hội viên phụ nữ trong cả nước. Cấp Trung ương, ngoài việc gửi bài trên tạp chí, báo cáo viên còn có tài liệu tuyên truyền về công tác bầu cử trong tờ thông tin phụ nữ số 8.3, xây dựng tài liệu sinh hoạt hội viên dưới dạng hỏi đáp... Trung ương Hội còn phát hành một sản phẩm truyền thông bằng quạt giấy để truyền thông những nội dung cơ bản bảo đảm bình đẳng giới trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Ở các cấp hội cũng tổ chức rất nhiều hình thức tuyên truyền như tổ chức hội đàm, hội thảo, gặp gỡ các nữ ứng cử viên, giao lưu văn nghệ tuyên truyền bầu cử, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật, in ấn các băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về bầu cử. Bên cạnh đó, còn tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến cơ sở. Ở vùng sâu, vùng xa, Hội đã chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với Bộ đội biên phòng để tuyên truyền cho chị em tham gia các công tác bầu cử như tiếp xúc cử tri và trực tiếp đi bỏ phiếu... Với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng đã nâng cao nhận thức của phụ nữ về quyền và trách nhiệm tham gia công tác bầu cử.
Trước câu hỏi của độc giả đâu là động lực để cử tri tham gia bầu cử đầy đủ, trách nhiệm, ông Vũ Mão đã trao đổi thẳng thắn. Theo ông, một là, cơ quan quyền lực phải thực sự làm đúng trách nhiệm của mình như Hiến pháp và các văn bản pháp luật quy định. Vừa qua, HĐND các cấp hoạt động còn nhiều hạn chế, nhân dân chưa gửi gắm niềm tin được nhiều. Để khắc phục tình trạng đó thì phải quy định rất cụ thể quyền hạn và điều kiện cho HĐND các cấp. Hai là, các đại biểu dân cử phải là những người gương mẫu, trong sáng nhất và dám thẳng thắn nói lên những nguyện vọng của nhân dân. Phải nghiên cứu để tìm ra những nguyên nhân của những sai phạm mà cử tri kiến nghị để phản ánh, đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Đại biểu của dân phải đi đến cùng trong những công việc này. Ba là, đại biểu của dân thì phải gần dân, phải thường xuyên đến với dân để lắng nghe những tâm tư, thắc mắc và nguyện vọng của dân....
Thông qua chương trình giao lưu, đã góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử đến cử tri, tạo điều kiện cho mọi công dân nắm vững quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc lựa chọn những người tiêu biểu nhất, đại diện cho quyền lợi, ý chí, nguyện vọng của nhân dân tham gia vào Quốc hội và HĐND các cấp.
Đồng bào vùng cao Tuyên Quang hân hoan đón ngày hội của toàn dân
Những ngày này, tại các xã vùng cao ở Tuyên Quang, không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử diễn ra khẩn trương. Dọc tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã rực rỡ sắc màu của băng rôn, áp phích cổ động cho ngày bầu cử. Người dân ai cũng hân hoan, mong chờ đến ngày được tự tay cầm lá phiếu, chọn người có đức, có tài, đại diện cho mình quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, của địa phương. Cũng như các địa phương khác ở Tuyên Quang, thôn Nắc Con 2 (xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên) nơi có 100% đồng bào dân tộc Dao quần trắng sinh sống đã hoàn thành công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử, sẵn sàng đón chào ngày hội lớn của toàn dân.
Ông Lý Văn Quý, Trưởng thôn Nắc Con 2, xã Yên Lâm chia sẻ: Cách đây vài tháng, Ban công tác mặt trận thôn được đi tập huấn ở xã, ở huyện về công tác tuyên truyền, vận động cử tri đi bỏ phiếu đầy đủ, đúng luật vì đây là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân. Thôn có 335 cử tri, 100% là đồng bào dân tộc Dao quần trắng. Gần đến ngày bầu cử, cử tri trong thôn đã tới điểm niêm yết danh sách các ứng cử viên để đọc thông tin về những ứng cử viên, từ đó lựa chọn những người xứng đáng đại diện cho người dân nói lên những tâm tư, nguyện vọng của bà con trước Quốc hội.
