(TG)- Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ ban hành giá đền bù một lần để tránh các
khiếu nại phát sinh đối với việc đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, khu vực ưu tiên giải phóng mặt bằng xây dựng sân bay là 1.810 hécta, tăng 645 hécta so với kế hoạch trước đây. Đây là yêu cầu từ phía Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) nhằm đủ diện tích cho xây dựng các công trình giai đoạn 1 của dự án. Trong đó khoảng gần 1.700 hécta là đất cao su nên không gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Đối với hơn 165 hécta còn lại của khoảng 445 hộ dân, ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đang được khẩn trương tiến hành kiểm kê, đo đạc. Tuy nhiên, mới chỉ kiểm kê được 284 trường hợp, còn 171 trường hợp chưa kiểm đếm được do chủ hộ không đến, đi vắng, không xác định được chủ sử dụng đất, mua bán, cho tặng bằng giấy tay.
Liên quan đến vấn đề ban hành giá đền bù, hỗ trợ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án sân bay, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ đề xuất ban hành giá đền bù 1 lần, dự kiến vào năm 2020 để không tạo ra sự khác biệt giữa giá đền bù giữa các năm, qua đó tránh được khiếu nại khiếu của người dân.
"Chúng tôi đề xuất chủ trương là toàn bộ cứ thống kê, kiểm kê. Bắt đầu
2020 có giá mới là chúng tôi đền bù một lần, không tạo sự khác biệt giữa
giá của 2019 và 2020. Tiền giải phóng mặt bằng cho người dân sẽ chi trả
rất nhanh và đồng loạt, không thể theo kiểu lai rai năm nay một ít sang năm một
ít, phần lớn sẽ tập trung vào năm 2020"- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh khẳng định.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết, đến thời điểm này, tiến độ các nhóm công việc đối với dự án giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được tỉnh thực hiện khẩn trương.
Đối với 2 khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn và Bình Sơn với diện tích trên 364 ha, hiện tỉnh đã chi trả 50% giá trị bồi thường đối với 358 ha cho Tổng Công ty cao su Đồng Nai. Đơn vị này cũng đang hoàn thành các thủ tục thanh lý, cắt cây cao su để bàn giao mặt bằng cho dự án.
Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành khẳng định, đây là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Trước mắt, dự án nhằm khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giữ vai trò là cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia; hướng đến trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á với tổng công suất 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, tiếp nhận được máy bay A380-800 hoặc tương đương.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD (tương đương hơn 336 nghìn tỷ đồng).
Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư là hơn 5,4 tỷ USD. Mục tiêu của dự án giai đoạn 1 là đầu tư xây dựng 1 đường cất, hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Giai đoạn 2, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất, hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3, hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
|
Lượng Xuân