Theo thống kê từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ năm 2000 đến năm 2015, cả nước đã ghi nhận trên 250 đợt lũ quét, sạt lở, làm chết và mất tích 646 người, hơn 9700 ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều công trình dân sinh, giao thông, thủy lợi bị hư hại, thiệt hại về kinh tế ước tính trên 3300 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong đợt mưa lũ lịch sử diễn ra từ ngày 10/10 vừa qua, đã có gần 50 người thiệt mạng, nâng tổng số người chết do sạt lở, lũ quét từ đầu năm 2017 đến nay lên hơn 100 người.
Trong bối cảnh sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, hội thảo đã thu hút đông đảo sự tham gia của các bộ ngành liên quan cùng nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài. Tại đây, các chuyên gia đã cùng bàn luận những giải pháp tích cực cho việc phòng chống và xử lý sạt lở tại Việt Nam.
Hội thảo đưa ra phân tích hai dự án cụ thể về phòng chống sạt trượt đang được thực hiện tại Xín Mần (Hà Giang) và đồi Ông Tượng (Hòa Bình). Đây là hai trong số hơn 2000 điểm có nguy cơ sạt lở cao và hiện đang được thí điểm một số công nghệ chống sạt trượt hiện đại như đóng đinh đất, hay lắp đặt hệ thống quan trắc cảnh báo sạt trượt…
Bên cạnh đó, Hội thảo còn có sự tham gia đóng góp, chia sẻ của các chuyên gia Nhật Bản – đất nước thường xuyên phải chống chọi với các thảm họa động đất, lũ quét, sạt lở... đến từ công ty Okuyama Boring và Nippon Steel & Sumikin Metal.
Công ty FECON cho biết, việc xử lý sạt – trượt cũng đang là mảng được Ban lãnh đạo công ty quan tâm, theo đuổi. Hiện Công ty này đã có những biên bản ghi nhớ hợp tác với các công ty hàng đầu Nhật Bản trong xử lý sạt trượt đất đá./.
Duy Phong