Cử tri Lý Thị Xuyên, thôn Nắc Con 2 cho biết: Lần bầu cử này, được cán bộ về tận cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn rất chu đáo, cẩn thận nên người dân rất yên tâm. Tới đây mọi người sẽ cùng nhau đi bầu cử đảm bảo đúng giờ, đúng quy định. Nhâm nhi chén nước chè đặc quánh, ông Hoàng Văn Long, Trưởng thôn Ngõa, xã Yên Lâm cho biết: Đến nay, mọi công việc chuẩn bị cho bầu cử của thôn đã hoàn tất. Chúng tôi đã phát thẻ cử tri cho mọi người. Thôn có 286 cử tri chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Tày. Bà con trong thôn ai cũng phấn khởi mong chờ đến ngày 22/5 sẽ gác mọi công việc nương, rẫy để đi bầu cử.
Lần đầu tiên được đi bầu cử, cử tri Trương Văn Kiểm, dân tộc Tày, thôn Ngõa, xã Yên Lâm tâm sự: "Tôi rất vinh dự khi lần đầu tiên được đi bầu cử. Lúc đầu tôi cảm thấy hồi hộp nhưng sau khi được cán bộ tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của cử tri, tôi cảm thấy rất tự tin. Thôn tôi còn nhiều khó khăn, muốn đổi mới, phải lựa chọn người xứng đáng, thay mặt mình nói lên tâm tư, nguyện vọng chung của bà con trong thôn..."
Ông Đặng Văn Vi, 78 tuổi, cử tri cao tuổi nhất thôn Ngõa, xã Yên Lâm bày tỏ: Người dân đặt rất nhiều kỳ vọng ở kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND sắp tới. Các đại biểu sau khi được bầu, sẽ đem trình độ, kiến thức của mình để đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Người dân thôn Ngõa mong muốn, các đại biểu khóa tới sẽ có những việc làm thiết thực như: quan tâm cải tạo và nâng cấp đường vào thôn, công tác chăm sóc sức khỏe; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp để cuộc sống người dân trong thôn ngày càng được ổn định…
Xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang là xã thuộc Chương trình 135, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Để ngày bầu cử thật sự trở thành ngày hội của toàn dân, sau khi tiếp thu, quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên, xã đã chỉ đạo các đơn vị bầu cử tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân trên địa bàn xã nắm rõ qui định, quy trình của cuộc bầu cử cũng như quyền và nghĩa vụ của công dân đối với cuộc bầu cử.
Ông Trần Văn Dinh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử xã Yên Lâm cho biết: Xã có 10 thôn, bản, được thành lập 6 đơn vị bầu cử với 9 khu vực bỏ phiếu. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ bầu cử đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày hội lớn. Thời gian qua, các ban bầu cử, tổ bầu cử kết hợp với các ban phát triển công tác thôn, bản đã tổ chức tuyên truyền theo từng đợt, đúng quy định. Ngoài ra, trong các cuộc họp thôn, bản, cán bộ tư pháp và cán bộ văn hóa, thông tin của xã đã trực tiếp tuyên truyền về Luật bầu cử, qua đó cử tri nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình để tham gia bầu cử.
Chia tay xã Yên Lâm, chúng tôi cảm nhận không khí thi đua lao động sản xuất, các hoạt động chuẩn bị, chào đón ngày bầu cử đang rất khẩn trương. Đồng bào dân tộc ở Yên Lâm nói riêng, đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nói chung đang mong chờ ngày hội lớn của toàn dân với niềm tin vào những đại biểu xứng đáng trở thành người đại diện của nhân dân./.
TG tổng hợp